Những bí ẩn về vua Lý Thái Tổ: Kỳ 4: Ẩn thân dưới hầm tránh vua Lê truy sát

GD&TĐ - Lý Công Uẩn sẽ không thể trở thành vị vua sáng lập triều Lý nếu không chạy trốn thành công khỏi cuộc truy sát của vua Lê.

Đình làng Dương Lôi, nơi các sấm ngữ mô tả sự ra đời của Lý Công Uẩn.
Đình làng Dương Lôi, nơi các sấm ngữ mô tả sự ra đời của Lý Công Uẩn.

Và giả thiết khẳng định, nếu vợ chồng cụ già ở Tam Tảo không cưu mang, đào hầm cho Lý Công Uẩn ẩn thân, rất có thể tên tuổi của Lý Công Uẩn đã không được biết đến.

Và chắc chắn, ngai vàng của nhà Lê sẽ không rơi vào tay nhà Lý. Nhưng đó là mệnh trời, kể cả việc Lý Công Uẩn được cứu để sau này trở thành vị vua sáng lập Lý triều.

Triều Đinh – Lê và ân oán họ Lý

Lý Công Uẩn sẽ không thể là vị vua sáng lập Lý triều nếu không thoát khỏi cuộc truy sát của nhà Lê.
Lý Công Uẩn sẽ không thể là vị vua sáng lập Lý triều nếu không thoát khỏi cuộc truy sát của nhà Lê.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao vua Lê lại luôn để ý đề phòng Lý Công Uẩn rồi cho truy sát, trong khi trước đó đã nhận lời đề bạt giới thiệu của sư Vạn Hạnh? Các nhà nghiên cứu cũng đã phải cất công tìm hiểu rất kỹ về chi tiết này. Câu hỏi đặt ra là vua Lê có thù oán gì với Lý Công Uẩn? Chắc chắn là không, vì dù sao Lý Công Uẩn khi đó mới chỉ là tiểu tướng.

Vậy hẳn nhà Lê có thù với dòng họ Lý vùng Siêu Loại? Điều này, các nhà nghiên cứu phải lần giở từ cuộc nổi dậy của sứ quân Lý Khuê trong loạn 12 sứ quân.

Lịch sử đã cho thấy, dù Lý Khuê có sự ủng hộ ngấm ngầm của Lục Tổ Thiền Ông và thiền sư Vạn Hạnh nhưng vẫn thất bại trong cuộc dẹp loạn, thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng. Con cháu Lý Khuê phải thay tên đổi họ, còn triều đình thì luôn “để mắt” đến những người họ Lý.

Sau sự kiện vua Đinh bị sát hại, thân là tướng Lê Hoàn nhiếp chính xưng là Phó vương, quyền hành nắm cả trong tay. Cuộc binh biến của Đại tướng quân Phạm Cự Lạng đem binh vào cung, buộc Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho Phó vương Lê Hoàn.

Nhà Lê nắm quyền từ đó. Vì từng là tướng nhà Đinh nên vua Lê Đại Hành hiểu cả những khúc mắc ân oán chính trị nhà Đinh đối với dòng họ của 12 sứ quân, trong đó có họ Lý vùng Siêu Loại (Bắc Ninh). Bởi thế, dù nhận lời đề bạt Lý Công Uẩn của sư Vạn Hạnh, thì Lê Đại Hành vẫn hiểu hơn ai hết mối họa mà người họ Lý sẽ xảy ra trong việc lấy lại quyền lực.

Đặc biệt, vua Lê Đại Hành không thể không biết, và càng không thể không để ý đến những sấm ngữ tiên đoán nhà Lý sẽ nối ngôi nhà Lê. Sấm ngữ bắt nguồn từ thời Lý Khuê còn làm sứ quân chiếm giữ Siêu Loại. Chính cuộc nổi dậy của Lý Khuê chống lại Đinh Bộ Lĩnh, ứng với câu kệ “Đại Sơn long đầu khởi” mà thiền sư Định Không đã viết. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa kéo dài chỉ được hai năm thì bị diệt.

Ẩn thân dưới hầm

Chùa Tiêu - nơi diễn ra cuộc hôn nhân bí mật của cha mẹ vua Lý Công Uẩn.
Chùa Tiêu - nơi diễn ra cuộc hôn nhân bí mật của cha mẹ vua Lý Công Uẩn.

Và khi Lý Khuê bị thất bại, nhóm Thiền Ông - Vạn Hạnh phải cưu mang đám con cháu của Lý Khuê, tạo điều kiện cho cha, bác, chú của Lý Công Uẩn mai danh ẩn tích (tiềm long) tránh sự bố ráp gắt gao của triều Đinh và Tiền Lê.

Vì tin vào câu “Cù vĩ ẩn Minh Châu” nên Vạn Hạnh đã tiến hành việc cưới bà Phạm Thị Ngà cho một người con trai của Lý Lãng Công (tức Hiển Khánh Vương). Cũng vì tạo cho Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh, tránh sự truy bắt của triều Đinh và Tiền Lê nên Thiền Ông ẩn tích, Vạn Hạnh đã giấu tông tích của Lý Khuê và mối quan hệ cháu ông giữa Lý Công Uẩn với sứ quân này.

Sau khi sứ quân Lý Khuê bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, dòng họ Lý của sứ quân Lý Khuê một số bị giết, nhưng số còn lại đi ẩn, vào rừng sinh sống hoặc vào tu ở các chùa trong núi. Lý Vạn Hạnh mặc dầu họ Lý nhưng cũng có thời kỳ phải mang họ Nguyễn.

Sách Đại Nam nhất thống chí từng chép: “Đời Lý: Nguyễn Vạn Hạnh người huyện Đông Ngàn, lúc bé thông minh khác thường, rộng thông ba học phái; xuất gia thâm thuý về thiền học, nói ra phần nhiều là lời sấm. Lê Đại Hành thường triệu đến hỏi công việc. Lý Thái Tổ phong làm quốc sư”.

Ngay vua Lê Đại Hành cũng rất gờm con cháu họ Lý nên luôn để mắt tới, có cuộc binh biến, nhà Lê suýt bắt được Lý Công Uẩn để trừ hậu họa. Hơn ai hết, các vua nhà Lê thừa biết họ Lý đang được lòng dân, đa phần là Phật tử.

Đại Nam nhất thống chí cũng chép rằng: Nhà Lê đắp thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn làm phu đắp, đến đêm vua Lê mộng thấy thần cho biết là có bậc quý nhân đương làm việc đắp thành ở đây. Thức dậy sai người đi tìm, thì Công Uẩn đã đi rồi.

Khi Công Uẩn đi đến xã Tam Tảo (nay là xã Phú Lâm, Tiên Du – Bắc Ninh), thấy hai vợ chồng già đang cày ruộng, bèn đem nguyên do chuyện mình nói cho biết. Ông già liền bảo Công Uẩn lấy bùn trát khắp mình và cùng cày ruộng; sau đó ông già mang Công Uẩn về nhà, đào đất làm hầm cho ở và chứa nước ở trên hầm.

Vua Lê xem bói, thấy quẻ bói nói: “Nước ở trên người”. Vì thế, vua Lê tưởng là Công Uẩn đã chết ở sông rồi. Đến khi Lý Công Uẩn được nhà Lê truyền ngôi, bèn phong ông già ở Tam Tảo tên là Trần Quý làm “Phụ quốc đại vương” và phong vợ ông (bà Đặng Thị Phương Dung) làm vương phi, làm nhà cho ở Phượng Vũ. Sau khi vợ chồng ông già chết, người địa phương lập đền thờ ngay ở chỗ ông bà từng sống.

Sự kiện này phản ánh một thực tại, rằng các vua Đinh, Lê vẫn “để mắt” đến họ Lý vùng Cổ Pháp - Siêu Loại và bản thân Lý Công Uẩn cũng biết vai trò, vị thế của mình trong tương lai. Sử liệu này cho thấy, sự đùm bọc của nhân dân đối với Lý Công Uẩn, người đại diện cho niềm khát vọng của họ. 

Vận động chính trị bằng sấm

Hội làng Tam Tảo rước từ đền Phụ Quốc tưởng nhớ vợ chồng ông Trần Quý đã cưu mang Lý Công Uẩn.
Hội làng Tam Tảo rước từ đền Phụ Quốc tưởng nhớ vợ chồng ông Trần Quý đã cưu mang Lý Công Uẩn.

Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, nếu giải thích ngắn gọn nhất thì sấm có nghĩa là triệu, tức điềm báo. Từ điển Từ Nguyên của Trung Quốc có ghi lại bốn mục phát sinh từ sấm. Một là sấm bộ: Là thuật pháp để biết được điều chưa đến, những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Bà Thanh khẳng định, hiện tượng tiên báo, dự báo đầu đời Lý thuộc loại sấm ngữ. Sấm ngữ đầu đời Lý khá nhiều, và người nổi tiếng hơn cả là thiền sư Vạn Hạnh. Khi thấy vận mệnh của nhà Tiền Lê sắp hết, Vạn Hạnh đã cùng Đào Cam Mộc tham gia nhiệt tình trong cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi.

Vạn Hạnh đã trực tiếp viết lời “khuyến”: “Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ (chức của Lý Công Uẩn lúc đó), là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay”.

Tuy Vạn Hạnh nói: “Tôi thấy lời sấm lạ”, nhưng cũng chính Vạn Hạnh đặt ra lời sấm: Cá tam nguyệt chi nội/Thân vệ đăng trụ xã tắc/Lạc trà ấn quốc tự/Thập khẩu thủy khổ thứ/ Ngộ thánh hiệu Thiên Đức.

Các nhà nghiên cứu đều đồng ý, về mặt thời gian, đây là lời đoán chính xác. Người đương thời chỉ chờ ba tháng để thấy sự linh nghiệm, nhưng cái huyền ảo của bài sấm lại nằm ở câu thứ ba: Lạc trà ấn quốc tự.

Trở về với thế kỷ thứ 7, đầu thế kỷ 8 khi thiền sư Định Không dựng một ngôi chùa ở làng Dịch Bảng đã đào được 10 chiếc khánh và một lư hương. Khi đem rửa có một chiếc khánh bị chìm mất. Ông bèn hứng khởi nói: Mười chiếc (thập khẩu) là chữ Cổ, một chiếc rơi chìm đi (thủy khứ) là chữ Pháp. Sau đó, Định Không đặt tên đất là Cổ Pháp cùng một bài thơ, cũng là lời tiên đoán người Cổ Pháp làm vua.

Và Định Không đã dặn học trò Thông Thiện để sau này truyền lại cho các đệ tử phá bùa yểm của dị nhân Cao Biền. Sau này, Đinh La Quý An đã phá bùa yểm ở 19 huyệt đạo và cho đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng chôn gần tam quan chùa, lại trồng một cây gạo và để lại bài kệ.

Khi sét đánh vào cây gạo để lại bài sấm mà Vạn Hạnh đã ngầm đoán rồi theo một cuộc vận động chính trị làm tiếp một bài kệ nữa: “Gốc lê chìm bể Bắc/Chồi lý mọc trời Nam/Bốn phương tan giáo mác/Tám cõi được bình an”.

“Đến đây thì chuyện Lê, Lý đã được khẳng định và nói rõ. Lời sấm cũng chỉ còn khoác một cái vỏ mỏng manh mà thôi. Chính sử cũng đã từng nhận xét Vạn Hạnh là người có công lớn trong việc chuẩn bị dư luận cho nhà Lý thay nhà Lê, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đương thời”, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cho biết.

“Có thể thấy những bài sấm, bài thơ trước và sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi đã có tác dụng tuyên truyền tích cực, gây ảnh hưởng và tạo dư luận trong quần chúng và triều đình”.
PGS.TS Trần Băng Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ