Nhan sắc ngất ngây của nàng Chân Mật khiến 3 cha con Tào Tháo si mê

Đến nay, người ta vẫn đánh giá Chân Mật là một trong 15 người đẹp nhất lịch sử Trung Hoa.

Nhan sắc ngất ngây của nàng Chân Mật khiến 3 cha con Tào Tháo si mê

Nụ cười mỹ nữ Chân Mật từng làm ngất ngây biết bao người, đến nỗi cả ba người đàn ông nhà họ Tào là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực đều ngất ngây. Đến nay, người ta vẫn đánh giá Chân Mật là một trong 15 người đẹp nhất lịch sử Trung Hoa.

Điêu Thuyền - nhân vật mà đến nay sự tồn tại thực tế vẫn bị nghi ngờ - được văn hóa dân gian Trung Quốc xếp vào “tứ đại mỹ nhân” trong lịch sử quốc gia này, bên cạnh Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Ngọc Hoàn.

Tuy nhiên, cho dù Điêu Thuyền là một mỹ nhân có thực và có sắc đẹp như “Trầm Ngư Lạc Nhạn”, thì nàng vẫn chưa đủ tầm để xứng danh là “Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân”.

Trên thực tế, bên cạnh Điêu Thuyền và Đại - Tiểu Kiều, thời đại Tam Quốc còn một mỹ nhân danh tiếng khác. Người này từ nhỏ là một thần đồng, lớn lên được gả cho một vị khai quốc Hoàng đế.

Tài năng văn học của nàng được đánh giá là siêu việt, khiến cho 3 “cây đại thụ” trong văn đàn Tam Quốc là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực phải nghiêng mình thán phục.

Con trai của mỹ nhân này về sau kế vị ngai vàng, trở thành minh quân của Ngụy triều. Đại mỹ nhân này không ai khác ngoài Văn Chiêu Chân hoàng hậu của Ngụy Văn Đế Tào Phi.

Nhan sắc của nàng lộng lẫy đến nỗi thời Tam quốc có câu: “Đông Ngô hữu nhị Kiều, Bắc phương Chân Mật tiếu”.

Đương thời khi còn sống, bà chưa từng được phong làm Hoàng hậu mà chỉ được gọi là Chân phu nhân. Thụy hiệu Hoàng hậu là do Tào Duệ truy tôn bà khi làm Hoàng đế.

Bắt đầu cuộc đời đầy sóng gió của mỹ nhân “Quốc sắc thiên hương”

nhan sac ngat ngay cua nang chan mat khien 3 cha con tao thao si me hinh anh 1

Ảnh minh họa.

Văn Chiêu Chân hoàng hậu sinh năm 182 còn được gọi với cái tên Chân Mật và Chân Lạc, thời Hán Linh Đế, người quận Trung Sơn (nay là Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).

Cha của Chân Lạc mất năm nàng 3 tuổi. Đến 9 tuổi, Chân Lạc trở nên vô cùng thông minh, biết cách tự học chữ đọc sách.

Sau này, khi đến tuổi thành thân, Chân Mật được bá chủ phương Bắc đương thời là nhà quân phiệt Viên Thiệu cưới về cho con trai Viên Hy.

Nhiều sách kể rằng, họ Viên dần dần bị Tào Tháo triệt hạ. Năm 204, quân Tào Tháo chiếm được thủ phủ của Ký Châu, Chân Mật đã lọt vào tay quân Tào. Khi thắng trận, Tào Phi - con trai Tào Tháo - dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên thì thấy vợ Viên Thiệu và Chân Mật đang ôm nhau khóc.

Thấy đầu bù, mặt nhọ, Tào Phi đã kéo nàng Chân lại gần, dùng ống tay áo nhẹ nhàng lau mặt cho nàng và tự nhiên xúc động thốt lên “Thật là một tiên nữ!”. Sau đó, Tào Phi hứa sẽ bảo toàn cho cả gia đình. 

Nhiều chính sách khác lại kể rằng, vì nghe đồn về nhan sắc kiều diễm của Chân thị, chính Tào Tháo rất thèm khát nên khi đem quân triệt hạ họ Viên đã có ý định chiếm lấy nàng về mua vui cho mình. Vì thế, ông ta ra lệnh không ai được xâm phạm đến gia quyến nhà họ Viên.

Thật không may là cậu con trai nhanh chân hơn đã chiếm được người đẹp, khiến Tào Tháo tuy tiếc đứt ruột vẫn phải cưới nàng cho con trai mình.

Sau khi kết hôn với Tào Phi, quốc sắc thiên hương Chân Mật hạ sinh con trai đặt tên là Tào Tuấn. Nhưng vì sinh non nên nàng bị gièm pha rằng đó là con của Viên Hy chứ không phải giọt máu nhà họ Tào.

Chính những thị phi đó đã dần khiến Chân Mật bị thất sủng, dù cho sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi lên ngôi và nàng trở thành vợ vua, mẹ của thái tử Tào Tuấn.

Tào gia sóng gió vì người đẹp

Riêng về mối quan hệ giữa Tào Thực - em trai Tào Phi - với Chân Mật, nhiều sách vở cho biết, từ lâu họ đã có tình cảm sâu nặng song “mặt ngoài còn e”.

Không ít sách vở viết rằng, giữa Tào Thực và Chân thị từ lâu đã có tình cảm sâu nặng nhưng không ai nói ra, chỉ để lộ qua ánh mắt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Tào Thực bị Tào Phi ghét cay ghét đắng, ra sức chèn ép.

Sẵn có tài văn thơ, lại là người học rộng biết nhiều, Tào Thực dễ khiến tâm hồn Chân Mật rung động. Còn Tào Thực thì xiêu lòng trước sắc đẹp và vẻ dịu dàng, hiền hậu của chị dâu, lại xót thương cho tình cảnh bất hạnh của Chân Mật nên hai người đã cảm mến nhau.

“Lạc Thần phú” được Tào Thực sáng tác khi Chân Hoàng hậu - chị dâu của ông - đã qua đời. Tào Thực dùng hình ảnh ẩn dụ của “Mật Phi - thần của Lạc Thủy” để nói về vẻ đẹp của nàng Chân Mật.

Người đời sau thậm chí đã nghi ngờ giữa Tào Thực và chị dâu đã có một cuộc tình lãng mạn nhưng không thành, khiến em trai Ngụy Văn Đế một đời đau khổ. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.

Hồng nhan bạc mệnh 

Cuộc hôn nhân của Chân Mật với Tào Phi có vài năm hạnh phúc. Chân Hoàng hậu sinh cho Phi một con trai và một con gái. Con trai bà chính là Ngụy Minh Đế Tào Duệ mà “kẻ diệt Ngụy” Tư Mã Ý rất e sợ và khâm phục.

Một trong những tình địch ghê gớm nhất của Chân Mật là Quách thị. Vì Chân Mật là vợ cả lại là người có sắc đẹp hơn người nên Quách thị luôn tỏ ra ghen tức quyết tâm tiêu diệt Chân Mật để trở thành chủ hậu cung. Bày mưu tính kế chán chê nhưng không hại được Chân Mật nên Quách thị đã sử dụng chiêu bài “độc”, để bùa trong phòng của Tào Phi rồi tố cáo Chân thị yểm bùa hãm hại chồng.

Vốn tính đa nghi, Tào Phi cho người điều tra và quả nhiên tìm thấy tượng gỗ có khắc tên mình trong phòng của Chân Mật. Chứng cớ rành rành, nàng bị Tào Phi ra lệnh cho uống thuốc độc tự tử. Thảm thương hơn, khi chết, nàng còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng. Vậy là kết liễu cuộc đời mỹ nữ lừng danh thời Tam Quốc ở tuổi 39.

Mãi tới khi Tào Phi qua đời, Tào Duệ lên ngôi thì Chân Mật mới được truy phong làm Văn Chiêu Hoàng hậu. “Lạc Thần Phú” mà Tào Thực viết về mỹ nhân này cũng trở thành tác phẩm nổi tiếng Trung Quốc suốt hàng nghìn năm.

Văn Chiêu Chân hoàng hậu.

“...Hình dáng của nàng,

Nhẹ nhàng như chim hồng bay,

Uyển chuyển như rồng lượn.

Rực rỡ như cúc mùa thu,

Tươi rạng như tùng mùa xuân.

Phảng phất như mặt trăng bị mây nhẹ che lấp,

Phiêu diêu như tuyết bị gió thổi cuốn lên.

Từ xa ngắm nhìn, trắng như ráng mặt trời lên trong sương sớm,

Tới gần nhìn kỹ, rực rỡ như hoa sen lên khỏi dòng nước trong.

To nhỏ vừa chuẩn,

Dài ngắn vừa thích hợp.

Vai như vót đẽo thành,

Eo như lấy dải lụa thắt lại.

Cổ trước sau thon dài,

Da trắng hé lộ.

Sáp thơm không cần thêm,

Phấn màu chẳng cần thoa.

Búi tóc cao như mây bồng,

Lông mày cong thon.

Môi son rực rỡ bên ngoài,

Răng trắng tinh khiết ở trong.

Con ngươi sáng liếc nhìn,

Má lúm đồng tiền hiện trên má.

Phong tư kiều diễm phiêu dật,

Dung nghi tĩnh lặng nhàn nhã.

Dáng vẻ nhu mì khoan thai,

Tiếng nói đầy mê hoặc.

Trang phục nàng diễm lệ lạ thường không có trên đời,

Cốt cách tướng mạo như trong tranh vẽ.

Mặc áo lụa bừng sáng,

Ngọc đeo tai toả màu biếc.

Đeo lông chim phí thuý vàng làm trang sức ở tay,

Kết ngọc minh châu đeo quanh người.

Đeo giày viễn du thêu hoa văn,

Quần lụa nhẹ nhàng phấp phới.

Ẩn trong hương thơm nồng của hoa lan,

Bồi hồi dạo bước bên sườn núi...”.

Trích đoạn miêu tả vẻ đẹp của Chân Lạc trong bài thơ “Lạc Thần Phú”.

Ngoài Văn Chiêu Chân hoàng hậu thời kỳ này còn có hai vị quốc sắc thiên hương nữa là Đại Kiều và Tiểu Kiều. Đại Kiều được miêu tả có vẻ đẹp nhu mì, đôi mắt diễm lệ nhưng luôn chất chứa âu sầu. Bản tính hiền hậu, nhút nhát, sống nội tâm yêu thích thêu thùa, nấu ăn, chăm sóc hoa lá.

Ngược lại Tiểu Kiều dung mạo xinh đẹp, thông minh hơn người, đa tài đa nghệ, ham mê đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa, làm thơ. Khi Tôn Sách và Chu Du đến thăm Kiều gia trang đã mê mẩn trước sắc đẹp của hai nàng. Tôn Sách đã cưới Đại Kiều còn Chu Du cưới nàng Tiểu Kiều.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ