Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường và ca khúc “Mùa thu ngày khai trường”

GD&TĐ - Cứ mỗi mùa thu về, trong không khí tưng bừng náo nức của ngày khai trường trên mọi miền đất nước, những ca khúc truyền cảm hứng cho bao thế hệ thầy, cô giáo lại rung ngân. Trong số những giai điệu, ca từ lôi cuốn đó, Mùa thu ngày khai trường luôn là một trong những ca khúc được nhiều thế hệ thầy trò yêu thích và lựa chọn.

Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường
Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường

Người thầy có tâm hồn bay bổng

Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường sinh ngày 4/9/1946 tại TP Hải Dương. Mặc dù trong gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng nhạc sĩ Vũ Trọng Tường may mắn được người bố truyền cho tình yêu thơ ca, nghệ thuật và cho đi học đàn từ nhỏ.

Năm 1964, chàng thanh niên Vũ Trọng Tường vào bộ đội. Với khả năng chơi đàn và hát, chàng lính trẻ tích cực tham gia văn nghệ và được giao làm công tác chỉ đạo nghệ thuật ở Đội tuyên văn Binh chủng Ra-đa thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

Khi công tác tại Binh chủng Ra-đa, nhạc sĩ đã viết nhiều ca khúc về người lính và có nhiều thành công. Những ca khúc Mắt thần trên đỉnh Trường Sơn, Anh là chiến sĩ ra-đa... thành công đã mang lại cho nhạc sĩ nhiều kỷ niệm sâu sắc và là động lực để ông theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc. Trong thời gian này (1967), nhạc sĩ Vũ Trọng Tường đã sáng tác ca khúc “Cây sáo diều của em”, là ca khúc đầu tiên dành cho thiếu nhi.

Năm 1970 nhạc sĩ rời quân ngũ đi học Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc và sau khi tốt nghiệp ông về công tác trong ngành Giáo dục Thủ đô. Ban đầu, ông dạy Âm nhạc tại trường cấp 1 – 2 Hoàng Diệu (Ba Đình), tới năm 1978 về Phòng Giáo dục Ba Đình. Trong 20 năm đó, biết bao lần trái tim yêu đời yêu người của ông đã rung lên khi ngắm những khuôn mặt hồn nhiên của trẻ thơ, ánh mắt rạng ngời đầy lạc quan, tin tưởng của cả thầy và trò khi bước vào năm học mới.

Nhạc sĩ không nhớ nổi mình đã sáng tác bao nhiêu ca khúc, nhưng có khoảng 50 ca khúc dành cho thiếu nhi. Nhiều ca khúc được người yêu nhạc yêu thích và được các em học sinh chọn biểu diễn trong nhiều cuộc thi như: Mùa thu ngày khai trường, Cây bàng mùa hạ, Hạt nắng sân trường, Khi Hà Nội vào thu, Chơi đu, Ơi Trường Sa yêu thương, Hạ Long đêm trăng, Khi Hà Nội vào thu, Trường Sa chiều biển nhớ, Chợ Núi, Tình yêu Pô-na-ga...

Ông xúc động chia sẻ: Không niềm hạnh phúc nào sánh bằng khi đứa con tinh thần của mình đã được đón nhận và được tuổi thơ yêu thích. Ca khúc đã đem lại cho tác giả nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc rưng rưng xúc động và tự hào khi được biểu diễn, dàn dựng công phu ở khắp nơi. Tôi may mắn đã hai lần được đến thăm quần đảo Trường Sa và hạnh phúc vô cùng khi những tác phẩm của mình đã được các chiến sĩ và học sinh nơi tuyến đầu Tổ quốc hát lên trong nhịp sóng vỗ.

Mùa Thu ngày khai trường

Có nhiều ca khúc thành công viết cho thiếu nhi nhưng một trong những bài hát để lại ấn tượng sâu sắc mỗi dịp khai giảng năm học mới chính là Mùa thu ngày khai trường, ca khúc viết về tuổi học trò ngây thơ, trong trẻo, hồn nhiên đáng yêu.

Có lẽ nhờ có nhiều năm gắn bó với bục giảng và bảng đen, phấn trắng, mà ký ức của ông luôn lưu giữ những khuôn mặt hồn nhiên của trẻ thơ, ánh mắt rạng ngời đầy lạc quan, tin tưởng của cả thầy và trò khi bước vào năm học mới.

“Tiếng trống trường rộn rã làm tan cái nắng hè, dịu đi những tiếng ve, còn vương trên vòm cây xanh lá. Mùa thu sang đẹp quá! Xao xuyến bao tâm hồn, vui tiếng trống tựu trường, trong tiếng hát muà thu”.

Nét nhạc tươi vui, sôi nổi náo nức, khiến người nghe như được lây niềm sung sướng phấn khởi cùng những cô cậu học trò tung tăng háo hức đến trường ngày đầu tiên.

Lúc viết bài hát Mùa thu ngày khai trường nhạc sĩ Vũ Trọng Tường đang công tác tại Phòng Giáo dục quận Ba Đình. Ông kể: Năm 1980, khi dự lễ khai giảng ở Trường Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình). Không khí rộn ràng và tiếng trống ngày khai giảng vang lên đã bật lên bao xúc cảm trong tâm hồn người nhạc sĩ. Những nét nhạc cứ xôn xao và cảm hứng sáng tác đã ùa đến. Những nét nhạc tươi tắn bật lên trong đầu nhạc sĩ, ông đã viết ngay ra tờ giấy những câu hát. “Mùa thu sang đẹp quá xao xuyến bao tâm hồn , vui tiếng trống tựu trường, trang giáo án đầu tiên”. Sau đó trong lúc đi dạo quanh sân trường nhạc sĩ lại tiếp tục hoàn thành từng đoạn ca khúc. Về nhà, ông chỉnh sửa lại đôi chút và bài Mùa thu ngày khai trường dành tặng các thầy cô giáo đã ra đời.

Hai năm sau bài hát trở thành tiết mục được yêu thích đặc biệt trong Hội diễn Tiếng hát giáo viên mà các cô giáo Hà Nội biểu diễn ở Huế.

Thế nhưng, cái duyên của ca khúc này chưa dừng lại ở đó, một lần khi đến thăm báo Thiếu niên Tiền phong, nhận thấy lời đề nghị của Ban biên tập hợp lý, nhạc sĩ Vũ Trọng Tường đã sửa lời bài hát ngay tại tòa soạn cho phù hợp với tuổi thơ. Thế là, những ca từ “Trang giáo án đầu tiên” được sửa là “Trong tiếng hát mùa thu”; “Xôn xao niềm vui mới, người giáo viên nhân dân” được sửa thành “Tung bay màu khăn thắm, rực rỡ trên vai em”. Bài hát được chính thức dành cho thiếu nhi từ đó.

Sau một thời gian rất dài, bài hát mới được các bạn nhỏ biết đến và đặc biệt yêu thích. Ca khúc đã được chính thức được đưa vào chương trình dạy chính khoá môn Âm nhạc lớp 8 THCS.

Đã nhiều năm qua đi, mỗi dịp khai trường, ta lại được nghe biết bao lời ca tiếng hát của các em cất lên, nhưng Mùa thu ngày khai trường lâng lâng niềm vui sướng được cắp sách đến trường, đón nhận nguồn tri thức mới của nhân loại luôn là thông điệp hay, đầy ý nghĩa đón chào năm học mới. Cùng với nhiều bài hát hay viết cho thiếu nhi về đề tài thầy cô và mái trường, Mùa thu ngày khai trường là món quà tinh thần quý giá mà nhạc sĩ tâm huyết dành tặng ngành Giáo dục Việt Nam.

Ca khúc thiếu nhi hay vẫn thiếu

Chia sẻ về quan điểm sáng tác cho thiếu nhi, nhạc sĩ Vũ Trọng Tường có những trăn trở: Môi trường và điều kiện sáng tác ngày nay đã khác nhiều so với trước, về cả ngôn ngữ, ca từ và đặc biệt là âm nhạc. Âm nhạc có tiết tấu nhanh hơn, thậm chí khó hơn, đưa cả tiết tấu hiện đại vào ca khúc. Sáng tác cho thiếu nhi dễ nhưng lại khó. Vì khi viết cho tuổi thơ ca từ cần sự nhẹ nhàng, hồn nhiên, vui tươi để phù hợp với đặc trưng và tâm lý các em nhưng ẩn sâu trong những câu hát đơn giản phải mang được triết lý giáo dục. Vì vậy, người nhạc sĩ cần được đào tạo về âm nhạc có nền tảng kiến thức cơ bản và còn cần am hiểu văn học, triết học nữa.

Hiện nay, có nhiều kênh truyền hình, nhiều sân chơi, cuộc thi âm nhạc dành cho trẻ. Đây là cơ hội để các nhạc sĩ thể hiện khả năng và tình yêu với tuổi thơ, song nhiều tác giả viết nhạc thiếu nhi có vẻ dễ dãi quá, các bài hát na ná giọng điệu mà thiếu cái tôi sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Không thể hiện được cá tính của trẻ thơ, không bộc lộ được suy nghĩ, tâm trạng của các em thì khó đọng lại trong tâm trí các em.

Theo nhạc sĩ Vũ Trọng Tường, các cuộc thi nên có chủ đề rộng và khuyến khích trẻ em biểu diễn những ca khúc mới. Các phụ huynh và thầy cô nên gợi ý, hướng dẫn các thí sinh chọn những ca khúc giàu giá trị nghệ thuật để người hát thể hiện được trình độ âm nhạc và biểu đạt cảm xúc của mình.

Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường đã nhiều lần được nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều giải thưởng của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông cũng đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục và được tôn vinh là một trong 50 nhạc sĩ nổi bật thế kỷ XX.

- Ông giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (các năm 1996, 1997, 2000 và 2002).
- Nhạc sĩ đã xuất bản Tuyển chọn ca khúc Vũ Trọng Tường (NXB. DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và Album tuyển chọn ca khúc Hạt nắng sân trường (1996).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ