Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”…

GD&TĐ - Bẩm sinh tài hoa, Nguyễn Trọng Tạo không chỉ nổi tiếng về thi ca, ông còn tạo dựng được tên tuổi và chiếm được lòng yêu mến của công chúng trong lĩnh vực âm nhạc. Với ca khúc “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” được phổ thơ Nguyễn Phan Hách và Lê Huy Mậu, ông đã ghi dấu ấn không thể mờ phai trong trái tim những người yêu thơ ca, nhạc họa.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”…

Thấm đẫm hồn quê

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, sinh năm 1947, trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê, huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Sinh ra ở làng quê nghèo, “chất quê” cùng những điệu hò, câu hát dân ca xứ Nghệ đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn ông từ thuở thiếu thời.Trên bước đường lập thân, mỗi miền đất ông đi qua lại đem đến cho ông những trải nghiệm những rung động mới mẻ khác.

Cùng những đồng đội may mắn trở về từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được nhận công tác ở Hà Nội. Lần gặp nhà thơ Nguyễn Phan Hách ở Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ông đã có cơ duyên trở thành đồng tác giả của ca khúc về làng quan họ. Xúc động khi nghe bài hát Nụ cười Việt Nam mà Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Chính Hữu, nhà thơ Nguyễn Phan Hách nảy ra ý định gửi gắm “đứa con tâm hồn” của mình.

Khi biết Nguyễn Trọng Tạo mang trọng bệnh, tình trạng ngày một xấu đi, người thân, bạn bè và những người yêu mến ông biết cái tất yếu của qui luật tự nhiên, nhưng khi được tin ông mất, ai cũng bàng hoàng. Đã ngừng đập một trái tim suốt đời quá tải bởi tình yêu mãnh liệt với quê hương, đất nước, với con người nói chung và mỗi số phận nói riêng. 

Vốn mê những làn điệu quan họ, yêu vùng đất Kinh Bắc qua thơ của Hoàng Cầm và bộ phim “Đến hẹn lại lên” nên nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận bài thơ “Làng quan họ” với lời hứa sẽ cố gắng chắp cánh cho nó. Để rồi, một buổi chiều tháng 9/1978, bên cái giếng gạch sứt mẻ trong làng Khương Hạ (Hà Nội), nơi các nhà văn quân đội ở nhờ, trong tiếng loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn, Nguyễn Trọng Tạo đã tìm thấy sự đồng điệu dạt dào để khai sinh cho “Làng quan họ quê tôi”. Không lâu sau khi trình làng, ca khúc trở thành bản tình ca của người quan họ, người yêu nhạc trong cả nước, rồi được dàn dựng trong nhiều sự kiện văn hóa, những chương trình giao lưu quốc tế.

Năm 2002, “Khúc hát sông quê” ra đời cũng vào một dịp tình cờ, khi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu sáng tác, gặp gỡ nhà thơ Lê Huy Mậu và tìm thấy trong chùm thơ tác giả nhờ đọc, gửi đăng báo nỗi niềm về quê hương da diết, thương cảm và vô cùng máu thịt…“Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…Ơi con sông dạt dào như tình mẹ chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn…” - giai điệu thiết tha như con thuyền chở câu từ thật hay và ý nghĩa như khuyến dụ vẻ đẹp tâm hồn.

Lãng tử đa tài, đa tình

Ngoài vai trò nhạc sĩ, Nguyễn Trọng Tạo còn được biết đến là nhà thơ, nhà báo, họa sĩ. Ông sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) năm 1974. Cho đến năm 2008, ông đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật như: Giải thưởng thơ Nghệ An 1969; Giải thưởng thơ hay báo Văn nghệ (do độc giả bình chọn) năm 1978; Giải thưởng thơ hay báo Nhân dân 1978; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997 - 2002); Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giải thưởng của Bộ Văn hóa và Thông tin cho bìa sách đẹp…

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Với gia tài âm nhạc gần 100 ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vẫn đóng vai một lãng tử đi qua cuộc đời. Chỉ khi bị bạn bè giục giã, thuyết phục và lời mời từ các nhà sản xuất, nhạc sĩ mới quyết tâm làm một đêm nhạc đúng nghĩa ở tuổi 70. Tháng 9/2017, ông thực hiện liveshow “Khúc hát sông quê” ở Hà Nội và năm sau tổ chức ở quê nhà Nghệ An, nhạc sĩ cũng không màng chuyện tài chính, mục đích mà ông mong muốn như ông thừa nhận là ghi hình lại, in ra cái đĩa làm kỷ niệm.

Điều thú vị là ông đã phổ thơ bạn bè, sáng tác nhiều ca khúc chứ không phổ thơ mình song thơ của ông lại được tác giả khác thấy hay và ấn tượng. Nguyễn Trọng Tạo có “Chia” được Phú Quang phổ thành ca khúc “Một dại khờ một tôi” và Giáng Son phổ nhạc “Cỏ và mưa”.

Đa tài, đa tình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được giới văn nghệ sĩ thán phục không chỉ bởi cái say tiên tửu trong những cuộc vui kéo dài cùng bạn bè, ông còn được nể phục vì là một người đa tài trong công việc. Ông làm biên tập, thiết kế bìa sách, dạy học, giám khảo cuộc thi âm nhạc, thi thơ... đều do bị hối thúc vì sự say mê, vì quý nể bạn bè chứ không quan trọng việc kiếm tiền. Nhạc sĩ từng chia sẻ cách ông thư giãn, tìm sự cân bằng: “Lúc nào không làm thơ tôi viết nhạc. Lúc nào không viết nhạc, tôi vẽ bìa…Đó cũng là cách tập thể dục cho trí não”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.