Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: Tôi tránh xa lối mòn

GD&TĐ - Cao hơn bầu trời, bộ phim truyền hình dài tập được xem là hoành tráng nhất về chiến tranh Việt Nam từ trước tới nay hiện đang được phát sóng trên kênh VTV9.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc (trái) và nhà văn Trần Thanh Giao
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc (trái) và nhà văn Trần Thanh Giao

Phim chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) và chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (18/12). Tác giả kịch bản phim, Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện thú vị.

PV: Cơ duyên nào đưa anh tới việc viết 50 tập phim Cao hơn bầu trời, bộ phim hiện được xem là hoành tráng nhất về chiến tranh?

Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: Đúng là một cơ duyên. Tuy viết văn xuôi nhưng từ lâu tôi đã “mê” kịch bản phim và được đọc một số kịch bản của các nhà văn đàn anh (Nguyễn Khắc Phục, Văn Lê) nhưng thú thực là lúc ấy tôi vẫn chưa hiểu gì nhiều.

Tôi dự định viết một bộ tiểu thuyết dài hơi về đề tài Không quân. Ý tưởng còn đương thai nghén thì bất ngờ giữa năm 2011, tôi gặp ông Thái Hòa - Giám đốc Hãng phim Giải phóng.

Sau gần 1 giờ trò chuyện, ông siết tay tôi bảo viết thành kịch bản phim nhiều tập đi, gác tiểu thuyết lại đã. Điều này chạm trúng vào mạch đam mê của tôi. Để nắm bắt “bí kíp”, tự tôi mày mò, nghiền ngẫm, trang bị cho mình những kiến thức về lĩnh vực này. Kết quả 50 tập với 2.500 trang kịch bản phim Cao hơn bầu trời đã ra đời trong 11 tháng.

Với tâm niệm phải viết sao cho hay, cho mới, tôi tránh xa lối mòn! Phản ánh đề tài lịch sử, nhưng không phải là phim lịch sử, mà là bộ phim truyện nhiều tập về thân phận con người trong chiến tranh. Trong số 136 nhân vật phim, ngoại trừ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng là nguyên mẫu, còn lại, từ các cán bộ Quân chủng, Binh chủng, cho đến các phi công chiến đấu, sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ cao xạ và trắc thủ radar đều được nhào nặn lại.

Tôi tâm đắc khi xây dựng hình tượng những người con miền Nam đánh giặc trên đất Bắc, rất đỗi hào hùng. Bộ phim còn là tình yêu sâu đậm của tôi đối với đất và người Hà Nội, nơi tôi chỉ sống gom lại chưa đầy một năm. Bởi vậy, sát cánh cùng những người lính, còn có cả những bà mẹ, những nữ tự vệ nhà máy dệt, và những người trai của Hà Nội hào hoa sẵn sàng chết vì Thủ đô với đầy đủ hình hài, tính cách và khí phách riêng của họ!

Tên phim được “chiết” từ những dòng nhật ký của phi công Hà Vĩnh (nhân vật phim). Nhà vợ mới cưới ở cách sân bay chừng 20km nhưng vì trực chiến chuẩn bị đánh B52 nên Vĩnh không thể về.

Cô vợ trẻ đẹp, là dân quân xã. Nhớ quá, một tối, Hà Vĩnh giả cách đi ngủ sớm, mượn xe đạp của cậu thợ máy, liều về thăm vợ. Nhớ nhung, khao khát, nên khi về đến nhà, giữa đêm khuya thấy hai cô gái giải nong nằm trước thềm nhà, chàng liền bế thốc một cô vào buồng. Sau trận yêu, mới biết là… nhầm.

Cô bạn xấu hổ, rút lẹ. Kỳ diệu thay, trong đêm ấy, cả hai người phụ nữ cùng đậu thai! Về sau, cô bạn sinh con gái, cô vợ sinh con trai. Biết vợ có thai, những ngày trực chiến, Hà Vĩnh đều ghi nhật ký. Đây là điều anh “tâm sự” với đứa con tương lai: … Con ơi, “Cao hơn bầu trời” là Tổ quốc Việt Nam!... Và trong một trận đánh, Hà Vĩnh hy sinh mà chưa kịp nhìn thấy mặt con! Bi tráng lắm chứ, và cũng đời lắm chứ!

Chuẩn bị xuất kích - Cảnh trong phim Cao hơn bầu trời.

Chuẩn bị xuất kích - Cảnh trong phim Cao hơn bầu trời.

- Anh có thể chia sẻ vài kỷ niệm trong quá trình thực hiện bộ phim?

Kỷ niệm thì nhiều lắm. Phim được khởi quay vào sáng 7/11/2012 tại sân bay Kép, Bắc Giang. Đây là nơi còn giữ được khung cảnh như thời chiến tranh, từ núi non, đến hầm chỉ huy sở. Vào thời điểm ấy, các đơn vị không quân chỉ có Trung đoàn 927 còn MiG 21 đang hoạt động. Mà đánh B52 thì chỉ có MiG21 chứ không thể loại máy bay nào khác.

Hôm khởi quay, cảm động lắm. Đoàn làm heo cúng, cẩn cáo với anh linh các liệt sĩ chuyện làm phim. Khi ấy, Hãng phim hừng hực quyết tâm.

Cuối tháng 12/2012, xong 4 tập đầu, Hãng liền tổ chức họp báo ở Hà Nội. Lại còn in lịch tờ giới thiệu phim, công bố cả trailer phim rất ấn tượng. Nhưng tôi thấy có gì đó không ổn, hơi vội vàng. Lãnh đạo Hãng phim thiếu hẳn sự chuẩn bị một khi “chường” sự kiện ra với thông tin đại chúng!

Đầu tháng 2/2013, gần giáp Tết Quý Tỵ, tôi bị tai nạn giao thông, gãy xương bánh chè đầu gối trái, phải mổ.

Ngày 21/3/2013, VTV News đưa tin: “Bộ VH, TT và DL vừa có quyết định đưa bộ phim truyện truyền hình nhiều tập CAO HƠN BẦU TRỜI, tác giả kịch bản Nguyễn Minh Ngọc vào sản xuất… Bộ phim có nguồn kinh phí do Nhà nước đặt hàng chiếm hơn 70%, nguồn xã hội hóa chiếm 30%. Dự kiến, bộ phim sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài truyền hình VN từ tháng 8/2013 đến tháng 10/2013”.

Bị đặt vào thế “cưỡi lưng hổ”, nên dù chân còn bó que, chống nạng, tôi vẫn cắn răng viết cho xong 25 tập còn lại. Cực không thể tả, nhưng có lẽ hồn cốt phim đã ám vào người, nên tôi cứ ngồi “cày”, quên béng sự đời, đến nỗi đầu gối bị cong lại, phải vào viện tập vật lý trị liệu, kéo mãi mới duỗi ra được. Bây giờ thì chân thành tật rồi. Âu cũng là cái giá phải trả cho sự đam mê…

Phim vừa quay xong thì Bộ Quốc phòng “đóng cửa” MiG21 (vì quá cũ) chuyển sang máy bay Su-30; nhà máy dệt Nam Định cũng đập đi, xây mới. Diễn viên Văn Hiệp xong 4 tập đầu thì mất. Bây giờ có tiền tấn cũng chả làm nổi phim ấy nữa. Trải qua nhiều thăng trầm, đúng 5 năm, chiều 7/11/2017, tập đầu tiên của phim Cao hơn bầu trời mới lên sóng.

Tại sở chỉ huy - Cảnh trong phim Cao hơn bầu trời.

Tại sở chỉ huy - Cảnh trong phim Cao hơn bầu trời.

Anh dành thời gian lấy tư liệu, viết 50 tập phim vào lúc nào khi thời điểm ấy anh vẫn ra sách đều, đồng thời là quản lý Chi nhánh NXB Quân đội tại TP. Hồ Chí Minh?

Với bộ phim này, dành ra một năm trời để tìm tư liệu cũng chưa chắc xong, mà xong cũng chưa chắc đã viết nổi vì tư liệu chỉ là cái vỏ, nếu không nắm được hồn vía thì cũng chào thua. Thời điểm ấy, có không ít người bập vô đề tài này, nhưng thảy đều… kềnh!

Ở Không quân 30 năm, tôi hiểu cặn kẽ các góc cạnh, vốn sống ăm ắp luôn cựa quậy trong đầu, nên khi cầm bút thì mọi thứ tự nhiên ùa về. Hằng ngày, tôi nhờ con trai chở lên cơ quan, nạng gỗ xếp cạnh, ngồi biên tập sách, điều hành công việc. Hết giờ về nhà, mới viết. Có lúc tôi như người lên đồng vậy.

Ngày nghỉ, tôi tắt điện thoại để “cày”. Chân què, nhưng công việc chi nhánh NXB vẫn trôi chảy, sách nhiều, doanh thu khá. Cuối năm 2013, tôi được anh em cơ quan ở Hà Nội bầu là Chiến sĩ thi đua nữa đấy.

Tôi mới vừa dự Trại tiểu thuyết do NXB QĐND mở tại Nha Trang và Trại viết “Cây bút vàng” lần III ở Phú Quốc trở về. Công việc của tôi hiện vẫn rất bề bộn. Đề tài ư, tiếp tục đào sâu mạch nguồn chiến tranh, viết về những người lính và những người phụ nữ đi qua cuộc chiến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ