Nguyễn Ngọc Tư - len lén thơ buồn

GD&TĐ - Cuối năm 2008, sau khi phát hành cuốn “Gió lẻ và những truyện ngắn khác” với số lượng khá lớn, Nguyễn Ngọc Tư bảo: “Sắp tới tui sẽ chuyển qua làm thơ!”. Tôi cứ nghĩ Nguyễn Ngọc Tư chỉ dọa cho vui. Ai ngờ, ít lâu sau, thấy tôi trên mạng, Nguyễn Ngọc Tư chat ngay một câu mừng rỡ: “Ông ơi, hôm nay là ngày trọng đại nhất trong đời tui. Tui có một bài thơ in báo rồi. Ha ha ha….”. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Năm 1998, tôi quen Nguyễn Ngọc Tư khi cô đang làm văn thư cho Hội văn nghệ Cà Mau, chỉ mới viết được một vài bài ký kể chuyện vùng sông nước. Thế nhưng, sau đó Nguyễn Ngọc Tư có những bước tiến rất dài trong nghề văn, chứng tỏ một tài năng thiên bẩm. Riêng truyện dài “Cánh đồng bất tận” đã giúp Nguyễn Ngọc Tư vượt trội những cây bút cùng thế hệ. Vì vậy, tôi cũng rất cảnh giác với tiềm lực làm thơ của Nguyễn Ngọc Tư!

Năm 2013, Nguyễn Ngọc Tư in tập thơ “Chấm” chỉ mấy chục bài nhưng có độ dày 180 trang, trình bày rất phóng khoáng và hoa mỹ. Khác với các nhà thơ phải tự bỏ tiền để in thơ mình, tập “Chấm” của Nguyễn Ngọc Tư do một công ty sách đầu tư. Chứng tỏ khứu giác từ các nhà kinh doanh đánh hơi được thơ Nguyễn Ngọc Tư cũng ăn khách trên thị trường. Nhà thơ in thơ chỉ thấy thua lỗ, còn Nguyễn Ngọc Tư in thơ thì được trả nhuận bút mấy chục triệu đồng.

Ưu điểm của thơ luôn nằm ở những khoảnh khắc. Cái khoảnh khắc ấy văn xuôi không thể diễn tả một cách mạch lạc. Thơ Nguyễn Ngọc Tư là dăm khoảnh khắc buồn len lén trình diện một tâm hồn đa cảm. Bài thơ “Thềm nhà” vướng mắc từ sự áy náy “lâu rồi không về ngồi nơi thềm nhà, để nhìn ba má già”, cô đắng đót nhận ra:

“Bốn ngàn trưa con nằm co bên thềm như con chó nhỏ

ngủ và mơ giấc của riêng mình,

những chiêm bao bị cơn thèm ăn ngấu vào quay quắt

con chưa bao giờ kể ai nghe

sợ tay má khóc

mãi không búi được tóc

sợ lòng ba đau

miết cuốc vào giồng rau”

Cảm giác trôi từng dòng, từng dòng vừa như nỗi sợ hãi chạm phải ngày xưa cơ cực, mà từng dòng vừa như sự chột dạ không thể níu giữ kỷ niệm mờ phai. Nguyễn Ngọc Tư không dùng một chữ đắc địa nào, nhưng thơ thuyết phục nhờ vẻ yếu mềm phụ nữ không cần giấu giếm. Tôi mơ hồ nghĩ rằng, khi làm thơ Nguyễn Ngọc Tư không mấy tin vào giá trị của chữ nghĩa, mà cô tin tuyệt đối vào giá trị của nước mắt. Bởi thế, cô có câu “Sao đôi lúc mực rơi như đạn xé?” ẩn chứa sự mạnh mẽ của bao ngậm ngùi!

Một người viết truyện ngắn có văn phong thì khi quyết định làm thơ sẽ có lợi thế ngưng tụ được nhiều hình ảnh. Đó là nguyên nhân Nguyễn Ngọc Tư quan sát được một “Lễ hội” rạng rỡ:

“Những lời hứa không mang theo dấu hỏi

Nhiều mật, hoa và lắm nụ cười

Em cả tin chảy cùng người ngơ ngác

Vắt tim mình pha sắc những cuộc vui

Đồng thời Nguyễn Ngọc Tư cũng dò tìm được một phương pháp “Hỏi đường” trắc ẩn:

Những ngày rong ruỗi trên đất lạ

chỉ mình tôi một lần ngẩn ngơ hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người.

Đường im lặng đi lên đồi mải miết

người ngốc ơi, chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người”

Khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Tư, tôi cố gạt ra quan hệ thân tình để giải đáp câu hỏi có thể nhiều người cũng quan tâm: nhà văn ăn khách làm thơ với mục đích gì? Xin thưa, khi viết văn xuôi, Nguyễn Ngọc Tư mong muốn làm cuộc đối thoại với nhân vật và tình tiết, còn khi sáng tác thơ, Nguyễn Ngọc Tư mới có cơ hội làm cuộc đối thoại với bản thân. Và chính cuộc đối thoại trễ nãi vần điệu giúp công chúng hình dung một Nguyễn Ngọc Tư xa thẳm với cô đơn thường trực của kẻ ưu tư:

“Mình tôi mình tôi riêng tôi riêng tôi

Thênh thang lầm lũi…

Thèm cùng người nhìn tách trà thoi thóp khói

nghe chút ngọt mụ mị mềm đầu lưỡi, nơi đắng chát đã từng qua”.

Từ xưa đến nay, thơ có một mối nguy hiểm là thể loại văn chương tưởng chừng mơ màng hư thực này luôn bắt người viết phải thổ lộ những riêng tư thầm kín nhất, nếu muốn tìm được đồng cảm phía độc giả. Nguyễn Ngọc Tư tình nguyện làm một người ngây dại để đi tìm run rẩy trái tim mình “Bão đã từng” chới với giữa cuộc sống ngày càng dửng dưng hơn.

“Những nhớ thương, chờ đợi, tủi buồn,

bỗng một ngày em không nhốt được,

tan chảy từ khối ngày đông đặc,

chúng chực tràn ràn rụa phía anh

Từng chữ từng chữ tuôn trên những ngón tay

chữ mặn và trong,

chữ xót ròng ròng

em không sao dừng lại được

anh sẽ ướt

anh sẽ ướt. Em sợ anh sẽ ướt

khoét một vết sâu, em dẫn nhớ chảy vào

mỗi thư nháp là một dấu đau

một vũng chữ anh không bao giờ nhìn thấy

Mỗi thư nháp là một cơn bão

Đã từng…”

Đọc văn xuôi của Nguyễn Ngọc Tư, không khó để nhận ra có nhiều chất thơ. Ngược lại, đọc thơ của Nguyễn Ngọc Tư, cũng không khó để nhận ta có nhiều chất văn xuôi. Trong bài “Ở trọ”, Nguyễn Ngọc Tư phát hiện được nhiều chi tiết từ những mảnh đời cơ cực hắt hiu:

“Trẻ con kết thân rất nhanh

Ráo hoảnh bạn bè xóm cũ

Sáng vật tay nhau trưa đã thành chân trời

Dại dột trồng một cây chanh

Thắt thẻo không người tưới

Bông mười giờ nở cút côi

Lỡ tay trồng một bụi hành

Quên không gói ghém

Bữa ăn đầu tiên trong tổ mới nguội tanh

Lục bình vừa trôi vừa tàn

Lá đa vừa rã vừa rơi

Vừa đến họ vừa rời cõi tạm”.

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Tư có thể khám phá được những câu chuyện khó nói thành lời, mà Nguyễn Ngọc Tư cũng không thể viết thành truyện ngắn hoặc tản văn. Năm 2008, Nguyễn Ngọc Tư được Giải thưởng Văn học ASEAN với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”. Nguyễn Ngọc Tư sang Thái Lan nhận giải khi đang mang thai đứa con trai thứ hai. Bài thơ “Nhật ký mang thai tháng thứ năm” đã ghi lại chân thực cảm xúc của Nguyễn Ngọc Tư lúc ấy:

“Con bỏ lỗi cho mẹ vừa làm lễ trước vua xứ khác

Chỉ mẹ thôi, con chớ có quỳ

Áo mẹ tối màu, làm mắt con u uẩn?

Một chút rượu nhấm môi, con trong ấy nghe cay/

Bài ca buồn mẹ để vẳng vào tai

Ấy chết, con đừng sớm thở dài

Mẹ lỡ giẫm gai, con không cần nhói

Hãy cựa quậy

Hãy trở mình

Nhắc nhớ mẹ thở cho hai người

Mẹ nuôi men ủ nụ cười

Và đứng thẳng”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lý giải nguyên nhân mình đột ngột lạc bước vào lãnh địa thi ca: “Vào những thời khắc đặc biệt với những tâm trạng đặc biệt, những cảm giác không thể tách bạch, tôi thấy mấy cái khó đỡ này thơ chơi được. Nên độc giả đã từng rất ưng văn xuôi của tôi cũng đừng lo lắng, chơi đâu thì tôi cũng quay về!”.

Nói thì nói vậy, nhưng Nguyễn Ngọc Tư đến với thơ không phải một trò chơi giống như câu thơ “một người câu một bóng người sũng nước” mà Nguyễn Ngọc Tư đã viết. Nguyễn Ngọc Tư vừa hoàn thành một bản thảo thơ mới, và dĩ nhiên cũng cũng sẽ được xuất bản với nhuận bút không thua gì một tập văn xuôi.

Mai sau, liệu có một lúc nào đó công chúng sẽ giới thiệu “nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết văn” chăng? Tôi không dám phỏng đoán, nhưng tôi chắc chắn nhiều câu thơ đã an ủi Nguyễn Ngọc Tư những lúc xao xác ngả lòng. Và cũng chắc chắn nhờ có thơ, mọi người sẽ hiểu Nguyễn Ngọc Tư thêm chút nữa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ