Nguồn tài liệu quý về nhà thơ, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị Cù Huy Cận

GD&TĐ - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị Cù Huy Cận (31/5/1919 – 31/5/2019), Trung tâm lưu trữ quốc gia, Cục văn thư lưu trữ nhà nước giới thiệu nguồn tài liệu lưu trữ góp phần minh chứng về cuộc đời, hoạt động và những đóng góp của ông trên các lĩnh vực.

Một số sáng tác, công trình nghiên cứu của nhà thơ Cù Huy Cận.
Một số sáng tác, công trình nghiên cứu của nhà thơ Cù Huy Cận.

Nhà thơ, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị Cù Huy Cận (Huy Cận) sinh ngày 31/5/1919 trong một gia đình nông dân nghèo ở Hà Tĩnh.

Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Thủa nhỏ ông học ở quê nhà, sau vào học trường trung học tại Huế. Tháng 10/1939, ông ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông.

Nguồn tài liệu quý về nhà thơ, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị Cù Huy Cận ảnh 1

Sắc lệnh số 39 ngày 26/9/1945 về việc lập một Ủy ban Dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, Cù Huy Cận là thành viên của Ủy ban này. Sắc lệnh thuộc Tập sắc lệnh được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2016. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 51.

Từ năm 1942, Cù Huy Cận tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Ông là một trong hơn 60 đại biểu tham dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, ông được bầu vào Ủy ban (sau mở rộng thành Chính phủ Lâm thời nước Việt nước Dân chủ Cộng hòa). Ông là thành viên của Chính phủ Lâm thời.

Ngày 23/11/1945, ông đảm nhiệm công việc Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Từ tháng 3/1946, ông tham gia các công tác của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau này là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nguồn tài liệu quý về nhà thơ, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị Cù Huy Cận ảnh 2

2. Sắc lệnh số 80 ngày 31/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh v/v cử ông Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh thuộc Tập sắc lệnh được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2016. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 139

Tài liệu lưu trữ về ông và của ông đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc các thành phần khác nhau, phong phú và đa dạng gồm tài liệu hành chính, tài liệu ảnh, tài liệu cá nhân, thuộc các phông Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Canh nông, Bộ Kinh tế… tài liệu phông cá nhân Cù Huy Cận và một số phông tài liệu cá nhân khác.

Nội dung tài liệu phản ánh về quá trình công tác, lao động của ông qua các thời kỳ với các cương vị khác nhau: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Canh Nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thứ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Ủy viên Ủy ban văn hóa và Giáo dục, Bộ trưởng đặc trách công tác văn hóa - văn nghệ tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là đại biểu Quốc hội khóa I, II và VII…

Tài liệu lưu trữ phông cá nhân nhà thơ Cù Huy Cận được sắp xếp khoa học và bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Tài liệu lưu trữ phông cá nhân nhà thơ Cù Huy Cận được sắp xếp
khoa học và bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
 

Những tài liệu lưu trữ này không chỉ là những minh chứng xác thực nghiên cứu về sự đóng góp của ông mà còn góp phần nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của các cơ quan, các ngành, về Chính phủ, lịch sử dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.

Đặc biệt, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, cùng với hơn 100 phông tài liệu cá nhân trên các lĩnh vực, phông tài liệu cá nhân của ông - nhà thơ Cù Huy Cận chiếm một số lượng lớn với 54 đơn vị bảo quản (hồ sơ) được chỉnh lý, sắp xếp khoa học.

Nội dung của tài liệu gồm: Tài liệu về tiểu sử giúp nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời của ông; Tài liệu về sáng tác, nghiên cứu, gồm các tác phẩm thơ; truyện thơ; thơ dịch bằng tiếng Pháp, Việt, Trung; tác phẩm văn xuôi; các bài viết đăng báo… phản ánh về quá trình sáng tác, lao động văn hóa, thi ca của ông.

Những đóng góp to lớn của ông trên các lĩnh vực, ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương cao quý trong và ngoài nước. Ngày 19/02/2005, ông mất tại Hà Nội. Ông được truy tặng Huân chương Sao vàng theo Quyết định số 170/QĐ-CTN ngày 23/02/2005.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.