Người đam mê lưu giữ di sản văn hóa

GD&TĐ -Theo con đường nhỏ dẫn vào làng, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Hùng, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Nơi đây từ lâu đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn với những người yêu di sản. Những dấu tích văn hoá suốt hơn 2.000 - 3.000 năm của di sản Vườn Chuối được ông sưu tầm, nâng niu, gìn giữ mỗi ngày một nhiều lên. 

Ông Phạm Văn Hùng bên những cổ vật mà ông sưu tầm, lưu giữ
Ông Phạm Văn Hùng bên những cổ vật mà ông sưu tầm, lưu giữ

Bắt đầu từ hiểu và đam mê

Làng Lai Xá có 2 di tích của người Việt cổ đang nằm trong lòng đất, đó là di tích Vườn Chuối và Chùa Gio. Ông Phạm Văn Hùng cho biết: “Thuở chăn trâu cắt cỏ, đám trẻ con chúng tôi hay đào khoai lang trồng trên gò Vườn Chuối hoặc vườn Chùa Gio, thường bắt gặp những hũ tiền xu có đục lỗ và các vật dụng bằng đá, bằng đồng, đồ gốm... Bấy giờ, chẳng ai ý thức rằng đó là cổ vật”.

Cụ Đặng Tích chia sẻ những hiểu biết về các hiện vật cổ mà ông Hùng sưu tập
Cụ Đặng Tích chia sẻ những hiểu biết về các hiện vật cổ mà ông Hùng sưu tập 
Thế nhưng, năm 2006, ông làm an ninh thôn, rồi phó trưởng thôn Lai Xá, được giao nhiệm vụ tổ chức và chăm sóc cho đoàn khai quật khảo cổ học do thầy Nguyễn Hải Kế, cô Lâm Thị Mỹ Dung, khoa Sử, Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn, chủ trì thực hiện. Ông bố trí chỗ ăn ở cho đoàn sinh viên ở một vài ngôi nhà dân trong thôn, chỗ tập kết hiện vật khai quật được. Hàng ngày sinh viên đến Vườn Chuối khai quật, mang hiện vật về, làm vệ sinh, phân loại.

Thỉnh thoảng, ông Hùng theo thầy cô ra hiện trường, quan sát thầy trò đào bới, phát hiện từng hiện vật, nghe thầy trò giảng giải cho nhau về từng cái rìu hay mũi tên đồng. Dần dà ông thấy hay, thấy quý khi biết những đồ vật này có tuổi hàng nghìn năm. Ông dần vỡ lẽ ra khi biết đó là những công cụ sản xuất, những đồ trang sức, những đồ dùng sinh hoạt của tổ tiên với 2.000-3.000 năm tuổi.

Sự hiểu biết nâng dần lên thành tình yêu. Ông bắt đầu giữ gìn những hiện vật nhặt được khi mỗi khi đào huyệt mai táng, khi di chuyển mồ mả ở các xứ đồng về nghĩa trang mới cạnh Vườn Chuối. Ông xin hiện vật này hiện vật kia khi biết ai đó trong làng tìm được. Nhiều khi ông hỏi mua lại. Cứ thế, chắt chiu từng vật, bộ sưu tập hiện vật Vườn Chuối của ông mỗi ngày một dày dặn thêm.

Ông Hùng kể, những hiện vật khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất ẩm hàng ngàn năm; mỗi khi đào huyệt ở nghĩa trang người làng thường hay gặp những đồ đồng, đồ gốm mềm nhũn. Họ cạo cạo, thấy vỡ, mủn nên vứt đi. Học kinh nghiệm từ các nhà khảo cổ, ông giảng giải cho họ rằng đừng làm gì ngay với những thứ đào được, hãy để nguyên chúng 1-2 ngày rồi chúng sẽ tự cứng lại. Nhờ thế mà nhiều hiện vật đã không bị huỷ hoại, đã được giữ lại nguyên vẹn.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Ông Phạm Văn Hùng cho chúng tôi xem bộ sưu tập. Cảm giác được tận tay chạm vào những đồ đồng có hàng ngàn năm tuổi khiến chúng tôi không khỏi xúc động, bâng khuâng mường tượng về những thế hệ người Việt cổ. Trống đồng, các vật dụng bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, được tầng lớp quý tộc rất ưa chuộng. Chắc hẳn thời xưa, nếu ai đó sở hữu nhiều trống đồng, đầu đội mũ lông chim, đóng khố, trên đai lưng có giắt theo rìu đồng, dao găm đồng... thì đích thị đó là những quý tộc đầy thế lực, được kính trọng, kiêng nể.

“Từ năm 2010 đến nay, năm nào chúng tôi cũng bắt được 2-3 vụ đào trộm đồ cổ. Có lần chúng tôi còn thu được máy dò kim loại, nhìn hiện đại như của công binh”, ông Hùng nói và lấy ra một số hiện vật thu được của bọn trộm, như rìu, dao găm đồng…

Lo lắng trước sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống, một bộ phận trong cộng đồng đã và đang chung tay bảo tồn di sản theo những cách rất riêng. Không riêng ông Hùng, ở làng Lai Xá còn có nhiều người yêu quý và giữ gìn những di sản đào được từ Vườn Chuối. Ông Phí Văn Mười, ông Đồng Miễn, ông Dương Chăm, ông Dũng Chăm..., những người thường hay giúp dân làng lo việc mai táng, sang cát, rất hay đào được những mũi tên, rìu đồng, rìu đá hay hũ tiền cổ... Họ đã cất giữ cẩn thận và tự hào với bộ sưu tập của mình.

Tâm đắc về bộ sưu tập có một không hai ấy, cụ Đặng Tích, người dân làng Lai Xá, cho biết để có được “kho tàng” ấy cũng như các kiến thức có liên quan, ông Phạm Văn Hùng đã bỏ ra không ít thời gian để nghiên cứu xuất xứ của từng sản phẩm, qua đó, có điều kiện hiểu hơn về những món đồ mà mình sưu tầm được. Đặc biệt, ông Hùng sưu tầm những di sản không phải để kinh doanh mà sống chung với niềm đam mê này, để nuôi dưỡng tâm hồn hoài cổ về làng Lai Xá “vang bóng một thời”.

Bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Hùng được giới thiệu tới bất cứ ai quan tâm tìm hiểu
Bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Hùng được giới thiệu tới bất cứ ai quan tâm tìm hiểu 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hùng trăn trở: “Vài năm nữa, có lẽ niềm tự hào của người Lai Xá chúng tôi cũng bị nhấn chìm bởi những khu chung cư, biệt thự. Có lẽ cái giá trị lớn nhất là di sản của di tích Vườn Chuối, một trong những di tích quan trọng để các nhà khảo cổ có những bằng chứng để nói được: người Việt đã có nền văn minh từ nhiều ngàn năm trước. Đó chính là vật chứng của thời gian, chất chứa những giá trị văn hóa, tinh thần cho con người đương đại và lưu truyền cho hậu thế”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ