Nghệ sĩ Văn Lê giã biệt văn đàn

GD&TĐ - Nhà thơ - NSƯT Văn Lê đột ngột qua đời tại nhà riêng sau cơn đau tim, để lại cho giới văn nghệ phương Nam những bàng hoàng thương tiếc.

Văn Lê là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi bật với những tài năng độc đáo ở nhiều thể tài và loại hình. Ảnh: IT.
Văn Lê là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi bật với những tài năng độc đáo ở nhiều thể tài và loại hình. Ảnh: IT.

Nhà thơ Phùng Hiệu cho biết, trong khi nhà thơ Văn Lê đang ngồi xem tivi tại nhà riêng thì xảy ra cơn đau đột ngột. Trong vòng vài phút ngắn ngủi, nghệ sĩ Văn Lê đã từ giã cõi đời. Sự việc xảy ra quá nhanh, đến nỗi người thân của ông chưa kịp gọi xe cấp cứu.

Nghệ sĩ tài năng của phương Nam

Văn Lê là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch kiêm đạo diễn. Ông tên thật là Lê Chí Thuỵ, sinh năm 1949 tại xã Gia Thanh (Gia Viễn - Ninh Bình).

Theo gia đình nghệ sĩ Văn Lê, ông nhập ngũ năm 1966 và chiến đấu tại chiến trường B2. Từ năm 1974, Văn Lê về công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng, tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng và tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Năm 1977, Văn Lê tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479 - Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng. Trong sự nghiệp nghệ thuật, Văn Lê đã gặt hái được nhiều thành công với 30 tác phẩm thơ, văn, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết và nhận được hàng chục giải thưởng văn học cao quý.

“Theo tôi, chiến tranh đâu đơn giản là ra trận hai bên bắn nhau. Nếu chỉ viết “ta thắng địch thua” là sai sự thật, là chính ta làm giảm ý nghĩa chiến thắng của ta. Tôi nghĩ đến hôm nay viết về chiến tranh phải đúng gương mặt của chiến tranh” - Cố nhà văn, nghệ sĩ Văn Lê.

Văn Lê được đánh giá là một nhân tài của phương Nam, tài năng của ông rất đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy xuất thân là nhà thơ nhưng sau đó ông chuyển sang viết văn, viết kịch bản và làm đạo diễn phim. Điều bất ngờ là ở lĩnh vực nào Văn Lê cũng nổi bật với những sáng tạo độc đáo.

Văn Lê chính là tác giả kịch bản phim truyện nổi tiếng “Long Thành cầm giả ca” – giải Nhất về kịch bản trong đợt sáng tác kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bộ phim cũng giành giải Cánh diều Vàng của Cục Điện ảnh năm 2012.

Văn Lê cũng rất sắc sảo trong lĩnh vực phim truyện với những kịch bản về đề tài dân tộc ít người ở Tây Nguyên - vốn là vùng đất thiêng liêng mà ông đã từng lưu lại những dấu chân người lính trong chiến tranh, khi vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu và những cộng đồng người Jarai, Bana, Êđê...

Trước tuổi 70, nghệ sĩ Văn Lê từng bị đột quỵ nhưng sức khoẻ nhanh chóng hồi phục. Rất ít khi ai đó thấy ông nghỉ ngơi, càng ốm càng làm việc, càng mệt càng viết khoẻ. Hai cuốn tiểu thuyết “Cống nhân” và “Phượng hoàng” được hoàn thành trong chính những thời điểm như vậy.

Văn Lê là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi bật với những tài năng độc đáo ở nhiều thể tài và loại hình. Ảnh: IT.
Văn Lê là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi bật với những tài năng độc đáo ở nhiều thể tài và loại hình. Ảnh: IT.

Viết đúng “gương mặt” chiến tranh

Tiểu thuyết “Phượng hoàng” của Văn Lê vừa được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2. Đây là tác phẩm về đề tài chiến tranh, được Văn Lê ấp ủ nhiều năm hậu chiến mới chấp bút.

Nhà văn Văn Lê từng chia sẻ: “Chiến tranh, với Việt Nam là đề tài rất lớn, vì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc suốt 4.000 năm liên miên những cuộc chiến. Năm nào ở nước ta cũng có vài đầu sách viết về chiến tranh, nhưng đa phần chỉ là mô tả cuộc sống, thiếu “chiến tranh” nên trong chừng mực nào đó làm cho bạn đọc khó tính thất vọng. Lịch sử là sự kiện, cả tốt và xấu, trong tác phẩm văn học nếu chỉ có một khía cạnh thì chưa phải là viết hết.

“Cống nhân” lại là một mảng đề tài độc đáo khác của Văn Lê nói về việc triều đình cống danh y người Việt sang Trung Quốc. “Cống nhân” thể hiện kiến thức uyên bác, cách xử lý kiến thức tư liệu rất khéo léo, tài tình của Văn Lê”.

“Cống nhân” là cuốn tiểu thuyết lịch sử mà Văn Lê đã cầm bút với tất cả sự nhiệt thành tâm huyết. Lấy cảm hứng từ lịch sử đời nhà Trần ở giai đoạn đất nước suy vi trước khi cơ đồ rơi vào tay Hồ Quý Ly.

“Cống nhân” viết về số phận sóng gió của hai cha con hoàng giáp Tuệ Quang, một vị thiền sư - lương y tài năng của đất nước. Ngòi bút của Văn Lê diễn tả rằng, người vợ yêu quý của Tuệ Quang mất sớm khiến ngài xuất gia. Sau lần bất ngờ gặp lại người vợ đã mất – đã trở thành một mỹ nhân ngư; ít lâu sau một bé gái được gửi đến chùa cho Tuệ Quang.

Tin chắc đó là con gái mình với người vợ đã mất, Tuệ Quang đặt tên Duyên cho cô bé. Khi Duyên đã lớn thành một thiếu nữ xinh đẹp, cha con Tuệ Quang cùng nhiều người dân khác bị cống nạp cho Trung Quốc. Tác phẩm cất lên tiếng hát oán than nỗi niềm tha hương cũng như ý thức lưu vong của những cống nhân Đại Việt phải chịu cảnh lưu lạc thời bấy giờ.

Tiếng kêu của nhân quyền chạy dọc xuyên suốt tiểu thuyết. Dù thoát ra từ vết thương lịch sử cách đây hàng trăm năm, nhưng mãi đến khi tác phẩm “Cống nhân” ra đời, tiếng kêu ấy mới “thành hình thành dạng”.

Khi Tuệ Quang trong chuyến đi được phép trở về cố hương, đi ngang qua vùng đất Chiết Giang, nhìn thấy bá tánh chịu cơn bệnh dịch đậu mùa. Là một lương y, ông không thể bỏ mặc người dân nên quyết định ở lại chữa trị, bằng tất cả tấm lòng và dốc toàn sức lực, ông bị kiệt sức và chết khi chưa kịp trở về quê nhà. Lời cuối cùng trước khi chết, ông nói với xã trưởng rằng: “Nếu có ai ở An Nam sang thì cho tôi về theo với”.

Nhà văn Văn Lê từng nói về “Cống nhân”: Tôi muốn gửi gắm tinh thần cao thượng của một lương y bị cống nạp vượt qua thù hằn, tinh thần kiên cường bất khuất của người Đại Việt xưa để ra tay cứu người. Người Việt dù đi đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương và hành động vì những điều cao thượng.

Một số tác phẩm phim tài liệu do Văn Lê biên kịch: Thiện và ác, Những ngôi chùa cổ Việt Nam, Từ một bức ảnh, Má Mười Tân Trụ. Ông là đạo diễn của các phim: Cái bến, Sợi dây thừng bện chặt, Di chúc những oan hồn. Văn Lê nhận các giải thưởng: 3 kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông sen Vàng, 5 Bông sen Bạc, 2 Cánh diều Vàng, 1 giải truyền hình Nhật Bản. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT ngành điện ảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.