Ngày Thơ Việt Nam: Thơ ca thu hẹp mọi khoảng cách

GD&TĐ - Trong bài phát biểu khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Vào giờ này có trên 100 địa điểm trong cả nước đang diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 với chủ đề hướng về biển đảo Tổ quốc. 

Ngày Thơ Việt Nam:  Thơ ca thu hẹp mọi khoảng cách

Riêng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ngày Thơ năm nay có một sự kiện mới nổi bật, sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn dịch giả văn học Việt Nam đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 với chúng ta. Đây là một hình ảnh sống động chứng tỏ thơ ca có khả năng thu hẹp mọi khoảng cách”.

Tiếng nói của cái đẹp và nhân văn

Tôn vinh Bài thơ Tổ Quốc là tiếng mẹ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mở đầu cho phần trình diễn và đọc thơ của các nhà thơ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có sở trường viết về biển đảo và truyền cảm hứng mãnh liệt cho người đọc về các tác phẩm về biển cả và đất nước, như Tổ quốc nhìn từ biển; Cát đợi…

Xen kẽ với các tiết mục văn nghệ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, các nhà thơ quốc tế và nhà thơ Việt Nam đã lần lượt thể hiện các sáng tác văn học của mình. Tiêu biểu là nhà thơ nữ xinh đẹp Neeva Mukova của Slovakia đọc thơ Hồ Xuân Hương, thơ Xuân Quỳnh bằng tiếng Việt, nhà thơ người Nam Phi, Indra Wossou, nhà thơ Graham Mort (Anh)… thể hiện bài thơ mới sáng tác về Việt Nam đồng thời giới thiệu về đất nước mình tới bạn bè Việt Nam.

Trên sân thơ Văn Miếu năm nay có 2 nhà thơ nữ là Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu thể hiện các tác phẩm mà các chị tâm đắc. Nếu Làng trên đảo là bài thơ đầy trữ tình, sẻ chia và thương mến của nhà thơ Nguyễn Thị Mai với người chiến sĩ hải quân xa nhà thì tác phẩm Người đàn ông ngã ngựa là tâm sự đầy tính nhân văn triết lý của nhà thơ Phạm Hồ Thu về thân phận và cuộc sống. Tác phẩm Với cỏ của nhà thơ Trương Nam Hương cũng ám ảnh người đọc. Chất phiêu và bay, cùng tính triết lý về cuộc đời và cuộc sống, nhưng đầy ắp trữ tình thương yêu đã khiến cho thơ của anh chiếm được sự yêu thích đặc biệt của bạn đọc.

Sân thơ trong, tác giả Trịnh Công Lộc có nhiều tác phẩm được phổ nhạc – tác giả của thi phẩm Mộ gió nổi tiếng đã thể hiện bài thơ này như một minh chứng cho lý lẽ và sức sống của thơ, như một sự mộ đạo của thơ và những giá trị tự do, hòa bình của đất nước đi vào vĩnh cửu. Bao người nghe rưng rưng khi chính tác giả - người con của biển Quảng Ninh đọc bài thơ như rút ruột này.

Khác với mọi năm, Ngày Thơ Việt Nam năm nay được kì vọng là dịp giới thiệu một cách tổng thể về thành tựu, bản sắc của văn học Việt Nam đến bạn bè thế giới. Từ hai đêm thơ tại Nhà hát lớn Hà Nội và đêm thơ quốc tế tại Quảng Ninh trong khuôn khổ Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong hai ngày 3 - 4/3, đến Ngày Thơ Việt Nam thể hiện sự gắn kết, giao lưu giữa các nhà văn Việt Nam với các nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế.

Rất nhiều nhà thơ nước ngoài đọc thơ của mình bằng tiếng Việt. Và nhiều nhà thơ Việt như Anh Ngọc, Y Phương… đọc thơ bằng tiếng nước ngoài. Nhà thơ Kevin Bower - Trưởng đoàn nhà văn Mỹ, người rất yêu mến và cảm thấy hạnh phúc khi đến Việt Nam, cho biết: “Thơ ca là sợi dây kết nối tâm hồn nhiều dân tộc, đưa con người xích lại gần nhau. Thơ ca Việt Nam cũng rất đặc biệt và các bạn nên tìm nhiều cách khác nhau, bằng nhiều con đường để đến với thế giới, trong đó việc giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, dịch giả nước ngoài sẽ giúp họ hiểu hơn về đất nước các bạn và ngược lại. Còn tôi thấy rất hạnh phúc khi đến với đất nước của các bạn”.

Khi thơ gõ từng cánh cửa

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà - thành viên BGK chấm chương trình biểu diễn ca múa nhạc - thơ chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13. Chủ tịch Hội đồng giám khảo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân. Chị cho biết: “BGK đã duyệt cả ngày 14 tháng Giêng cho chương trình biểu diễn trên cả 2 sân thơ. Tiết mục nào cũng đặc sắc và tập luyện công phu. Bỏ và chọn tiết mục nào cũng rất khó”.

Có 7 tiết mục trình diễn đã được chọn và giới thiệu xen kẽ vào quá trình đọc thơ trên 2 sân, gồm: Tiết mục hoạt hợp xướng của đơn vị hải quân của Hải Phòng; Hầu đồng của Hội VHNT Nam Định; Hát sẩm của Hội VHNT Ninh Bình; Hát then của Hội VHNT Thái Nguyên; Hợp xướng Tổ quốc gọi tên mình của ĐHSP Xuân Hòa; Chuyển thể hoạt cảnh từ bài thơ Khau Vai của nhà thơ Trần Hòa Bình; Chuyển thể bài thơ Cát Hoàng Sa của nhà thơ Hữu Thỉnh thành hoạt cảnh thơ của Hội VH NT Hải Phòng; Hoạt cảnh thơ Những giáo án vàng của Trường ĐH Chính trị, tác phẩm của Hiệu trưởng nhà trường nội dung nói về 22 SV của trường là những giảng viên tương lai, nhưng đã cầm súng ra đi và vĩnh không trở về, do SV biểu diễn - đem lại xúc động cho rất nhiều người xem.

Hoạt cảnh của Trường ĐHSP Hà Nội 2 Xuân Hòa mang tên Gửi tới đảo xa, rất tiếc không được chọn cho Ngày Thơ chính (rằm tháng Giêng), là những hình ảnh về GV, HS ở Trường Sa vượt qua khó khăn và sóng dữ để bám biển bám trường bám lớp. Khi duyệt, nhà văn Nguyễn Trí Huân rất xúc động, tiếc rằng thời gian có hạn, hoạt cảnh quá dài nên hoạt cảnh đành để lại (tối 13 tháng Giêng, đoàn SV tham gia biểu diễn không may đã bị mất 10 bộ trang phục, trước ngày công diễn).

Đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội 2 chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả và khi tham gia các chương trình văn nghệ trong ngày thơ. Cả về nội dung và hình thức của quán thơ, về hoạt cảnh Gửi tới đảo xa, Khau Vai. Sự chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp - và hơn hết là sự yêu mến văn học, nghệ thuật của thầy trò Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã khiến cho sự tham gia của trường trên sân thơ Văn Miếu chiếm được sự cảm mến và thích thú của khán giả.

Ngày Thơ Việt Nam năm nay còn có nhiều hoạt động như: Triển lãm giao lưu văn học quốc tế, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; Trưng bày và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; Khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ, 8 địa phương trong cả nước, 6 trường đại học với các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, trình diễn nghệ thuật dân gian diễn ra trong hai ngày 4 - 5/3 (tức 14 và 15 tháng Giêng).

Nhiều cụ già chống gậy đeo huân huy chương đầy ngực đến dự sân thơ. Với họ, Ngày Thơ là một ngày hội, không thể vắng mặt. Ngày Thơ cũng là ngày để các nhà thơ giao lưu, bạn đọc được trò chuyện giao lưu với các độc giả yêu mến thơ mình. Đặc biệt, ở trước sân thơ truyền thống, các tác phẩm thơ bán giá niêm yết phục vụ người yêu thơ chỉ 5.000 đồng/ tập.

Kết thúc Ngày Thơ Việt Nam 2015, có 50 câu thơ hay chủ đề về tình yêu quê hương đất nước và biển đảo, có phụ đề tiếng Anh, trong đó có 25 câu thơ của các tác giả nước ngoài được thả lên trời tại sân thơ Văn Miếu.

Bao cặp mắt ngước lên bầu trời và hình dung những cánh thơ hay bay về phía mặt trời. Vãn hội thơ, bao bước chân lại sấp ngửa ra về, để rồi trông ngóng rằm tháng Giêng năm sau, hội thơ lại diễn ra tại nơi này… Đó là lý do tại sao, mỗi độ xuân về, hàng ngàn bước chân về đây - trên sân Văn Miếu, ngóng trông cảnh thơ, người thơ, những cánh thơ bay như tín hiệu niềm vui trong cuộc sống. Rằng, giữa bao bộn bề, vất vả, bon chen, thì vẫn còn những cánh thơ hay đủ để ta khát vọng, nâng đỡ tâm hồn biết bao con người.

Ngày Thơ Việt Nam năm nay không có sân thơ trẻ, không phân biệt sân thơ chính và sân thơ phụ. Tất cả đều xen kẽ, giữa sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ, thơ các tỉnh, các trường ĐH trong nước và trên địa bàn Hà Nội.

Các quán thơ được đánh giá là xuất sắc (về hình thức và nội dung) là quán thơ của CLB Thơ Tràng An; Hồ Gươm; Ninh Bình; ĐHSP Xuân Hòa…. Mỗi quán thơ được trình bày theo cách riêng, để giới thiệu thơ và các đặc sản quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ