Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Kháng

GD&TĐ - Dân tộc Kháng ít người, cư trú lâu đời tại các thôn bản miền núi của tỉnh Điện Biên. Ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên) người Kháng sống tập trung ở hai xã Rạng Đông và Ta Ma. Do đời sống còn nhiều khó khăn, sinh sống gần gũi với một số dân tộc khác, nên những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Kháng ở đây đang ngày càng mai một.

Đồng bào quây quần bên mâm lễ “tạ ơn mẹ vượn”.
Đồng bào quây quần bên mâm lễ “tạ ơn mẹ vượn”.

Cần đủ ăn, không mong giàu có…         

Đồng bào Kháng là một trong các dân tộc bản địa, cư trú lâu đời trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Họ có tiếng nói và phong tục tập quán riêng. Sinh sống tập trung ở các huyện Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé, dân tộc Kháng ở Điện Biên có dân số khoảng hơn 4.000 người.

Ở Tuần Giáo, đồng bào Kháng sống tập trung tại hai xã Rạng Đông và Ta Ma. Trước đây, họ canh tác chủ yếu theo lối chọc lỗ tra hạt, đời sống bấp bênh. Hiện nay, do được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước, đời sống, sản xuất của họ dần tiến bộ. Sinh sống trong các thung lũng giữa núi, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, đồng bào Kháng đã biết khai hoang, canh tác ruộng nước. Làm ruộng nước kết hợp với chăn nuôi, giúp đời sống của họ no ấm hơn trước. 

Bản Nà Đắng, xã Ta Ma, là nơi sinh sống tập trung của trên 100 hộ đồng bào dân tộc Kháng. Họ sống trong những căn nhà sàn 3 gian, hai chái. Sinh sống gần gũi với cộng đồng người Thái, nhà sàn của người dân tộc Kháng bản Nà Đắng có nhiều nét tương đồng với những ngôi nhà sàn người Thái.

Biết canh tác ruộng nước, năng suất lúa ruộng cao hơn nhiều so với lúa nương, nên vụ chiêm năm nay người dân bản Nà Đắng có lúa gạo đầy nhà. Tuy có ruộng nước có thể canh tác hai vụ, nhưng theo truyền thống nhiều đời nay, người dân bản Nà Đắng vẫn chỉ gieo trồng 1 vụ. Vụ chiêm muộn được dân bản gieo cấy từ tháng 3, đến tháng 7 mới được gặt. Sinh sống ở các bản vùng sâu khó khăn, lại chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán cũ khiến đời sống, sản xuất của họ còn chậm phát triển. 

“Bản Nà Đắng có trên 100 hộ dân, vẫn còn 50% là hộ nghèo. Trước người dân có làm nương nhưng nay không làm nương nữa mà làm ruộng nước. Ở đây người dân chỉ sản xuất vụ chiêm, còn vụ mùa thì không làm. Chỉ làm 1 vụ đã đủ ăn nên người dân không làm hai vụ”, ông Quàng Văn Hao, trưởng bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo chia sẻ.

Người con gái Kháng gắn liền với đan lát

Sống gần gũi với cộng đồng người Thái, nhiều nét văn hóa của đồng bào Kháng ở Tuần Giáo đã có những biến đổi giống với cộng đồng người Thái. Vốn không có nghề dệt nhưng lại có nghề đan lát, người Kháng thường đan các dụng cụ dùng trong sinh hoạt hàng ngày và trong lao động sản xuất như sọt, rọ, rổ, giá. 

Trước đây khi đường sá lưu thông còn khó khăn, hàng hóa khan hiếm, những sản phẩm đan lát không chỉ phục vụ đời sống tự cung tự cấp, mà còn là mặt hàng giúp người Kháng trao đổi hàng hóa. Ngày nay nghề đan lát của đồng bào Kháng vẫn được truyền giữ trong cộng đồng. Đến với bản Bon A – xã Rạng Đông vào dịp nông nhàn, cảnh chị em phụ nữ tập trung trên sàn chan ngồi đan lát đã trở thành khung cảnh rất đỗi đặc trưng.

Nếu người Thái coi dệt vải, thêu thùa là công việc thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ, thì người Kháng lại thường ca tụng những phụ nữ giỏi nghề đan lát. Bởi vậy từ nhỏ những cô gái dân tộc Kháng đã được học cách lên rừng tìm tre, nứa về chẻ, chuốt, sau đó đan thành các đồ dùng hữu ích cho gia đình. Họ còn đem trao đổi với các dân tộc sống gần gũi xung quanh lấy vải vóc, lương thực, thực phẩm. 

“Bà con thu hoạch mùa màng xong thì đi lấy tre nứa trên rừng, loại gióng nhỏ, mềm mại làm đồ đan. Những đồ vật đó dùng để đựng ngô, lúa rất tiện lợi, rất bền, phù hợp với đồ dùng hàng ngày của dân tộc”, bà Cà Thị Sẹn, bản Bon A, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo chia sẻ.

Người phụ nữ Kháng trang điểm cho nhau trong ngày hội lễ.
Người phụ nữ Kháng trang điểm cho nhau trong ngày hội lễ.

“Vay mượn”… tạo khác biệt

Không có nghề dệt nên trang phục của phụ nữ và nam giới người Kháng xưa giống như trang phục của người Thái. Trang phục thường ngày của phụ nữ Kháng là váy đen, áo cóm. Đàn ông thường mặc quần chân què, áo chàm xẻ ngực. Tuy nhiên ngày nay phụ nữ dân tộc Kháng cũng sử dụng cả những chiếc áo sơ mi giống người dân tộc Kinh, đàn ông mặc áo sơ mi, quần Tây.

Bộ trang phục truyền thống họ chỉ dành cho những dịp hội hè, lễ tết. Trang phục lễ hội của phụ nữ Kháng là váy đen, áo cóm cổ chữ V khoét sâu, thắt lưng xanh. Trên viền nẹp áo họ khâu thêm dải vải màu sắc nổi bật. Trên hai vai áo có đính hai dải vải đỏ buông xuống trước ngực. 

Trên hai dải vải này chị em phụ nữ đính thêm các hạt nhũ kim và các đồng xu. Phụ nữ dân tộc Kháng khi đã có chồng cũng búi tóc cao giống như cách “tằng cẩu” của phụ nữ dân tộc Thái. Tuy nhiên, chiếc trâm cài đầu của họ không cài mặt trâm quay về phía trước mà quay sang bên phải. Dù chỉ là những nét biến tấu rất nhỏ nhưng đó là cách họ làm nên sự khác biệt giữa phụ nữ dân tộc Kháng và các dân tộc khác.

Trang phục của đồng bào Kháng có nhiều nét “vay mượn” của đồng bào Thái.
Trang phục của đồng bào Kháng có nhiều nét “vay mượn” của đồng bào Thái.

Lấy nhạc cụ làm “tiếng nói”

Theo người già bản Kháng, người Kháng xưa kia có nhiều bài dân ca, ca dao dùng trong các dịp lễ hội và hát giao duyên. Tuy nhiên ngày nay, những bài ca dao, dân ca dân tộc Kháng của đồng bào Kháng ở Tuần Giáo đã bị thất truyền. Về nhạc cụ, người Kháng thường dùng trống, chiêng, cơ dơng và bẳng ỏng tệnh. Đó là các nhạc cụ bằng tre, nứa giống như đao đao và tăng bu của người Khơ Mú.

Cơ dơng hay đao đao là loại nhạc cụ dùng cho nữ giới. Nhạc cụ này làm bằng ống nứa nhỏ, có đường kính chỉ khoảng 2 - 3cm, dài khoảng 50 - 60 cm. Ống nứa được chẻ một đầu. Đầu này được vót mỏng và gọt cho tròn cạnh. Phần cuối có mấu tre được giữ lại, trên đó có đục một lỗ để điều chỉnh âm thanh. Khi dùng, người ta đập đầu ống tre đã dược chẻ vào lòng tay, ngón tay bấm vào lỗ khoét dưới thân đao đao để tạo ra nhịp điệu.

Bà Cà Thị Minh, bản Món, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Khi đi rừng thấy cây nứa đẹp, tốt thì đồng bào Kháng thường chặt lấy đem về khoét, cài cái dây để chỉnh âm thanh. Bên này có đục lỗ, tiếng của nó giống như tiếng nói người Kháng, khi buồn, vui thì lấy đi chơi để làm vui”.

Ngoài đao đao, người Kháng cũng dùng bẳng ỏng tệnh. Đó là loại nhạc cụ được làm từ thân tre, dài khoảng 1,5m. Thân của bẳng ỏng tệnh được khoét rộng, chỉ để mấu ở phần dưới. Khi có lễ hội, họ thường mang loại nhạc cụ này ra chơi. Cách chơi là hàng chục người, mỗi người cầm một ống, giỗng đầu có mấu của nhạc cụ này xuống đất, tạo ra âm thanh rất vang. Loại nhạc cụ này dùng hòa âm với trống chiêng làm không khí lễ hội trở nên rộn rã. Bẳng ỏng tệnh được sử dụng trong Lễ hội Pang Phoóng của đồng bào Kháng từ xa xưa.

Đồng bào Kháng trong lễ hội Pang Phoóng.
Đồng bào Kháng trong lễ hội Pang Phoóng.

Nét đẹp văn hóa cần bảo tồn…  

Lễ hội Pang Phoóng là lễ tạ ơn mẹ vượn của đồng bào Kháng. Từ xa xưa người Kháng đã có truyền thuyết kể về mẹ vượn sinh ra con người. Để tạ ơn mẹ vượn và tổ tiên, sau kì thu hái trên nương họ lại tổ chức cúng lễ và các hoạt động vui chơi. Tuy nhiên trong những năm chiến tranh và suốt một thời kì dài đầy khó khăn sau đó, Lễ hội Pang Phoóng của người Kháng hầu như ít được tổ chức.

Đời sống kinh tế khó khăn khiến cho lễ hội này có nguy cơ thất truyền. Để gìn giữ một phong tục đẹp của đồng bào Kháng, địa phương và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ đồng bào Kháng ở bản Nậm Mu, xã Rạng Đông khôi phục lại lễ hội này.

Lễ hội Pang Phoóng được tổ chức vào tháng 10 hoặc tháng 11 âm lịch, khi người dân đã thu hết hoa màu trên nương mang về nhà. Vào ngày lễ hội, ngay từ sáng sớm, đồng bào đã tổ chức nghi lễ cúng tổ tiên. Lễ vật gồm có các nông sản đã được chế biến: Gà luộc, cá nướng, khoai lang, xôi, bí đỏ và rượu. Thầy cúng khấn mời tổ tiên về hưởng lễ vật và xin phép cho con cháu mở lễ hội vui chơi. Phần hội là các điệu múa dân gian rộn rã trong tiếng trống chiêng, tăng bu vang dội.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Kháng ở Điện Biên cho rằng, đồng bào dân tộc Kháng ở tỉnh Điện Biên sinh sống ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, điều kiện sản xuất và đời sống khó khăn, nên kinh tế - xã hội còn chậm phát triển.

Đặc biệt, do sống gần gũi với đồng bào các dân tộc khác có điều kiện kinh tế phát triển hơn, những nét văn hóa riêng của họ đã dần mai một. Tìm lại những nét đẹp riêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Kháng hiện nay là việc làm cần thiết, cấp bách nhằm gìn giữ, bảo tồn bản sắc của một dân tộc có nguồn gốc lâu đời này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ