Muốn đặt hàng phim cũng không dễ

GD&TĐ - Đoàn làm phim “Thạch Thảo” vừa hoàn thành những cảnh quay cuối cùng tại Kon Tum. Đây là bộ phim hiếm hoi được đầu tư từ ngân sách trong thời gian gần đây. Sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sản xuất năm 2015, bây giờ mới có thêm “Thạch Thảo” được Cục Điện ảnh kiến nghị Bộ VH-TT&DL rót kinh phí thực hiện.

Ca sĩ Tùng Maru - Bích Ngọc trong bộ phim “Thạch Thảo"
Ca sĩ Tùng Maru - Bích Ngọc trong bộ phim “Thạch Thảo"

Trong dòng chảy điện ảnh hiện nay, các bộ phim tư nhân gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Vì sao bộ phim “Thạch Thảo” lại được Nhà nước đặt hàng? Lý do được nêu ra sau khi thẩm định kịch bản, là ngành điện ảnh mong muốn có một tác phẩm mang màu sắc trong sáng và lãng mạn, khác hẳn với xu hướng hài nhảm đang tràn lan. Tên phim “Thạch Thảo” được ghép từ tên hai nhân vật chính, chàng trai Thạch sinh trưởng ở đô thị và cô gái Thảo lớn lên ở nông thôn. Bộ phim phản ánh tình cảm và khát vọng của lứa tuổi thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Các diễn viên trong bộ phim “Thạch Thảo” đều được tuyển lựa từ những hotgirl và hotboy đang được hâm mộ trên cả nước. Vai Thạch do Tùng Maru, thành viên nhóm nhạc Uni5 đảm nhận. Còn vai Thảo do Bích Ngọc, một gương mặt rất nổi tiếng trong giới học sinh - sinh viên Hà Nội thể hiện.

Đạo diễn Mai Thế Hiệp nói về diễn biến chính trong bộ phim “Thạch Thảo” được nhiều kỳ vọng tạo ra dấu ấn mới cho giới trẻ yêu phim Việt: “Trên hết, đó là một mối quan hệ tình bạn khá thân thiết. Nếu như Thạch ngay từ đầu đã cảm mến Thảo, thì với nhân vật Kiên, cậu vẫn còn mông lung, chưa lý giải được cảm xúc của mình. Tình cảm của Kiên dành cho người mình cảm mến là một tình cảm chưa-thể-gọi-tên và cậu vẫn đang trên hành trình tìm kiếm lời giải cho bài toán cảm xúc ấy”.

Bộ phim “Thạch Thảo” được giao cho công ty Galaxy sản xuất và phát hành. Tổng kinh phí cho bộ phim “Thạch Thảo” là 15 tỷ đồng, ngân sách đầu tư của Nhà nước chiếm 70%, còn lại 30% được xã hội hóa. Dự kiến, bộ phim “Thạch Thảo” được công chiếu vào tháng 11-2018. Chất lượng bộ phim đặt hàng như thế nào, vẫn là một ẩn số, nhưng bước đầu chứng minh cách làm này rất đáng ủng hộ. Bởi lẽ, trước đây hầu hết các bộ phim 100% vốn Nhà nước đều rơi vào hoàn cảnh… không có khán giả.

Sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, suốt giai đoạn 2015-2017, Cục Điện ảnh không thể giải ngân hết kinh phí được Chính phủ giao đặt hàng phim có chất lượng phục vụ công chúng. Theo quy định của Luật Ngân sách, kinh phí đặt hàng sản xuất phim không thuộc loại kinh phí đương nhiên được chuyển nguồn, hết thời hạn cho phép mà không có kịch bản đáp ứng yêu cầu thì kế hoạch tài chính bị huỷ bỏ.

Cục Điện ảnh thừa nhận: Chất lượng kịch bản phim thực sự là một vấn đề nan giải. Các kịch bản phim được trình lên để xin kinh phí, Cục đã xem xét rất kỹ, yêu cầu một số phải sửa đổi nhưng sửa đến vài lần vẫn chưa đạt. Hiện nay, ngoài bộ phim “Thạch Thảo” còn có ba kịch bản đang được thẩm định giá để Nhà nước đầu tư là “Lính chiến”; “Người yêu ơi” và “Hợp đồng bán mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ