Mù Cang Chải lọt top những điểm đến hấp dẫn nhất năm 2020

GD&TĐ - Mới đây, trang web Big Seven Travel có bài viết về "50 điểm đến đẹp nhất năm 2020" trong đó có Mù Căng Chải của Việt Nam.

Mù Căng Chải (Yên Bái).
Mù Căng Chải (Yên Bái).

Theo đó, trang web này dựa trên khảo sát của 1,5 triệu người dùng trên Instagram hay Pinterest. Trong đó, địa danh Mù Cang Chải ở Yên Bái, Việt Nam, cũng góp mặt với thứ hạng cao.

Big Seven Travel vốn là một trang web chuyên cung cấp thông tin về các điểm đến hấp dẫn trên thế giới, đưa ra các trải nghiệm mới lạ - độc đáo để du khách tham khảo.

Theo đánh giá của bài viết, "từ nhiều thế kỷ canh tác và chăm sóc cẩn thận nên nơi này đã tạo ra những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới". Bên cạnh đó, Mù Cang Chải còn có nền văn hóa địa phương sôi động. Khi du khách tới đây sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống người dân bản địa.

Đây không phải lần đầu Mù Cang Chải được tạp chí du lịch, truyền thông nước ngoài ca ngợi. Trước đó, trang Insider (Mỹ) cũng công bố danh sách những vùng núi đẹp nhất thế giới, trong đó cái tên đại diện của tỉnh Yên Bái cũng được nhắc đến. Bài viết giới thiệu "đây là vùng núi trùng điệp nằm ở miền bắc, thu hút du khách bằng những ruộng bậc thang đẹp như tranh".

Huyện Mù Cang Chải có gần 500 hecta ruộng bậc thang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia.

Ngoài ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín, du khách có thể tắm suối khoáng nóng ở Trạm Tấu, thưởng thức cốm Tú Lệ, bay dù lượn trên đèo Khau Phạ...

Mù Cang Chải (Yên Bái) là một trong những địa điểm "phải đi" vào mùa lúa chín. Huyện vùng cao Tây Bắc này không chỉ có mùa lúa chín quyến rũ mà còn có các điểm tắm suối khoáng nóng, chợ phiên, lễ hội bay trên mùa vàng và rất nhiều đặc sản thơm ngon.

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía tây của Yên Bái, cách trung tâm tỉnh gần 200km. Huyện này có ranh giới địa lý giáp với Lai Châu, Sơn La và Lào Cai. Diện tích huyện hầu hết là núi cao, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực Sông Hồng và Sông Đà, độ cao tuyệt đối thấp nhất là cánh đồng Cao Phạ 650m, cao nhất là đỉnh Lùng Cúng thuộc xã Nậm Có 2.963 m so với mặt nước biển.

Địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên các sườn núi trải dài, mái dốc, có độ dốc trung bình 300m, tuy nhiên có nơi có độ lên tới trên 450m.

Dân số Mù Cang Chải có tới 90% là dân tộc Mông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ