Mộng phù hoa – Cảm xúc về một Sài Gòn xưa

GD&TĐ - “Mộng phù hoa”, bộ phim dựa trên cuộc đời có thật của cô Ba Trà, một trong những mỹ nữ nổi tiếng nhất Nam kỳ lục tỉnh những năm 1930, 1940 do tác giả Nguyễn Chương viết kịch bản, Bùi Nam Yên - Trần Quế Ngọc đạo diễn sẽ lên sóng VTV3 từ 2/1. Báo GD&TĐ đã có cuộc chia sẻ với đạo diễn Bùi Nam Yên về những khó khăn và kỳ vọng trong quá trình thực hiện bộ phim.

Mộng phù hoa –  Cảm xúc về  một Sài Gòn xưa

Tái hiện từ những câu chuyện thật

Thưa đạo diễn Bùi Nam Yên, anh có thể chia sẻ đôi chút về nội dung của bộ phim “Mộng phù hoa”?

Tác phẩm truyền hình “Mộng phù hoa” lấy đề tài thân phận trôi dạt của người phụ nữ để vẽ lên bức tranh xã hội của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây những năm 1930 – 1940. Đó là sự đối lập giữa cuộc sống bần hàn, cơ cực của người dân nghèo với lối sống xa hoa, trụy lạc của giới điền chủ, công tử. Và đan xen vào đó là những kẻ tráo trở, ăn bám trên thân xác kỹ nữ.

Ba Trang (Kim Tuyến đóng) được xây dựng từ nhân vật cô Ba Trà (“đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn xưa”) được trời phú cho vẻ đẹp quyến rũ chết người, khiến biết bao đàn ông say đắm. Nhưng “hồng nhan bạc phận”, Ba Trang từ một cô gái chân quê, trong trắng đã trở thành một kỹ nữ nổi tiếng lục tỉnh Nam kỳ đầy rẫy thăng trầm và cạm bẫy.

Cuộc sống xa hoa của Ba Trang khi trở thành một nhan sắc nức tiếng Sài Gòn khiến bao công tử phải điêu đứng cũng được “phác họa” từ chính những câu chuyện quanh cuộc đời cô Ba Trà.

Nhiều câu chuyện trong “Mộng phù hoa” được dựa trên cuộc đời thật, với những nguyên mẫu như: Kỹ nữ Sài Thành nổi tiếng Trần Ngọc Trà, Bạch Công tử, Hắc Công Tử…, nổi danh khắp lục tỉnh Nam kỳ. Các tuyến nhân vật không chỉ làm nổi bật số phận chìm nổi của cô kỹ nữ, mà đều mang dấu ấn riêng điển hình, chuyển tải những thông điệp khác nhau về xã hội thời kỳ bấy giờ.

Bối cảnh xưa với góc nhìn hiện đại

Bộ phim được hoàn thành trong thời gian bao lâu? Trong quá trình làm phim “Mộng phù hoa” việc tìm diễn viên có khó khăn không?

Chúng tôi mất hơn 6 tháng chuẩn bị vì phải đi tìm các bối cảnh xưa còn lại, lên kế hoạch dựng cảnh, đóng xe kéo, đóng các quầy hàng, tìm đạo cụ, cách di chuyển xe cổ, may đo phục trang và casting diễn viên.

Chúng tôi may mắn khi mời được những diễn viên nổi tiếng tham gia dù số phân đoạn không nhiều. Và tất cả đều diễn xuất nâng tầm vai diễn để bộ phim thêm giá trị.

Để tạo không khí Sài Gòn xưa, e kíp đã phải thực hiện công việc ra sao? Anh gửi gắm thông điệp gì qua bộ phim này?

Để tái hiện bối cảnh Sài Gòn những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, chúng tôi cùng ê kíp làm phim đã phải lặn lội đến nhiều tỉnh như Gò Công, Đồng Nai, Đà Lạt… chọn được không gian xưa phù hợp. Ngoài nội cảnh là những biệt thự Pháp cổ, đoàn phim đã kỳ công dựng cả một khu phố người Hoa lúc bấy giờ.

Có thể nói, trong “Mộng phù hoa”, phần lớn kinh phí của phim dành cho việc đầu tư bối cảnh, trang phục, đạo cụ... gấp 2, 3 lần đối với phim về xã hội hiện tại. Và nhân sự làm phim này được tuyển chọn từ những người có kinh nghiệm làm phim xưa như họa sĩ thiết kế, họa sĩ phục trang, hoá trang từ phim “Người Bình Xuyên”, “Ngọn nến Hoàng Cung”.

Đây là một sản phẩm bối cảnh xưa nhưng được thổi hơi thở của công nghệ và góc nhìn của người hiện đại nên chúng tôi hi vọng phim sẽ tươi trẻ và lộng lẫy mang tiết tấu mới mẻ và độc đáo riêng của những đạo diễn trẻ.

“Những câu chuyện xưa thú vị với nhiều giai thoại chính là nguồn tư liệu phong phú với nhiều chất liệu để tạo nên bộ phim, vì thế khi phóng tác thì rất phù hợp với nội dung của bộ phim. Tuy nhiên, khó khăn là làm sao để tạo ra cái khí chất của người xưa thanh lịch và hào sảng”. Đạo diễn Bùi Nam Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ