Lưu giữ “linh hồn làng”

GD&TĐ - Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở vùng núi tỉnh Quảng Nam. Đây là sản phẩm văn hoá được người dân nơi đây sáng tạo từ lâu đời mang sắc thái đặc thù rõ rệt của cộng đồng Cơ Tu.

Cấu trúc Gươl mái tròn của người Cơ Tu Quảng Nam
Cấu trúc Gươl mái tròn của người Cơ Tu Quảng Nam

Nhận thức vai trò của ngôi nhà làng truyền thống thiêng liêng đối với đồng bào Cơ Tu, nhiều năm qua tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khôi phục lại ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.

Vùng núi Quảng Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống: Giẻ - Triêng, Xơđăng, Cor, Cadong, Cơ Tu… chiếm khoảng 17,5% dân số toàn tỉnh đã tạo cho Quảng Nam có một nền văn hóa dân gian hết sức đa dạng, phong phú.

Nói đến tộc người Cơ Tu với hơn 5 vạn dân này, chúng ta không thể không nhắc đến Gươl - ngôi nhà làng truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Gươl gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung-da dá, những đêm hát lý của người Cơ Tu. Gươl - ngôi nhà làng truyền thống thiêng liêng và rất đỗi thân thương, không thể thiếu trong đời sống văn hoá-xã hội và tinh thần của người Cơ Tu. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, những ngôi nhà trên đang dần mai một.

Để lưu giữ “linh hồn làng” cho người dân, những năm qua,với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Nam bước đầu khôi phục lại một số Gươl truyền thống. Tại 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, người dân và các nghệ nhân không chỉ tham gia vào việc khôi phục lại Gươl mà còn quyên góp tiền bạc để cùng lưu giữ lại văn hóa của dân tộc, tạo ra nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình phục dựng, bảo lưu văn hóa truyền thống xuất hiện yếu tố mới lạ. Đó là sự thay đổi trong kiến trúc, trang trí nội thất Gươl truyền thống (màu sơn, đinh, ốc vít, kết cấu khung, mái nhà…) nên không phản ánh được trình độ nhận thức cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người Cơ Tu... Kiểu của Gươl truyền thống và những tác phẩm tạo hình đầy tính bản địa, hoang dã của người Cơ Tu đã có từ bao đời nay có nguy cơ mai một và ít dần đi.

Việc khôi phục lại nhà làng truyền thống của người Cơ Tu là việc làm không hề dễ chút nào. Để linh hồn làng người Cơ Tu được lưu giữ đúng nghĩa, thiết nghĩ cần phải có nghiên cứu bài bản, cụ thể và quan trọng hơn là có sự tham gia của già làng, nghệ nhân, trưởng thôn hay những người có kinh nghiệm trong việc thiết kế, trang trí cho Gươl nhằm phát triển tối đa giá trị vốn có của Gươl truyền thống. Có như vậy mới bảo vệ, gìn giữ được hình tượng Gươl, để Gươl mãi là niềm tự hào và là “linh hồn làng” của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.