Loay hoay tìm cách… múa

GD&TĐ - Trước xu thế bùng nổ của truyền thông đa phương tiện, cùng với sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, nghệ thuật múa nói riêng và ngành biểu diễn nghệ thuật nói chung đang gặp nhiều sóng gió. 

Theo đuổi nghệ thuật múa cần có sự đam mê. Ảnh: Hải Hà
Theo đuổi nghệ thuật múa cần có sự đam mê. Ảnh: Hải Hà

Để tồn tại và phát triển với nghề, các nghệ sĩ cũng như các cơ sở biểu diễn nghệ thuật đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp.

Chọn vở diễn

Trước xu thế bùng nổ của truyền thông đa phương tiện, các nhà hát kịch, trung tâm văn hóa nghệ thuật… không còn sáng đèn đều đặn như trước. Để tồn tại trong cơ chế thị trường, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật phải liên tục cải tiến, thay đổi để có những vở diễn độc đáo, hấp dẫn mới có thể lôi cuốn được người xem.

Ông Nguyễn Thành Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Truyền thông Nam Hưng chia sẻ: “Chọn vở diễn và diễn viên là một việc không hề đơn giản với những người làm nghệ thuật. Để có một vở diễn được công chúng đón nhận, chúng tôi cũng đã họp nhiều lần để chọn tác phẩm, chọn diễn viên.

Chúng tôi thường dựa vào thị hiếu của khán giả, đối tượng khán giả sau đó chọn vở diễn, chọn diễn viên… Ví dụ, dự án Nam An show của chúng tôi đã và đang đầu tư cho vở diễn “Mỵ” do nghệ sỹ múa Tuyết Minh biên đạo.

Đây là vở múa đặc sắc dựa trên cốt truyện của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, mang nhiều nét văn hóa đặc sắc dân tộc Mông vùng núi phía Bắc.

Để quyết định bắt tay sản xuất vở “Mỵ”, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ thị trường. Tôi nhận thấy, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật dành cho khách du lịch nước ngoài hiện nay của chúng ta còn quá ít. Cho nên, khi đưa một sản phẩm văn hóa tới công chúng, Nam Hưng tự tin mình lựa chọn được tác phẩm nghệ thuật tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như thị hiếu của khán giả”.

Cùng chia sẻ về việc chọn vở diễn, đạo diễn vở “Mỵ”, biên đạo múa, nghệ sỹ Tuyết Minh chia sẻ: “Người nghệ sỹ múa cũng như nhiều người làm các ngành nghề trong các lĩnh vực khác, luôn trăn trở với nghề và cũng luôn mong chọn được công việc mình muốn làm.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, chọn được vở diễn vừa mang tính nghệ thuật, vừa đáp ứng được thị hiếu công chúng, khán giả yêu nghệ thuật múa rất mất thời gian, công sức và trí tuệ. Nếu người nghệ sĩ không có tâm huyết, không có tình yêu, không có quyết tâm thì sẽ không đem lại thành quả tốt đẹp, không được công chúng mến mộ.

Chính bởi điều này mà các bầu show luôn loay hoay trước những vở diễn”.

Bé Bảo Châu trong tiết mục múa ô trong chương trình “Mừng xuân cho em”. Ảnh: Hải Hà.
  • Bé Bảo Châu trong tiết mục múa ô trong chương trình “Mừng xuân cho em”. Ảnh: Hải Hà.

Loay hoay tìm hướng đi

Bên cạnh việc chọn vở thì việc chọn nghệ sĩ múa cũng là một vấn đề. Hiện nay, các nghệ sĩ thường biểu diễn theo đơn đặt hàng, theo mục đích và nguồn lợi kinh tế của chủ sở hữu.

Nếu cộng tác, bắt tay với những ông chủ yêu nghệ thuật, đặt yếu tố chất lượng vở diễn song hành cùng lợi ích kinh tế thì nghệ sĩ múa có đất thể hiện và trau dồi nghề nghiệp. Còn không, nếu gặp phải những ông chủ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, không chú trọng đến yếu tố văn hóa, chất lượng, thẩm mỹ nghệ thuật của vở diễn thì các nghệ sĩ múa sẽ rất phụ thuộc và không thể phát huy sáng tạo mà phải biểu diễn, sáng tạo theo sự dẫn dắt, định hướng của những người bỏ tiền ra thuê họ. Vô hình trung làm thui chột khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Trước thực tế trên, bà Thanh Hoa, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết: “Hiện nay, không chỉ riêng cá nhân các nghệ sĩ múa phải đối mặt với những thách thức mà ngay cả các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đang loay hoay.

Thực tế, tại các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đang trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ cho các công ty sự kiện, các doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật. Nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật trở thành “lính đánh thuê” cho các công ty sự kiện. Điều đó càng cho thấy những khó khăn của nghệ thuật múa nói riêng và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật nói chung”.

Trước thực tế đó, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nếu không có một định hướng nghệ thuật đúng đắn, không hoạch định cụ thể, linh hoạt thì sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn vở diễn đến việc giữ chân diễn viên. Bởi vì, vở diễn không hay sẽ không có khán giả, nhà hát, đơn vị biểu diễn nghệ thuật không có kinh phí trả cho các nghệ sĩ…

Chính những bất cập đó làm cho người nghệ sĩ ít đầu tư cho nghệ thuật và tình trạng các tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng.

Nói về vấn đề này, PGS.TS. NSND Ứng Duy Thịnh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chia sẻ: “Tình trạng các tác phẩm nghệ thuật bị sao chép bản quyền hay ít có sự đầu tư không còn là hiếm. Đơn cử, năm 2018 có nhiều cuộc thi sáng tác và biểu diễn, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp được tổ chức, nhưng ít có những tác phẩm chất lượng cao.

Không những thế, nhiều tác phẩm nghệ thuật còn na ná giống nhau. Điều này càng cho thấy, các tác phẩm nghệ thuật ít có sự đầu tư, thiếu chiều sâu của một tác phẩm chuyên nghiệp”.

Để nâng cao hơn nữa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa, trước hết các nhà quản lý, sản xuất ra các vở diễn cần có sự đầu tư cả về công sức, tiền bạc, tâm huyết, làm sao các vở diễn thật sự được công chúng yêu thích thì mới đem lại lợi nhuận cao.

Đồng thời người diễn viên cần đam mê, sáng tạo trong các vai diễn của mình có như thế mới tạo ra được sự thu hút, mến mộ của khán giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.