Lộ tâm xấu giữa đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Người Nhật đối xử với nhau trong thảm họa khiến thế giới nể phục. Nhưng xấu hổ và ngơ ngác với cách mà một bộ phận người Việt mình ăn ở với nhau trong đại dịch.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Bắc Giang, rồi TP Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch Covid-19. Có người nói rằng, Sài Gòn bị trọng thương, điều đó chưa hẳn đã sai nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì, không chỉ Sài Gòn mà đất nước đang bị đau đớn trước thử thách hoạn nạn.

“Anh em như thể tay chân”, rồi “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, người dân cả nước hướng về tâm dịch. Ngoài việc cầu nguyện, hi vọng, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, thì còn là hành động – tiếp sức cho miền Nam ruột thịt.

Sinh viên Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… cùng nhiều tập thể y, bác sĩ lên đường vào Nam với mục đích “chung lưng đấu cật” cùng bà con, cùng lực lượng y tế chống lại dịch bệnh. Đó là việc làm cao cả, thể hiện lối sống chân thành – một giá trị đẹp và bất biến mà hàng nghìn đời nay cha ông ta đã nuôi dưỡng.

Đại dịch đã khiến đất nước trọng thương, khiến biết bao doanh nghiệp phá sản, biết bao gia đình điêu đứng. Nó giống như một cơn sóng thần, khiến những nơi nó đi qua phải bị tàn phá. Nhưng cơn sóng ấy, cũng vô tình làm “lộ” ra những ác tâm cay nghiệt của con người.

Một nữ MC có tiếng nhân cuộc tranh cãi về việc 300 sinh viên Hải Dương chi viện TP Hồ Chí Minh, đã "đổ thêm dầu vào lửa" gây mâu thuẫn, kích động: “…Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm”.

Rồi cách người ta đối xử, ăn ở với nhau giữa cơn dịch bệnh cũng khiến nhiều người cảm thấy bất bình. Một người nhân danh cơm từ thiện, vừa quay video cảnh phát cơm miễn phí, vừa to tiếng mắng nhiếc những người đến nhận.

Một cụ già chân tay run rẩy bị người phát cơm chê bai “ghê tởm”, khi vừa đi vừa gãi, vừa kéo quần. Video được tung lên mạng, chưa rõ vì mục đích gì nhưng cộng đồng cảm thấy thất vọng, bức xúc trước thái độ coi khinh, mạt sát người nghèo của kẻ mang danh từ thiện.

Trái ngược với chúng ta, ở Nhật Bản sau mỗi lần xảy ra thảm họa thiên nhiên là những câu chuyện cao cả được lan truyền. Người ta nhường cơm sẻ áo, đổ xăng cũng chỉ nửa bình để phần còn lại cho người đến sau. Chính ý thức văn hóa, và cách ứng xử tuyệt vời đó đã giúp người Nhật vượt qua mọi nghịch cảnh.

Người Việt mình có câu “ăn ở như bát nước đầy” là khuyên con người sống và đối xử với nhau trọn tình trọn nghĩa, có trước có sau. Thế nhưng càng lúc nguy nan thì tình nghĩa càng cạn. Điều đó không chỉ lộ ra tâm độc mà còn thể hiện văn hóa ứng xử rất thấp kém.

Càng thán phục người Nhật đối xử với nhau trong thảm họa bao nhiêu, thì lại càng xấu hổ và ngơ ngác với cách mà người Việt mình ăn ở với nhau. Không biết rồi đây khi đại dịch qua đi, mọi điều lắng xuống, người ta có tự vấn bản thân tại sao mình lại ác thế?

Chống dịch – phải thực hiện các biện pháp y tế, nhưng để chống lại sự vô cảm thì chỉ có tình nghĩa mới cảm hóa được. Văn hóa không thể chống lại dịch bệnh, nhưng ứng xử văn hóa là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua mọi nghịch cảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.