LHP Việt Nam lần thứ 20: Điện ảnh Việt hiện đại và nhân văn

GD&TĐ - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 sẽ diễn ra từ 24-28/11 tại Đà Nẵng. Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghệ điện ảnh Việt Nam hiện đại và nhân văn” liên hoan hứa hẹn nhiều đổi mới và thành công. Ngoài các hoạt động hội thảo, tuần phim chào mừng, sẽ diễn ra 3 buổi chiếu phim ngoài trời bên bờ sông Hàn và trước mỗi buổi chiếu, có trình diễn thời trang…  

LHP Việt Nam lần thứ 20:  Điện ảnh Việt hiện đại và nhân văn

Trở lại Đà Nẵng

LHP Việt Nam từng diễn ra ở Đà Nẵng năm 1988 và cuộc hội ngộ điện ảnh lần thứ 20 năm nay sẽ quay lại đây là lần thứ 2. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng sẽ nỗ lực phối hợp để tổ chức thành công LHP VN lần thứ 20.Từ tháng 6, Cục Điện ảnh đã cử đoàn công tác vào Đà Nẵng khảo sát thực địa và nêu yêu cầu phối hợp.

Lễ khai mạc và Bế mạc LHP được chốt tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương, truyền hình trực tiếp trên VTV2 (khai mạc) và VTV1 (bế mạc). Phim dự thi, phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh chiếu tại hệ thống rạp của Lotte, Thiên Ngân, CGV và các cơ sở chiếu phim của thành phố Đà Nẵng. Riêng 3 buổi chiếu phim ngoài trời, trước các buổi chiếu có 30 phút trình diễn thời trang, BTC đề nghị Đà Nẵng lựa chọn vị trí bên sông Hàn để thu hút công chúng.

Do LHP lần này số lượng nghệ sĩ là người nước ngoài,Việt kiều khá đông, những gương mặt nổi bật trong giới điện ảnh, showbiz cũng hội tụ về đây nên BTC coi LHP là cơ hội để quảng bá hình ảnh thành phố bên sông Hàn. Trên tinh thần xúc tiến, quảng bá du lịch cho Đà Nẵng thông qua LHP, BTC đề nghị phía Đà Nẵng tổ chức các điểm đến, các tour tham quan dành cho nghệ sĩ và các đại biểu dự LHP.

Nhiều đổi mới

Tiêu chí và khẩu hiệu LHP năm nay hướng đến tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, nghệ thuật thể hiện mới, sáng tạo, chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả.

Theo BTC, ngoài các giải Bông sen Vàng, Bạc như thường lệ, BTC đề xuất thêm giải thưởng Film ASEAN xem như điểm nhấn. Giải thưởng mới không chỉ mang ý nghĩa hội nhập, còn là hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Giải thưởng phim ASEAN có chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN” hướng tới phát hiện và khích lệ tài năng mới của điện ảnh trong khu vực. Mỗi quốc gia thành viên được gửi một phim truyện thời lượng từ 80 phút trở lên, sản xuất trong năm 2016- 2017.

Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, các đơn vị đang làm việc với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam về giải thưởng ASEAN này. BTC mời ba giám khảo là các nhà hoạt động điện ảnh có uy tín từ các nước ngoài khối ASEAN cầm cân nảy mực. Phim chọn dự thi và phim chiếu trong chương trình toàn cảnh được thông báo tới đơn vị sản xuất trước 15/10.

Giải thưởng Film ASEAN có chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN” hướng tới phát hiện và khích lệ tài năng mới của điện ảnh trong khu vực. Mỗi quốc gia thành viên được gửi một phim truyện thời lượng từ 80 phút trở lên, sản xuất trong năm 2016-2017. Thời hạn cuối nhận phim dự giải là 10/11. Hạng mục trao giải thưởng cho phim ASEAN: Giải Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam/nữ diễn viên chính xuất sắc.

Một điểm mới khác tại LHP lần này đó là phim kịch bản nước ngoài được tham gia dự thi. Theo nhìn nhận chung của giới chuyên môn, sự vắng mặt của phim Nhà nước tài trợ, hay còn gọi là phim đề tài truyền thốngcách mạng không phải là dấu lặng buồn của điện ảnh Việt. Đơn giản chỉ là những khúc mắc hành chính khiến việc tài trợ cho phim chưa được thông tỏ.

Điện ảnh là cuộc chơi tốn kém, không có tiền thì việc sản xuất phim cũng tắc. Không có những “bom tấn” đề tài truyền thống cách mạng tham ra dự giải, các bậc lão niên trong ngành điện ảnh, những bậc cây đa, cây đề; những người tạo dựng được tên tuổi nhờ mảng phim này sẽ có cơ hội “soi”, đánh giá khách quan và công tâm sự nhập cuộc của “con, cháu” với tinh thần hội nhập.

Theo đó, khác với Giải Cánh diều, nói không với kịch bản ngoại, LHP VN lần này rộng cửa cho phim làm lại (re-make) từ kịch bản phim nước ngoài, cho phép phim re-make tham dự tất cả các chương trình của liên hoan phim. Trường hợp phim tuyển chọn vào vòng dự thi, chỉ không xét giải thưởng dành cho phim và giải kịch bản, còn lại các giải cá nhân khác đều được xét và trao thưởng.

Năm 2016-2017 là thời điểm điện ảnh Việt Nam đón nhận rất nhiều tác phẩm có kịch bản được mua lại từ nước ngoài, được công chúng đón nhận và thành công lớn về mặt doanh thu. Có thể kể tới các bộ phim như “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Mùi ngò gai”, “Dù gió có thổi”, “Cô gái xấu xí”, sau này là “Em là bà nội của anh”, “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” hay “Sắc đẹp ngàn cân”...

Chính vì thế, việc phim Việt hóa được chấp nhận tranh giải tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 thể hiện sự đổi mới trong tư duy cũng như nhìn nhận đúng đắn về sự phát triển của loại hình phim Việt hóa. Đối với trường hợp phim Việt hóa, khi được lựa chọn vào vòng dự thi thì chỉ được xét các giải thưởng cá nhân và không trao giải thưởng cho tác giả kịch bản hay giải thưởng dành cho phim. Với các phim có thành phần sáng tác chính không mang quốc tịch Việt Nam vẫn được xét trao giải thưởng.

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo LHP khẳng định: Dù là phim làm lại kịch bản nước ngoài thì các thành phần sáng tác cũng phải phát huy năng lực, sự sáng tạo cá nhân để hoàn thành tốt nhất vai diễn hay công việc của mình. Nếu không phải là đạo diễn tài năng; diễn viên xuất sắc; nhà quay phim tài ba… thì dù kịch bản của nước ngoài có hay đến mấy cũng khó trở thành một phim Việt hóa chất lượng; khó có vai diễn đọng lại trong lòng người xem. Ghi nhận công sức của các cá nhân ở loại phim này là điều cần thiết nếu chúng ta đã thừa nhận sự tiếp nhận văn hóa trong thế giới phẳng.

HP Việt Nam lần thứ 20 có khẩu hiệu: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đại và nhân văn”. Và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt trong đó điện ảnh thuộc thành phần mũi nhọn và được ưu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ