Lần đầu tiên công bố tài liệu lưu trữ về Phật giáo ở Việt Nam

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức Triển lãm “Phật giáo ở Việt Nam qua tài liệu lưu trữ”.

Chùa Thầy, Hà Nội năm 1938. Ảnh tư liệu.
Chùa Thầy, Hà Nội năm 1938. Ảnh tư liệu.

Đây là lần đầu tiên Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức công bố và giới thiệu những tài liệu về chủ đề Phật giáo ở Việt Nam trong một sự kiện lớn của Liên hiệp quốc.

Để giới thiệu đến công chúng những tài liệu có giá trị về chủ đề này, qua đó góp phần vào quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam từ góc nhìn tôn giáo, Ban tổ chức Triển lãm đã dày công lựa chọn các tài liệu tiêu biểu nhất từ hai Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn và các khối tài liệu khác hiện đang bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia...

Một trong những tài liệu được trưng bày tại triển lãm.
Một trong những tài liệu được trưng bày tại triển lãm.

Tại triển lãm, hơn 80 tài liệu lưu trữ, hình ảnh phản ánh gần 2.000 năm tồn tại và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam.

Các tài liệu trưng bày được lựa chọn ra từ hai di sản tư liệu thế giới là Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn và các khối tài liệu khác đang được bảo quản tại các trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

Các tài liệu của triển lãm cho thấy ngay từ những năm đầu Công nguyên Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam và ngày càng phát triển. Đặc biệt là dưới thời Lý Trần, Phật giáo đã đạt đến độ cực thịnh và coi là quốc giáo. Đã có nhiều cao tăng được trọng dụng, tham gia vào hệ thống chính quyền.

 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép việc năm Tân Mùi (1031), vua Lý Thái Tông ban chiếu cho xây dựng 950 chùa, quán ở các hương ấp. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên chép việc năm Mậu Thìn (1088), vua Lý Cao Tông ban cho nhà sư Khô Đầu là quốc sư.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên chép năm Mậu Thân (1308), Thượng hoàng Trần Nhân Tông (Trúc Lâm đại sĩ) mất ở am Ngọa Vân núi Yên Tử...

Thời Nguyễn giai đoạn đầu, Phật giáo khá phát triển, nhiều chùa chiền được xây dựng mới, hoặc trùng tu và trở thành những trung tâm tín ngưỡng của đông đảo người Việt. Một bản dụ vào ngày 16/2/1841 (Thiệu Trị thứ nhất) của Phan Huy Đề, Phan Bá Đạt đề đạt việc lập đàn tụng kinh ở chùa Tam Thai, Từ Tâm, Ứng Chân sau lễ đăng quang.

Một bản tấu vào ngày 22/2/1937 (năm Bảo Đại thứ 12) của Bộ Lễ Nghi Công tác về việc lập chùa An Lạc ở An Cựu Tây và xin sắc tứ biển ngạch cho chùa.

Bản tấu ngày 22 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 12.
Bản tấu ngày 22 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 12.

Mặc dù từ thế kỷ XIX, khi một số tôn giáo mới du nhập từ phương Tây, nhưng Phật giáo vẫn là tôn giáo lớn và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tôn giáo người Việt cho đến ngày nay.

Triển lãm không chỉ giới thiệu những tài liệu có giá trị về chủ đề Phật giáo ở nước ta, mà qua đó còn cho thấy hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam từ góc nhìn tôn giáo.

Triển lãm khai mạc ngày 12/5 và diễn ra đến hết ngày 14/5/2019, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, chùa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ