Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển: Chuyện của máy trưởng tàu 187

GD&TĐ - Sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trên đoàn tàu không số năm xưa đã làm nên huyền thoại về con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Di tích K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu không số.
Di tích K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu không số.

Chiến công ấy là của những thuyền trưởng, máy trưởng, hoa tiêu, báo vụ như Đỗ Xuân Tâm… Lòng yêu nước, niềm tin chiến thắng đã gắn kết họ thành một khối thống nhất, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bí mật tàu không số

Ông Đỗ Xuân Tâm máy trưởng tàu 187.

Ông Đỗ Xuân Tâm máy trưởng tàu 187.

Di tích K15, ki-lô-mét số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm xuất phát của những con tàu không số năm xưa, nằm sát mép biển Đồ Sơn, TP Hải Phòng.

Nếu không có những dòng chữ chú thích trên tượng đài vòi vọi hướng lên trời kia, khó ai có thể hình dung hơn một nửa thế kỷ trước nơi đây là điểm xuất phát bí mật của những con tàu không số huyền thoại. Chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Xuân Tâm, cựu binh từng chuyên chở vũ khí, đạn dược trên những con tàu không số.

Nhà ông Tâm cách di tích K15 không xa. Nhà hàng Dốc Quán Thốc, cũng là tư gia của ông Tâm nay vắng khách. Ông Tâm tuổi ngoại thất tuần nhưng còn tráng kiện trong bộ quân phục bạc màu. Biển Đồ Sơn những ngày sau bão, sóng dập thình thình vào kè đá. Hơi nước theo gió phủ lấy những chiếc bàn, ghế nhựa mang theo vị mặn của biển thốc vào trong quán.

Sau tuần trà, giọng tâm tình, ông Tâm kể về kỷ niệm hào hùng một thời hoa lửa. Năm 1963, Đỗ Xuân Tâm viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Hải quân lấy anh về như một lẽ tất nhiên vì anh quê Đồ Sơn, bơi lội như cá. Trở lại quê để tham gia các lớp huấn luyện, cách nhà chỉ có vài cây số nhưng anh không được về thăm.

Tất cả mọi việc đều phải hoàn toàn bí mật, bí mật tuyệt đối từ khi huấn luyện, chuẩn bị, đến lúc lên đường. Ngay bản thân Đỗ Xuân Tâm, suốt thời gian huấn luyện cũng chỉ đến khi chuẩn bị xuống tàu mới biết được giao nhiệm vụ chuyển vũ khí vào Nam.

Ông Tâm bảo, các con tàu không số đều phải đảm bảo tính bí mật. Không ai được mang theo mình bất cứ thứ gì riêng tư, dù chỉ tấm ảnh hay dòng địa chỉ. Tàu không mang biển số hoặc mang biển số giả theo từng địa phương tàu qua.

Mọi nhu yếu phẩm mang theo trên tàu như: Đường, sữa, đồ hộp, xà phòng, thuốc lá... đều được bóc hết nhãn, mác. Nếu bị địch phát hiện, phải hủy tàu... Trước khi xuất phát, các con tàu đều có số hiệu riêng nhưng được gọi là tàu không số cũng bởi vì lẽ đó.

Hải trình mười năm

Ông Đỗ Xuân Tâm và vợ ngày mới cưới.

Ông Đỗ Xuân Tâm và vợ ngày mới cưới.

Sau huấn luyện, tháng 8/1964, thợ máy 1 Đỗ Xuân Tâm xuống tàu 187 của đoàn tàu không số. Tàu có trọng tải khoảng một trăm tấn. Trên tàu có 16 người gồm cả y tá, anh nuôi và được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng. Ngoài hàng hóa quân sự, hai hầm hàng và hầm máy gài vài tạ thuốc nổ TNT, lúc nào cũng có thể cho nổ cả tàu.

Chuyến đầu tiên vào Vàm Lũng, Rạch Gốc, Cà Mau, chỉ ba ngày ba đêm là đến nơi an toàn, trở ra không khó khăn gì. Đây là thời kỳ đi lại còn khá tự do vì địch chưa thể ngờ ta dám mở con đường trên biển.

Chuyến thứ hai, tàu 187 đi đúng dịp Tết Nguyên đán năm 1965, vào bến Thạnh Phong, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau ba ngày đêm, đúng 3 giờ sáng mồng Một, tàu đến vùng biển đã định.

Đèn pin trên tay chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch chớp những tín hiệu vào đám cây đen thui trên bờ. Vài phút đợi chờ dài và căng thẳng, rồi những chớp đỏ nháy lên trả lời.

Xuồng nhỏ lao ra, người leo lên dẫn tàu vào vàm nhỏ phủ đầy dừa nước, rẽ vào lạch. Hàng chục chiến sĩ quân giải phóng ào lên tàu, rưng rưng xúc động ôm lính tàu không số rồi hối hả ngụy trang. Chuyến đi đã an toàn, như một trận đánh thành công.

Hai chuyến đi trót lọt, quân và dân Nam Bộ đã được tiếp tế. Cấp trên phấn khởi, khen ngợi. Khỏi phải nói sự nức lòng của chàng thanh niên ra đi từ làng biển, chỉ vài năm đã lập những chiến công lớn, có điều chả được phép phô với ai.

Rồi hạnh phúc đến, Đỗ Xuân Tâm được đơn vị cho về phép tổ chức lễ cưới với cô gái cũng quê Đồ Sơn. Mới 21 tuổi nhưng Nguyễn Thị Xuân đã là đảng viên, dày dạn trong công tác địa phương. Đám cưới diễn ra ngày 28/2/1965 với sự chung vui của cán bộ đoàn, bạn thủy thủ tàu 187.

Đang tận hưởng 7 ngày phép bên người vợ trẻ, đến ngày thứ 3, anh có lệnh về đơn vị. Cuộc chia tay bịn rịn, hẹn về nhanh, ai ngờ chuyến đi này dài đến... mười năm.

Ngày 10/6/1966, tàu 187 nhận lệnh xuất kích. Lần này tàu đi theo tuyến mới, ngoài tầm hải phận của Tổ quốc. Đúng 3 giờ sáng ngày 20/6/1966, cố vấn thuyền trưởng Dương Tấn Kịch thông báo tàu còn cách vàm sông Ba Động 1,5 hải lý, đó là điểm con tàu đến. Từ đây nhìn vào đã thấy rừng cây đen sẫm ven bờ. Anh em đều mừng vui và hồi hộp.

Bỗng trên trời tiếng máy bay gầm rú. Những chùm pháo sáng phủ lấy con tàu. Địch vây chặn phía ngoài, đạn nhọn bắn xối xả vào tàu. Bộ Tổng tham mưu chỉ thị: Phải hủy tàu, bảo tồn bến.

Thuyền trưởng Phan Văn Xả lệnh tất cả rời tàu, để anh và máy trưởng Vũ Xuân An ở lại hủy tàu bằng dây cháy chậm. Tâm từ hầm máy chui lên, nhảy xuống xuồng cao su nhưng đi một đoạn thì xuồng thủng.

Anh em thủy thủ nhằm phía bờ bơi thục mạng. Vào đến bờ mỗi người lạc một nơi. Trong vòng vây của địch, 16 người của tàu 187, có cả thuyền trưởng Phan Văn Xả đã thoát.

Sau 3 tháng ở căn cứ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, anh em thủy thủ tàu 187 được lệnh hành quân về Rạch Gốc, Cà Mau với mục đích bảo toàn lực lượng, đón chờ tàu đồng đội để tiếp tục trở về chiến đấu trên mặt trận vận tải…

Ngày 1/5/1975, Đỗ Xuân Tâm cùng đồng đội về tiếp quản bến cảng quân sự Ninh Kiều và cảng Bình Thủy, TP Cần Thơ. Sau ngày thống nhất đất nước, công việc được giao bộn bề, mọi người đều xắn tay tất bật với công việc mới.

Năm 1976, máy trưởng tàu 187 Đỗ Xuân Tâm trở ra Bắc đoàn tụ với gia đình, rồi chuyển ngành sang công tác ở một lĩnh vực khác. Ông chia sẻ, người lính trở về với cuộc sống đời thường cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.

Tuy rằng trong hòa bình nhưng cuộc sống cũng có rất nhiều “cơn xoáy lốc”. Nhiều lúc tôi phải coi gia đình mình như một con tàu và chúng tôi cùng nhau nỗ lực đưa tàu đến đích, tới bờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ