Kiến nghị cấm biểu diễn xiếc thú: Tiếng nói của người trong nghề

GD&TĐ - Mới đây, Liên minh châu Á vì động vật (Asia for Animals Coalition viết tắt AfA) vừa có thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Việt Nam kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc. Khuyến nghị của AfA có khả thi hay không trong bối cảnh Việt Nam, đó là một câu hỏi khiến nhiều nghệ sĩ xiếc trăn trở.

Kiến nghị cấm biểu diễn xiếc thú:  Tiếng nói  của người trong nghề

Cấm đưa động vật hoang dã vào biểu diễn

Theo một báo cáo của Liên minh châu Á vì động vật (AfA) hiện có 19 loại động vật đang được sử dụng trong biểu diễn xiếc thú tại Việt Nam (trong đó có những loại bị xếp vào tình trạng nguy cấp theo pháp luật).

AfA còn đề nghị phía Việt Nam truy tố các chủ cơ sở xiếc “sử dụng trái pháp luật các loại động vật trong nhóm IB (động vật hoang dã, cấm khai thác vào mục đích thương mại) để phục vụ mục đích thương mại”. Những động vật hoang dã đang biểu diễn xiếc sau khi bị tịch thu sẽ được đưa về các cơ sở có uy tín.

Trước khuyến nghị của AfA, nghệ sĩ xiếc Lê Đình Trường (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), người gắn bó với nghề xiếc thú 27 năm cho biết, những năm qua, xiếc thú không chỉ được các khán giả yêu thích mà còn là một trong những mảng hoạt động hiệu quả về mặt nghệ thuật.

Nếu bỏ xiếc thú, trong đó có các tiết mục biểu diễn của động vật hoang dã thì rất đáng tiếc. Ngoài việc tạo cảm giác mạnh, sự kịch tính cho tiết mục, xiếc thú giúp con người, đặc biệt là trẻ em biết yêu thương động vật hơn. Tính giáo dục trong các tiết mục xiếc thú cũng rất cao nếu được dàn dựng tốt, có chất lượng nghệ thuật cao.

Lâu nay, nghệ thuật xiếc Việt Nam vẫn hấp dẫn khán giả bởi nghệ thuật xiếc thú. Xiếc thú là một hình thức có từ lâu đời, đem lại niềm vui, những bài học bổ ích cho con người. Hơn thế nữa, nhờ xem xiếc thú, trẻ con sẽ học được đặc tính các loài động vật, yêu thương động vật hơn. Tuy nhiên, quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện thú phải có cơ sở khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.

Việc cấm xiếc thú là chưa thực sự khách quan, điều quan trọng ở đây là chúng ta nên có quy định cụ thể về môi trường chăm sóc, môi trường huấn luyện và biểu diễn phù hợp với đặc thù của xiếc thú và từng loại thú.

Cần tiếng nói của người trong nghề

Không chỉ ở Việt Nam mà môn nghệ thuật xiếc thú hiện đã bị cấm ở nhiều quốc gia. Trong tương lai không xa, dự kiến liên đoàn xiếc sẽ thay thế các động vật hoang dã bằng các vật nuôi gần gũi với con người như đà điểu, mèo, chó, trâu... Liệu sự thay đổi này có còn hấp dẫn với các em nhỏ.

Với tuổi thơ ai cũng có ký ức với xiếc thú. Nhìn thấy sự háo hức say mê, vui vẻ phấn khích của các em nhỏ khi được xem những con thú, không chỉ những người làm nghệ thuật mà cả người lớn đều cảm thấy như mang lại niềm vui cho các em.

Thực tế, vài năm gần đây, do nhu cầu thị trường giải trí, nhiều đoàn xiếc do các cá nhân, nhóm nhỏ lẻ hợp thành đi biểu diễn nhưng không đảm bảo cả về mức độ an toàn lẫn chế độ chăm sóc động vật, chất lượng nghệ thuật khiến nhiều người có cái nhìn lệch lạc về biểu diễn xiếc thú.

Theo nghệ sĩ Lê Đình Trường, để trở thành diễn viên xiếc thú, người nghệ sĩ phải khổ luyện rất nhiều. Từ nuôi dưỡng, huấn luyện đến biểu diễn, người nghệ sĩ không chỉ là diễn viên, người huấn luyện mà còn là bạn diễn của các con thú, tạo cảm giác gần gũi với khán giả.

Tại Việt Nam, lâu nay, biểu diễn xiếc thú phải đảm bảo những điều kiện nhất định về cơ sở vật chất. Việc một số loài động vật được tuyển chọn để chăm sóc, huấn luyện và biểu diễn trên sân khấu xiếc không đi ngược lại với các quyền và lợi ích cơ bản của các loài.

Nghệ sĩ Lê Đình Trường cho rằng, với xiếc thì không thể nào thiếu vắng bộ môn xiếc thú. Vì thế, việc nuôi dạy và biểu diễn xiếc thú phải có quy định cụ thể về điều kiện môi trường sinh hoạt cho con thú. Nếu không đáp ứng yêu cầu thì không thể biểu diễn xiếc thú.

Thiết nghĩ, việc cấm hay không cấm việc dùng thú hoang dã phục vụ cho các nhu cầu giải trí của con người sớm cần tiếng nói của những người trong nghề, của các đơn vị chủ quản của các hoạt động kinh doanh nghệ thuật biểu diễn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ