Kịch bản phim Việt: Có bột mới gột nên hồ

GD&TĐ - Sau mấy kỳ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội đã cho thấy, phim của các nước trong khu vực có những tác phẩm hơn hẳn phim Việt. Điều kỳ lạ là họ chú trọng ở ngay mảng đề tài đương đại, với kinh phí sản xuất rất thấp.

Phim “Ma làng” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong.
Phim “Ma làng” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) từng nhận định: Điện ảnh Việt ngày càng có xu hướng Việt hóa kịch bản mua từ nước ngoài. Một trong những khó khăn của điện ảnh nước nhà chính là sự thiếu hụt kịch bản phim truyện hay và độc đáo.

Sự thiếu hụt có thể bắt nguồn từ việc thiếu lực lượng nhà biên kịch điện ảnh giỏi và những nhà sản xuất có “con mắt xanh” phát hiện ra kịch bản hay, hấp dẫn.

Tìm kịch bản qua cuộc thi

Phim Việt dở tệ đã trở thành căn bệnh trầm kha, mà từ rất lâu giới nghệ thuật đã bàn luận để tìm hướng đi mới. Phim dở được xác định từ nhiều yếu tố, nhưng các nhà chuyên môn đồng ý yếu tố đầu tiên, rằng “một bộ phim hay nhất định phải xuất phát từ một kịch bản hay”.

Trong khi vài năm trở đây, lĩnh vực hội họa không ngừng vươn tầm thế giới, chiếm vị thế hàng đầu Đông Nam Á, còn điện ảnh thì cứ đi xuống, thua kém các nước trong khu vực. Biết thế, nhưng vì “đói” kịch bản hay nên ngành điện ảnh cứ sậm sụi trong vòng luẩn quẩn “kịch bản dở - phim tệ - khán giả quay lưng”.

Trước thực tế đó, ngành điện ảnh đã có nhiều động thái chấn hưng phim Việt cũng như nâng cao chất lượng điện ảnh. Một trong những động thái được giới nghệ thuật quan tâm là việc “săn tìm” kịch bản.

Mới đây, vào trung tuần tháng 5, Cục Điện ảnh đã khởi động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút) và phim hoạt hình (90 phút) năm 2021”. Với thể loại phim tài liệu, nội dung kịch bản phải phản ánh hiện thực sinh động của đời sống xã hội.

Có những phát hiện mới về cuộc sống và con người với góc nhìn đa chiều, nhân văn, hướng thiện, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

Thực ra đây không phải lần đầu, Cục Điện ảnh phát động sáng tác kịch bản. Năm 2020 với đề tài, nội dung hướng đến giá trị “nhân văn - hướng thiện - bản sắc văn hóa Việt”, kịch bản phim không chỉ bó hẹp nội dung chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa hay đề tài thiếu nhi.

Tháng 1/2021 tổng kết trao giải cho cuộc thi này và được đánh giá khá thành công. 226 kịch bản dự thi của 152 tác giả thuộc 32 tỉnh, thành gửi về. Đặc biệt cuộc thi có sự góp mặt của nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn và những người viết không chuyên như kỹ sư, giáo viên, học sinh - sinh viên. Tác giả nhỏ nhất 16 tuổi, tác giả lớn nhất 82 tuổi, và không ít tác giả có 2 kịch bản gửi đến.

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, hiện nay những nền tảng cung cấp nội dung điện ảnh cho khán giả Việt Nam rất rộng. Chính điều đó đặt các nhà làm phim trong nước vào cuộc cạnh tranh lớn. Nếu không có nội dung hay, chất lượng nâng lên, khán giả Việt sẵn sàng quan tâm tới phim nước ngoài ở rạp cũng như trên nhiều nền tảng số.

Từ kịch bản hay, “Bi, đừng sợ!” trở thành bộ phim “ăn khách” với nhiều giải thưởng.

Từ kịch bản hay, “Bi, đừng sợ!” trở thành bộ phim “ăn khách” với nhiều giải thưởng.

Có bột mới gột nên hồ

“Một kịch bản hay chưa chắc đã có một bộ phim hay. Nhưng một bộ phim hay nhất định phải xuất phát từ một kịch bản hay” - Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL)

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, trước đây Hãng phim Tài liệu - Khoa học T.Ư từng sản xuất những bộ phim tài liệu dài để lại dấu ấn. Nhưng lâu nay, hãng phim vẫn được Nhà nước “bao cấp” này chủ yếu chỉ sản xuất những bộ phim ngắn.

Tương tự, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam gần như chưa ra mắt bộ phim nào có thể ra rạp chiếu như phim truyện điện ảnh (90 phút).

Ông Thành cho rằng, kinh phí không phải nguyên nhân cốt yếu mà nằm chính ở vấn đề thiếu kịch bản tốt - khâu đầu tiên của quá trình sản xuất phim. Từ nguyên nhân đó, Cục Điện ảnh mở cuộc thi để tìm kịch bản.

“Kết quả cuộc thi sẽ tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của Nhà nước trong giai đoạn 2023 - 2025 và các đơn vị sản xuất phim tài liệu, phim hoạt hình trong cả nước”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Theo diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, có rất nhiều yếu tố để làm nên một bộ phim hay, nhưng trước hết, chúng ta cần có một kịch bản hay. “Tôi sẵn sàng đầu tư cho các kịch bản hay, nhưng thực tế trong hàng trăm kịch bản gửi đến hãng phim của tôi, chúng tôi không thể chọn được kịch bản nào để sản xuất vì quá yếu”, Trương Ngọc Ánh chia sẻ.

Giới điện ảnh ví kịch bản như linh hồn, mà chính xác hơn là “chất bột để gột thành phim”. Giá trị kinh tế cho kịch bản hay cũng rất cao, nhiều người chuyên viết kịch bản phim trở nên giàu có. Vì vậy, có thời gian nhiều người đổ xô vào lĩnh vực viết kịch bản. Thế rồi, khi thị trường bão hòa, kịch bản hay dần thiếu hụt và thay thế vào đó là những kịch bản dở, nhảm nhí, lộn xộn.

Chúng tôi từng có dịp trò chuyện với nhà văn Trịnh Thanh Phong tại nhà riêng tại Tuyên Quang. Ông Phong nói rằng, căn nhà 2 tầng hiện tại gia đình đang ở chính là thành quả khi chuyển thể từ tiểu thuyết “Ma làng” sang kịch bản phim cùng tên.

Tuy nhiên, việc cho ra đời một tác phẩm văn học hay đã khó, chuyển thể thành kịch bản phim cũng khó chẳng kém. Có bột mới gột nên hồ, có ý tưởng hay mới xây dựng được kịch bản độc đáo.

NSND, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nói rằng: Nhà văn Bảo Ninh có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng nhưng chưa được khai thác, phần nhiều vì sợ “nhạy cảm”.

Trong khi đó, hội đồng giám khảo theo một thói quen là hễ kịch bản hơi nhạy cảm một chút đã sợ và gạt đi. Vậy thì làm sao có những tác phẩm hay và táo bạo?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ