“Hồi sinh” dòng gốm cổ nhất Việt Nam

GD&TĐ - Gắn liền với kinh đô Luy Lâu thời Giao Chỉ xưa, sau hàng nghìn năm rơi vào quên lãng, nay gốm Dâu đang dần hồi sinh dưới bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ yêu mến văn hóa truyền thống.

Tác phẩm gốm Dâu đều rất sáng tạo cả về kỹ thuật và mỹ thuật.
Tác phẩm gốm Dâu đều rất sáng tạo cả về kỹ thuật và mỹ thuật.

Vì quá yêu gốm nên từ một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu, ông Nguyễn Đăng Vông (Thuận Thành – Bắc Ninh) đã chuyển sang nghiên cứu gốm. Sau nhiều năm tìm dấu tích xưa, ông đã chọn gốm Dâu để phục hồi, tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất kinh đô Luy Lâu.

Nuối tiếc dòng gốm cổ

Họa sĩ Nguyễn Đăng Vông sinh ở làng Mãn Xá Tây, xã Hà Mãn (Thuận Thành) - địa danh gắn với câu ca: “Dòng sông Dâu chảy từ đâu/Mà trôi đến bến Luy Lâu lại dừng”. Làng quê ấy chính là nơi nàng A Man hay còn gọi là Man Ni, Man Nương trong thần thoại sinh thành tứ pháp, khởi nguồn cho đạo Phật ở Việt Nam cùng ngôi chùa Dâu cổ kính.

Thuận Thành cũng là đất xưa của kinh đô Luy Lâu – nơi có thành cổ, chùa Dâu, mộ phần của Thái thú Sĩ Nhiếp. Bởi thế, ở vùng đất nghìn năm áo mũ, lịch sử còn ẩn hiện nơi mỗi bức tường, mỗi rặng cây và trong từng thớ đất.

Ngay từ khi tóc còn để chỏm, cậu bé Vông đã được chơi những món đồ đất nung do ông nội làm như hình nộm, 12 con giáp và trăm thứ khác lạ. Từ đó, cậu bé ngày ngày ra bờ sông lấy những tảng đất khô về bắt chước ông nội nhào nặn, chế tác đủ mọi hình thù kỳ quái.

Ước mơ từ thuở thơ bé cứ lớn dần khi Vông bước chân vào học mỹ thuật tại tỉnh Hà Bắc cũ. Chàng sinh viên hội họa được tiếp xúc với tất cả các làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Hương Canh, Quế, Bàu Trúc… và bắt đầu thấy tiếc cho ngôi làng cổ A Man xưa, với dòng gốm tinh anh đã thất truyền cả nghìn năm.

Khi tốt nghiệp ra trường, trở về quê hương đúng vào dịp cố GS Trần Quốc Vượng về Thuận Thành nghiên cứu thành cổ Luy Lâu và được dịp mục kích dòng gốm cổ nghìn năm dưới lòng đất. Đợt khai quật dã chiến đã khơi dậy quyết tâm hồi sinh dòng gốm Luy Lâu quê mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng xác nhận rằng, thầy Trần Quốc Vượng sinh thời rất gắn bó với công việc nghiên cứu vùng đất cổ Luy Lâu. Ông cho rằng, những sản phẩm gốm đỏ vùng Dâu - Luy Lâu được coi như những sản phẩm mẫu mực đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật - mỹ thuật đặc thù của dòng gốm phương Nam - mà lâu nay các nhà khoa học đã đặt cho cái tên là gốm sông Hồng.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Vông – người làm hồi sinh dòng gốm cổ Luy Lâu.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Vông – người làm hồi sinh dòng gốm cổ Luy Lâu.

“Hồi sinh” gốm Dâu

“Gốm Dâu (Luy Lâu) là dòng sản phẩm độc đáo và hấp dẫn bởi những sắc thái cổ điển của chất liệu không trộn lẫn với những dòng gốm đang có, lại rất hiện đại về phong cách tạo hình” - Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Các sản phẩm gốm Dâu đều theo lối sáng tạo ngẫu hứng.

Các sản phẩm gốm Dâu đều theo lối sáng tạo ngẫu hứng.

Từng có những hội thảo khoa học diễn ra trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh nhằm tìm giải pháp khôi phục, phát triển dòng gốm Dâu. Với các sản phẩm gốm cổ tìm thấy trong những cuộc khai quật ở các xã Nguyệt Ðức, Thanh Khương, Hà Mãn… các nhà khảo cổ nhận thấy nét nổi bật của loại men phủ màu xanh ô-liu ở dòng gốm này.

Sẵn có kiến thức hội họa, lại khéo tay nên họa sĩ Nguyễn Đăng Vông hì hụi bắt tay vào làm gốm. Nhiều mẻ gốm hỏng, nhiều lô gốm thất bại nhưng cuối cùng đã thành công để cho ra dòng gốm Dâu đúng như ngành khảo cổ đã tìm thấy dưới chân thành Luy Lâu.

Những bức tượng Phật tôn nghiêm, những chiếc lục bình giản đơn một màu đất nung mà ánh lên sắc xanh ô-liu vừa quý tộc, vừa nền nã. Bước đầu, ông Vông đã làm được kỳ tích hồi sinh dòng gốm vốn chỉ còn trong truyền thuyết.

“Tôi không thiên vị cho Luy Lâu nhưng có lẽ đất sét Luy Lâu là thích hợp nhất để làm gốm chất lượng cao”, họa sĩ Nguyễn Đăng Vông khẳng định. Ông lý giải, trong khi tất cả các làng gốm nức tiếng Việt Nam đều “gạn đục khơi trong” đất sét để lấy màu tinh chất để làm gốm, thì gốm Luy Lâu lại kết nạp cả những gỗ mục, lá thối hay vỏ sò để làm thành gốm.

Đất sét vùng Luy Lâu sau thời gian ngâm ủ sẽ đem ra nhào nhuyễn rồi đắp sản phẩm. Vì là vùng dâu nên nguyên liệu để làm men gốm cũng từ cây dâu mà ra. Người ta lấy thân cây dâu đốt cùng vỏ sò, ốc rồi tán đều thành bột.

Sau một vài công đoạn công phu khác thì ra chất men sánh màu xanh lục. Khi quết lên gốm, dòng đất Luy Lâu thấu hợp với bột cây dâu làm cho sản phẩm thành màu đặc trưng.

Thấy rõ cơ hội làm sống dậy dòng gốm cổ, họa sĩ Nguyễn Ðăng Vông vận động thành lập hợp tác xã gốm để tập hợp, đào tạo các nghệ nhân cùng chí hướng. Sau hơn 20 năm miệt mài, đến nay, hợp tác xã gốm Luy Lâu đã có hàng nghìn mẫu thiết kế, chế tác sản phẩm gốm mỹ nghệ.

Sống với nghề gốm, nhưng họa sĩ Nguyễn Ðăng Vông không sản xuất đại trà mà đi vào nghệ thuật trang trí đầy sáng tạo. Mỗi tác phẩm của ông luôn độc đáo và gần như độc bản.

Năm 2006, khi tham gia triển lãm do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức để chào mừng các quan khách nước ngoài đến dự Hội nghị APEC lần thứ 14, gian trưng bày của gốm Dâu được nhiều vị nguyên thủ các nước đến thăm và đánh giá cao.

Ngay tại triển lãm, một khách người Mỹ đã mua một số sản phẩm gốm của ông mang về nước. Sau đó, một doanh nhân Mỹ tìm sang đặt lô hàng với số lượng khá lớn. Sau đó, gốm Dâu Luy Lâu đã tạo dấu ấn mạnh trong làng gốm Việt Nam khi chế tác 2.500 pho tượng Phật cho một ngôi chùa lớn ở Ninh Bình.

Những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đăng Vông phải kể đến chiếc ghế gốm màu xanh ngọc có một không hai, đầu rồng thời Lý cùng hàng loạt sản phẩm đạt kỷ lục Guinness. Nhưng có lẽ, với ông thì thành công lớn nhất là hồi sinh được dòng gốm cổ, tái hiện lại quá khứ vàng son của dòng gốm Dâu đã thất truyền nghìn năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.