Hội họa “nâng đôi cánh” văn chương

GD&TĐ - Minh họa cho văn chương là việc làm sáng rõ tác phẩm qua ngôn ngữ hội họa. Người minh họa cũng không đơn thuần là vẽ lại tác phẩm theo mô tả của nhà văn, mà đọc lớp nghĩa văn học trong tác phẩm rồi sáng tạo.

Tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong lần trở lại với diện mạo hoàn toàn mới.
Tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong lần trở lại với diện mạo hoàn toàn mới.

Do đó, những tác phẩm minh họa văn chương cũng là một hoạt động sáng tạo, thậm chí có tác phẩm có đời sống độc lập...

Xu hướng mới cho xuất bản

Việc làm mới tác phẩm văn học kinh điển những năm gần đây trở thành một xu hướng trong ngành xuất bản. Các tác phẩm kinh điển, ngoài giá trị văn chương đã được khẳng định qua thời gian, còn mang giá trị mỹ thuật khi có sự góp mặt của nhiều tác phẩm hội họa đương đại.

Sự gặp gỡ, giao thoa của văn chương và mỹ thuật mang tới sự mới mẻ, hấp dẫn với độc giả hiện đại.

Có thể thấy, từ lâu giữa hội họa và văn chương đã có mối quan hệ khá chặt chẽ, trong đó có kênh minh họa. Qua những tài liệu còn lại tới ngày nay, có thể thấy minh họa văn chương trên sách báo đã có ngay từ những năm trước 1945.

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn khi chia sẻ tại tọa đàm: “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam” mới đây đã dẫn chứng về sự kết hợp giữa tác phẩm hội họa và văn chương trên tờ Phong Hóa và Ngày Nay. Đây là hai ấn phẩm báo chí nổi tiếng những năm 1930.

Có nhiều họa sĩ minh họa, vẽ bìa cho 2 tờ báo này, như Nguyễn Gia Trí - gương mặt lớn của hội họa Việt Nam hiện đại và nhiều tên tuổi lừng danh giai đoạn đầu như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung...

Không chỉ minh họa trên báo chí, minh họa văn chương trong sách, truyện, tiểu thuyết cũng xuất hiện khá sớm. Cuốn “Nguyễn Du văn họa tập” nằm trong tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị Huế xuất bản và in tại Hà Nội năm 1942, Đào Duy Anh biên tập, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ bìa là một trong những cuốn đầu tiên thuộc dòng sách văn học có minh họa.

Tác phẩm có in tranh khắc gỗ của 11 danh họa: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Tôn Thất Đào, Nguyễn Tường Lân... Trong cuốn sách này, “Truyện Kiều” đã thu hút nhiều họa sĩ tài danh thể hiện nhiều góc nhìn xung quanh những biến cố của cuộc đời cô gái tài sắc.

Sách văn chương có minh họa những năm gần đây trở nên phổ biến. Bên cạnh tác phẩm mới, những áng văn có giá trị vượt thời gian được xuất bản, giới thiệu lại, yếu tố mỹ thuật rất được quan tâm chú ý.

Tiểu thuyết “Số đỏ” của ông vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng, từng quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, mới đây, đã được in trở lại với diện mạo mới. Cuốn sách do Công ty Sách Đông A và Nhà xuất bản Văn học ấn hành lần này, bản in của Nhà xuất bản Lê Cường năm 1938, ấn bản đầu tiên có đầy đủ 20 chương của tác phẩm đã được giới thiệu tới công chúng đương đại.

Cuốn sách còn gồm nhiều hình minh họa của họa sĩ Thành Phong, phần nào chuyển tải được tinh thần trào phúng, châm biếm, giễu nhại của tác phẩm, thể hiện với cách nhìn hiện đại.

Sáng tạo mới, sức hút mới

Không chỉ với văn học Việt Nam, mà cả lịch sử văn học thế giới, điều thú vị là tác phẩm văn học lớn, có giá trị trường tồn luôn thu hút sự quan tâm của giới họa sĩ. Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn đưa ví dụ: “Truyện Kiều” không chỉ thu hút giới nghiên cứu, mà còn thu hút giới hội họa trong thời gian dài, ngay tới cả thời điểm hiện tại.

Sáng tác của các tác giả lớn như Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp... cũng vậy. Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, minh họa cho văn chương là việc làm sáng rõ tác phẩm qua ngôn ngữ hội họa.

Người minh họa cũng không đơn thuần là vẽ lại tác phẩm theo mô tả của nhà văn, mà đọc lớp nghĩa văn học trong tác phẩm rồi sáng tạo. Do đó, những tác phẩm minh họa văn chương cũng là một hoạt động sáng tạo, thậm chí có tác phẩm có đời sống độc lập, không phải chỉ là một sản phẩm đi kèm tác phẩm văn chương.

Văn chương được viết từ hàng chục, hàng trăm năm trước vốn có khoảng cách với bạn đọc hôm nay. Qua góc nhìn hội họa, tác phẩm có thể trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp cận độc giả hơn.

Theo họa sĩ Kim Duẩn, người minh họa và vẽ bìa cho rất nhiều tác phẩm văn học, khi xuất bản lại tác phẩm đã có độ lùi thời gian, nếu sách có tranh của họa sĩ ngày nay vẽ, thể hiện nhìn nhận của thế hệ mới, sẽ tạo thêm điểm thú vị hơn là in một tác phẩm vẽ từ lâu.

Ngoài kênh chữ, độc giả còn tiếp cận kênh hình được nhìn bằng con mắt của người hiện đại. Tuy nhiên, khi vẽ minh họa một tác phẩm văn chương đã quá nổi tiếng, lại từ một giai đoạn đã xa, họa sĩ cũng có một số thách thức, như phải vượt qua khoảng cách về văn hóa và lịch sử, để lột tả được tinh thần nhà văn gửi gắm...

Làm mới sách văn học kinh điển không chỉ là trải nghiệm mới cho độc giả, mà còn là sân chơi cho các họa sĩ. Họa sĩ Kim Duẩn cho rằng, sự kết nối hội họa với văn chương, in lại tác phẩm văn học có giá trị với tranh minh họa sớm hay muộn cũng nở rộ, bởi nhu cầu văn chương tốt và minh họa đẹp là rất lớn.

Đây cũng là cách để các tác phẩm mang giá trị đặc sắc tiếp tục có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả và giới sưu tầm sách.

Tập hợp 42 tác phẩm tiêu biểu trong “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, do chính nhà văn lựa chọn và sắp xếp theo thời gian sáng tác cũng được hai đơn vị này cho ra mắt trước đó không lâu. Tác phẩm có phần minh họa của 17 họa sĩ nổi tiếng như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn...
Hay “Lĩnh Nam Chích Quái” - danh tác văn học trung đại ghi lại những chuyện kỳ lạ ở nước Nam, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành lần đầu tiên có tranh minh họa màu, với hơn 200 tranh minh họa, mô phỏng phong cách tranh khắc gỗ dân gian do họa sĩ Tạ Huy Long thực hiện...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ