Hoang sơ Ngòi Hoa

GD&TĐ - Cách cảng Thung Nai khoảng 30 phút đi tàu trên hồ thủy điện sông Đà, bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc là một trong những bản cổ của người Mường đẹp nhất tỉnh Hòa Bình. 

Người dân Thái ở bản Ngòi đang phơi ngô trước nhà
Người dân Thái ở bản Ngòi đang phơi ngô trước nhà

Vẻ đẹp, sự nguyên sơ của thiên nhiên cùng những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Mường vẫn được bảo tồn, phát triển nơi đây chính là tiềm năng, tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch cộng đồng.

Hấp dẫn từ vẻ đẹp hoang sơ

Xuất phát từ cảng Thung Nai, khoảng 30 phút đi tàu, ngắm cảnh đẹp của lòng hồ thủy điện sông Đà, được ví như “Hạ Long trên núi”, tàu đã cập bến Ngòi.

Bản Ngòi đẹp dịu dàng, bình dị như viên ngọc bích giữa những dãy núi đá vôi nguyên sinh. Từ xa đã thấy những nếp nhà sàn mái cọ thấp thoáng trong màu xanh ngút ngàn của những ruộng ngô, vườn cây trái. Bước chân xuống cầu tàu, ngược lên một con dốc cao đã thấy bản Ngòi ngay trước mắt.

Những cô gái, chàng trai Mường trong trang phục truyền thống, nở nụ cười rạng rỡ đón bạn trong tiếng chiêng rộn ràng: Bùng… boong… khầm…, lan xa trên sóng nước. Càng đi sâu vào trong bản phong cảnh càng đẹp và bình yên.

Hiện chỉ có đường thủy đến đảo nên bản Ngòi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Và có lẽ cũng vì thế, bản vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của người Mường, giản dị và nguyên sơ như bao đời nay vẫn thế.

Bản Ngòi xa xưa còn có tên là Bưa Dâm là một trong những bản Mường cổ nhất của tỉnh Hòa Bình. Tại đây, vào năm 1992, các nhà khoa học đã đào được trống đồng Ngọc Lũ. Theo tiếng Mường, “bưa” nghĩa là vạt đất bằng phẳng trên núi cao, còn “dâm” nghĩa là nơi có nhiều cây gỗ lớn hoặc nơi có bóng râm mát mẻ.

Đúng như tên gọi của người xưa, càng đi sâu vào trong bản, càng thấy nhiều khoảng đất bằng, trù phú ngay trên địa hình núi cao, như món quà quý của thiên nhiên ban tặng. Ẩn trong dãy núi đá vôi là những hang động tuyệt đẹp, trong đó có những hang đã được biết đến từ lâu, như động Hoa Tiên - thắng cảnh đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia và có cả những hang động vừa được phát hiện.

Mới đây nhất, hai hang động được nhân dân trong vùng tìm thấy vào tháng 9/2016 và tháng 3/2017, còn chưa kịp đặt tên. Bản Ngòi hiện là nơi sinh sống của gần 90 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mường.

Đánh thức tiềm năng

Phát hiện, đánh giá được tiềm năng về giá trị văn hóa, giá trị đặc hữu về cảnh quan, địa chất của bản Ngòi, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình đã triển khai dự án xây dựng Khu du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng Ngòi Hoa, trong đó, bản Ngòi được thực hiện trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.

Theo anh Trần Văn Vỹ, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình, điểm du lịch cộng đồng bản Ngòi dựa trên văn hóa dân tộc Mường đã đón khách từ 4 tháng nay.

Có thể thấy, ở Hòa Bình có trên 60% dân số là người Mường nhưng chưa có một làng dân tộc nào xứng tầm và biểu trưng cho văn hóa Mường. Khi tìm thấy làng cổ bản Ngòi thì những người làm du lịch quyết xây dựng nó thành điểm đến văn hóa.

Bên cạnh các dịch vụ du lịch khám phá hang động, homestay, bản Ngòi còn được đầu tư, phát triển một số dịch vụ dưới lòng hồ, như tàu du lịch tốc độ cao, xe máy nước bơm hơi, thuyền kayak…

Mới đây, công viên nước bơm hơi đã chính thức được khai trương, đưa vào hoạt động, với hơn 30 cụm trò chơi. Dự kiến, thời gian tới, hệ thống nhà hàng nổi, nhà nghỉ nổi cũng sẽ được hoàn thiện để phục vụ du khách.

Hiện có 7 hộ dân liên kết với công ty để tổ chức loại hình du lịch homestay. Các hộ dân được công ty cho vay vốn không lấy lãi, để xây dựng cải tạo chỗ ở thành những điểm homestay đạt chuẩn.

Anh Bùi Văn Long, một trong 7 hộ dân làm homestay, cho biết, trước khi có du lịch cộng đồng, gia đình anh hàng ngày làm nương rẫy, đánh bắt cá, nuôi gà phụ thêm nhưng kinh tế gia đình vẫn còn khá khó khăn.

Hiện gia đình anh đã đầu tư cơ sở vật chất để đón, phục vụ từ 10 - 15 khách. Anh bảo, lượng khách đang đông dần lên sẽ tạo nguồn thu tốt và ổn định.

Trước khi triển khai dịch vụ, các gia đình đã được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đón khách du lịch cộng đồng và được cấp chứng chỉ.

Chị Bùi Thị Mận cho biết thêm, để đón khách du lịch về nhà ở, các gia đình phải học cách vệ sinh nhà cửa, trải chăn ga, gối đệm sao cho đạt tiêu chuẩn. Ngoài sân thì phải có thùng rác. Các con vật nuôi như chó, gà phải nhốt lại. Có những món truyền thống từ xưa của vùng như: Gà xào măng chua, thịt trâu nấu lá lồm đã nấu thạo còn lại phải học thêm một số món mới để thực đơn phục vụ khách được đa dạng, phong phú hơn.

Mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ngòi đã xác định được văn hóa bản sắc Mường chính là sức hấp dẫn phải bảo tồn.

Chính quyền và nhân dân đã nhận thức được việc phát triển du lịch bền vững, không xâm hại môi trường, ngay từ đầu đã có phương án xử lý chất thải, nước thải, giữ gìn vệ sinh nguồn nước phục vụ an ninh năng lượng.

Cùng với đó, ngành du lịch đã sớm hỗ trợ kỹ năng làm du lịch và cả kỹ năng cứu hộ cho người dân, giúp họ tự tin khi chính mình là người cung cấp dịch vụ du lịch, hưởng lợi từ du lịch.

Bản Ngòi là một trong mười phân khu, điểm du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia lòng hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2014, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình đã đầu tư, triển khai dự án đưa bản Ngòi trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Mường. Đến nay, giai đoạn một của dự án đã hoàn thành, bản Ngòi trở thành điểm đến trong hành trình nối tuyến với các điểm khác, qua tuyến giao thông trên lòng hồ thủy điện như: TP Hòa Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.