Hình ảnh đích thực của Mozart

GD&TĐ - Theo hồi ức của những người đương thời, ngoại hình của Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791), một trong những nhạc sĩ tài năng nhất của mọi thời đại tương đối khác với hình ảnh của ông

Phải chăng đây là chân dung của một người?
Phải chăng đây là chân dung của một người?

Theo hồi ức của những người đương thời, ngoại hình của Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791), một trong những nhạc sĩ tài năng nhất của mọi thời đại tương đối khác với hình ảnh của ông trên những bức chân dung do các họa sĩ đời sau vẽ lại. Vậy, đâu là hình ảnh đích thực của nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo?

Trong ký ức người đương thời

Nếu tập hợp tất cả những gì người đương thời viết về ngoại hình của nhạc sĩ Mozart, chúng ta sẽ rất khó hình dung đâu là con người thật của ông.

Theo các tài liệu ghi lại, Mozart là người rất nhỏ và gầy, đầu to không cân xứng, mũi to, cặp mắt lờ đờ hơi xanh da trời và làn da nhợt nhạt bị rỗ do bệnh đậu mùa hồi bé.

Vẻ mặt của ông liên tục thay đổi. Mozart rất hiếu động: Đứng lên, ngồi xuống đột ngột, thường xuyên di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, loay hoay lấy khăn ăn hoặc đội mũ, tìm kiếm vật gì đó trong túi, sắp xếp lại ghế, gõ ngón tay lên bàn.

Mozart mặc cảm về ngoại hình của mình, nhưng bù lại, ông rất chú ý tới trang phục, có nghĩa, ông là người bảnh bao: Ông liên tục thay tóc giả, mặc những chiếc áo yếm không tay màu đỏ tươi (đặc biệt ông thích màu đỏ) đính những chiếc cúc đẹp và đăng ten.

Mozart không giống Mozart

Nếu bạn muốn biết bức chân dung nào của nhạc sĩ thể hiện rõ nhất ngoại hình của ông và bắt đầu tìm kiếm trên Google, thì sẽ tìm thấy cả một ga-lơ-ry chân dung Mozart hoàn toàn khác nhau.

Nhìn vào những bức chân dung nổi tiếng của nhạc sĩ, vô tình bạn muốn hỏi: Tất cả những người này là ai? Bởi không ai nghĩ rằng đây là chân dung của một người.

Trước hết, lúc sinh thời, Mozart (trừ thời thơ ấu và niên thiếu) không có một bức chân dung chính thức nào. Vì lý do nào đó, ông không đặt hàng cho các họa sĩ.

Có lẽ ông thấy ngại vì ngoại hình của mình (như hiện nay người ta thường nói ông không thích chụp ảnh) hoặc không thích tạo dáng. Do đó, sau khi qua đời Mozart để lại rất ít chân dung (khoảng hơn 10 bức). Qua những bức chân dung này, chúng ta có thể nói: Vâng, đây chắc chắn là Mozart (như kết luận của các chuyên gia thuộc Quỹ Mozart ở Salzburg). 

Những bức chân dung hồi nhỏ

Hồi nhỏ, Mozart luôn luôn được bố mẹ chiều chuộng, bố ông quan tâm tới việc ghi lại hình ảnh của thiên tài trẻ (không ít lúc vì mục đích quảng cáo cậu con trai thần đồng đã đi thao ông khắp châu Âu). Vì vậy ở đây, chúng ta có một số bức chân dung của nhạc sĩ. Đó là những bức chân dung Mozart từ 6 - 14 tuổi.

Rõ ràng, bố của Mozart không hào phóng lắm trong việc vẽ chân dung con trai mình.

Còn đây là bức chân dung cuối cùng của Mozart trong khung cảnh gia đình (chị gái, bố, người mẹ đã khuất dường như cũng có mặt với họ, chân dung bà treo trên tường) được vẽ không lâu trước khi nhạc sĩ rời Salzburg đến Vienna và bắt đầu cuộc sống tự lập. Năm ấy ông 24 tuổi.

Gia đình Mozart (ông ngồi cạnh chị gái). Tranh của Johann Nepomuk della Croce.
Gia đình Mozart (ông ngồi cạnh chị gái). Tranh của Johann Nepomuk della Croce.

Mozart ở tuổi trưởng thành

Sau khi Mozart chuyển đến Vienna và kết hôn, chỉ có một lần duy nhất người ta định vẽ chân dung ông bằng sơn dầu. Anh vợ của ông, Joseph Lange - một họa sĩ nghiệp dư, muốn vẽ chân dung của ông và Constanze (vợ của nhạc sĩ) dựa trên những bức tiểu họa trước đó.

Joseph Lange dự định vẽ Mozart đang ngồi bên đàn piano. Nhưng vì một lý do nào đó, ông chỉ vẽ chân dung của Constanze, còn Mozart lại không gặp may, bức chân dung của ông vẫn còn dang dở.

Kể từ đó, tất cả những bức chân dung Mozart đều ở dạng tiểu họa hoặc nhìn nghiêng.

Mozart sau khi qua đời

Sau khi Mozart đột ngột qua đời, danh tiếng của ông càng ngày càng trở nên lừng lẫy. Nếu như lúc sinh thời, ông là một trong những nhạc sĩ lớn của Vienna, sau khi mất Mozart đã vượt qua tất cả những người đương thời và trở thành nhạc sĩ kinh điển vĩ đại.

Thì ra nhân loại vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận hình ảnh của ông, được mô tả lúc sinh thời. Phải chăng người đàn ông nhỏ bé tóc để bím, chiếc mũi dài và cái cổ ngắn này là Mozart yêu quý của chúng ta? Dĩ nhiên là không.

Và một chiến dịch chỉnh sửa Mozart bắt đầu. Người ta bắt đầu vẽ những bức chân dung mới, in những tấm bưu thiếp, trên đó Mozart được mô tả không như trong thực tế, mà như mọi người mong muốn.

Chẳng hạn như bức chân dung Mozart nổi tiếng mặc áo yếm đỏ không tay được vẽ sau khi nhạc sĩ qua đời vốn rất quen thuộc với mọi người. Nó được nữ họa sĩ người Áo, Barbara Krafft vẽ 28 năm sau khi nhạc sĩ qua đời. Chưa bao giờ nhìn thấy Mozart, bà chỉ đơn giản là sao chép hình ảnh ông từ bức chân dung gia đình của họa sĩ Johann Nepomuk della Croce.

So sánh bức chân dung này với chân dung Mozart trong bức tranh gia đình, ta thấy nữ họa sĩ đã loại bỏ sự thiếu tự tin trong cái nhìn của nhạc sĩ, bà vẽ vai rộng hơn, nước da đỏ đắn hơn, chỉnh sửa tư thế của nhạc sĩ và thêm một lọn tóc trên bộ tóc giả của ông.

Trong bức chân dung, Mozart là một người đàn ông điển trai, ăn mặc sang trọng, thậm chí hơi kiêu hãnh.

Đây chính là hình ảnh Mozart mà mọi người mong muốn. Giờ đây, ông xuất hiện trên những cuốn lịch, trong các cuốn tiểu sử của Mozart, trong sách giáo khoa âm nhạc, trên các tủ trưng bày, hộp bánh kẹo, bình hoa...

Ở Salzburg, thậm chí người ta còn bán những con búp bê in chân dung Mozart. Vào thế kỷ XX, Mozart đã trở thành một thương hiệu. Chân dung ông được in trên hộp kẹo, bao thuốc lá...

Giả thay cho thật

Sang thế kỷ XXI, câu chuyện về những bức chân dung mới của Mozart vẫn tiếp diễn. Thỉnh thoảng, không biết từ đâu, những bức chân dung của ông suốt 200 năm lặng lẽ treo trong các bảo tàng mỹ thuật và bộ sưu tập tư nhân, lại xuất hiện, và sau đó bỗng nhiên có ai đó chợt nghĩ rằng người được miêu tả trên đó không ai khác ngoài Mozart.

Trí tưởng tượng của mọi người bị kích thích bởi trong trường hợp được các chuyên gia phù phép, những bức chân dung này sẽ tăng giá lên hàng trăm lần.

Quy trình phù phép xem ra thật kỳ quặc. Nếu Mozart viết trong một bức thư của mình rằng, ông muốn có một chiếc áo yếm màu đỏ với những chiếc cúc khảm xà cừ, thì điều đó có nghĩa là quý ông khoác áo yếm đỏ trên bức chân dung này chính là Mozart. Mũi to, đầu đội tóc giả, bạn còn cần gì nữa?

Trong khi đó, người đàn ông đẹp trai không trẻ lắm trong những bức chân dung được vẽ sau khi nhạc sĩ qua đời, hóa ra, cũng là Mozart.

Các chuyên gia giải thích, ở đây Mozart trông già hơn tuổi, vì ông thường đau ốm và có lối sống phóng đãng (mặc dù, sinh thời, dường như Mozart không bị bệnh gì đặc biệt, thậm chí rất ít khi ông phàn nàn ăn không ngon miệng).

Kết quả là hình ảnh Mozart nhỏ bé, khiêm nhường và xấu trai bị đẩy vào bóng tối, còn người đàn ông giả điển trai trong những bức chân dung được vẽ sau khi nhạc sĩ qua đời đã chiếm vị trí trong tâm trí chúng ta. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ