Hắt hiu rạp Thánh Gióng

GD&TĐ - Dù đang giữa những ngày hè nhưng rạp Thánh Gióng vẫn hắt hiu vì vắng khách. Có khi cả tháng, rạp mới được đón 1 - 2 đợt khách theo hợp đồng tham quan khu sản xuất và xem phim.

Hiện nay, mỗi tháng rạp Thánh Gióng chỉ đón 1 - 2 đợt khách hợp đồng. Ảnh: TG
Hiện nay, mỗi tháng rạp Thánh Gióng chỉ đón 1 - 2 đợt khách hợp đồng. Ảnh: TG

Ngày một hắt hiu…

Rạp Thánh Gióng tọa lạc ở vị trí khá trung tâm của Hà Nội - trên đường Trần Phú, cận kề với khu phố cổ đông đúc dân cư. Thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, rạp Thánh Gióng được khai trương từ tháng 1/2014.

Có thể nói, ở thời điểm khánh thành, rạp Thánh Gióng đã đem đến cho công chúng biết bao sự hứng khởi vì đây là rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên ở Việt Nam. Giới truyền thông đã đặt nhiều kỳ vọng về “mùa hy vọng mới cho phim hoạt hình”, “giấc mơ một rạp chiếu phim hoạt hình thành hiện thực”, “đưa phim hoạt hình Việt Nam đến với công chúng”…

Khi đó, phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cũng đã gửi gắm: “Rạp phim Thánh Gióng chính thức mở cửa đồng nghĩa với việc các em nhỏ có một địa điểm tin cậy để có thể đến xem những bộ phim mình yêu thích. Tuy nhiên, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, đơn vị quản lý rạp, cần có kế hoạch quảng bá tuyên truyền để kéo khán giả đến rạp, để hoạt hình Việt Nam có thể đứng được ở Việt Nam”.

Còn ông Đặng Vũ Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì nhấn mạnh: “Với việc khai trương rạp Thánh Gióng, hàng trăm bộ phim hoạt hình Việt Nam sẽ có cơ hội được đến gần hơn với công chúng, để “bàn tiệc” điện ảnh cho thiếu nhi vốn nghèo nàn bao năm nay sẽ được cải thiện phần nào”.

Vậy nhưng, sau 5 năm đi vào hoạt động, những kỳ vọng và gửi gắm ấy có lẽ khó thành hiện thực khi càng ngày rạp càng vắng khách.

Thực ra, ở thời điểm mới khai trương, rạp đã tổ chức được các suất chiếu thường xuyên vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Sau hai tuần chiếu miễn phí mừng khai trương, những buổi đầu, các suất chiếu bán vé còn thưa vắng khách. Nhưng đến mùa hè năm 2014, khi rạp khởi động chương trình phim “Mùa phim hè 2014” với giá vé ưu đãi: 30.000/vé cho trẻ nhỏ và kèm 1 người lớn thì hầu như các suất chiếu đề kín rạp - 150 chỗ.

Từ đây, “kho phim” với hàng trăm phim được hãng sản xuất trong hơn 50 năm có dịp được “khoe” với khán giả, trong đó có nhiều bộ phim giành giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc, Bông sen vàng, Bông sen bạc…

Sang đến năm 2015, dù vẫn duy trì chiếu phim hè nhưng rạp chỉ còn 1 suất chiếu cố định vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Rồi suất chiếu cố định này cũng không thể duy trì cho mùa hè năm 2016 để đến ngày 2/1/2017, trên Facebook của rạp chính thức đăng tải thông báo: Rạp Thánh Gióng hiện chỉ phục vụ các buổi chiếu tập thể, chiếu phim theo hợp đồng.

Rạp Thánh Gióng không thể chiếu phim 3D khi cơ sở vật chất giống một hội trường hơn là một rạp chiếu phim. Ảnh: TG
Rạp Thánh Gióng không thể chiếu phim 3D khi cơ sở vật chất giống một hội trường hơn là một rạp chiếu phim. Ảnh: TG 

Không kinh doanh, chỉ phổ biến phim

Là người trực tiếp phụ trách kinh doanh và dịch vụ của công ty, Phó Tổng giám đốc, đạo diễn Bùi Mạnh Quang cho biết, sau khi khai trương, rạp đã được khai thác bán vé một năm.

Ban đầu, lượng khách khá đông, có suất chiếu kín cả trăm chỗ. Nhưng càng về sau lượng khách càng giảm, bộ phận kinh doanh phải gom khán giả mua vé cả tuần để tập trung vào một suất chiếu. Cách làm này những mong cầm cự để rạp có thể đỏ đèn hàng tuần nhưng sau không thấy hiệu quả nên đã phải bỏ và thay bằng việc chỉ nhận chiếu hợp đồng.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng (dịp hè) có 1 - 2 suất chiếu hợp đồng. Khách hàng phần lớn là những học sinh mầm non và tiểu học đến từ các câu lạc bộ hoặc các trường tư thục. Có một điểm khác là ở các suất chiếu hợp đồng này, cùng với xem phim, các khán giả nhí còn được tham quan các khâu sản xuất phim hoạt hình tại hãng. Mức giá hợp đồng bao rạp dao động từ 3 - 5 triệu đồng, tùy theo nhu cầu tham quan trải nghiệm thực tế.

“Cái khó nhất hiện nay là hãng chưa có phim đủ thời lượng (60 - 90 phút) để chiếu rạp. Những năm qua, các phim được chiếu chỉ có thời lượng chừng 10 phút/phim. Vì thế, để quáng bá phim cho một suất chiếu có đến 5 phim với đủ đề tài: Đồng thoại, lịch sử, giải trí, viễn tưởng… là không dễ. Trước đó, chúng tôi cũng rất nỗ lực để làm việc này nhưng thực sự không hiệu quả vì mỗi độ tuổi sẽ có nhu cầu thưởng thức khác nhau và dễ gây khó chịu vì sự vụn vặt.

Ngoài ra, hệ thống máy chiếu của rạp không tích hợp được tính năng chiếu online vậy nên không thể tổ chức chiếu phim bộ của nước ngoài khi họ chỉ phát hành bằng hình thức online” - Đạo diễn Bùi Mạnh Quang nói.

Trong khi đó, đạo diễn, NSƯT Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: “Địa chỉ số 7 Trần Phú là nơi sản xuất phim hoạt hình là chính. Còn rạp Thánh Gióng được khai thác không đặt mục đích kinh doanh lên hàng đầu mà chỉ để phổ biến phim hoạt hình Việt Nam đến các cháu thiếu nhi vào dịp hè, tết Trung thu...”.

Trước thắc mắc vì sao rạp Thánh Gióng dường như không giống một rạp chiếu phim mà giống như một hội trường để họp, ông Tuấn cho hay: “Rạp Thánh Gióng bản thân không phải là nơi chiếu phim vì không có chỗ để xe, không có tổ hợp dịch vụ ăn uống, khu ngồi chờ… Với trang thiết bị bên trong như hiện nay, rạp cũng không thể chiếu phim 3D. Nếu để kinh doanh thì phải đầu tư cải tạo phòng chiếu”.

Cũng theo ông Tuấn, hãng có bộ phận kinh doanh, ai đặt hàng thì qua điện thoại trên trang web của hãng để được sắp xếp các buổi chiếu. Các cán bộ kinh doanh không thể đi tiếp thị từng nơi, vì mọi người toàn kiêm nhiệm. Ngoài rạp Thánh Gióng, mấy năm qua bộ phận phát hành còn đẩy mạnh hợp tác với YouTube và hãng cũng đã dành nút bạc khi có nhiều phim thu hút hàng triệu lượt xem.

“Năm nay, hãng tròn 60 tuổi, giữa muôn cái khó về mọi mặt, đặc biệt là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cũ kỹ, chúng tôi vẫn đang rất nỗ lực mỗi năm sản xuất khoảng 160 phút phim hoạt hình theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Những thước phim này được các nghệ sĩ tâm huyết sáng tạo, ngày càng phong phú về đề tài, sinh động về hình thức. Chúng tôi vẫn luôn mong muốn làm sao để trẻ em được đến rạp và làm sao duy trì được ngọn lửa hoạt hình cháy mãi…”, đạo diễn, NSƯT Phạm Ngọc Tuấn bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ