Hải đăng Hòn Dấu - “con mắt biển” hơn 100 tuổi

GD&TĐ - Ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng có ngọn Hải Đăng lâu đời nhất Việt Nam với hơn 100 năm tuổi. Trải qua những thăng trầm lịch sử, hải đăng đảo Hòn Dấu vẫn giữ vẹn nguyên nét đẹp sơ khai khi được bao bọc bởi rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cổ thụ.

Hải đăng đảo Dấu nhìn từ xa. Ảnh: IT
Hải đăng đảo Dấu nhìn từ xa. Ảnh: IT

Bền bỉ soi đường

Từ bến Nghiêng (quận Đồ Sơn), phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy ngọn hải đăng sừng sững trên đảo Hòn Dấu. Mất chừng 10 phút đi thuyền, du khách sẽ đến được với ngọn hải đăng đầu tiên được người Pháp xây dựng tại Việt Nam.

Được xây dựng từ năm 1892, đến năm 1898 chính tức vận hành, hải đăng đảo Dấu cao 22,7m và rộng trung bình 5m có nhiệm vụ quan trọng trong việc thông báo vị trí đảo Dấu, giúp tàu thuyền định hướng ra vào cảng Hải Phòng.

Với khả năng chiếu sáng trong phạm vi 22 hải lý gồm chớp đèn và ánh sáng trắng chu kì 15 giây/nhịp, hải hăng đảo Hòn Dấu từng mang trong mình trách nhiệm cao cả, bền bỉ soi đường dẫn lối cho những đoàn tàu không số qua hai thời kì chống Pháp và chống Mỹ đầy cam go, oanh liệt.

Mặc dù cách đất liền không xa, nhưng đảo Hòn Dấu như một thế giới riêng khi mang một vẻ đẹp nguyên sơ với rừng nguyên sinh quý hiếm được tạo nên bởi những cây si, cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi. Những cây cổ thụ khổng lồ có thân leo chằng chịt trổ rễ sâu bám chắc vào lòng đất tỏa bóng khắp một vùng không gian rộng lớn, khiến đảo Dấu như một chiếc điều hòa khổng lồ tạo nên bầu không khí thanh mát.

Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm hải đăng Hòn Dấu (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc), chúng tôi hướng về hải đăng đảo Dấu - một tòa nhà 2 tầng bề thế. Chính giữa tòa nhà là tháp đèn có 5 tầng, đỉnh đèn cao 140m tính từ mặt nước biển, ánh sáng chiếu xuyên không trung và phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Qua 125 bậc thang gỗ tới đỉnh tháp đèn, khách thăm quan có thể ngắm toàn cảnh đảo Dấu. Phóng tầm mắt là cảnh biển Đồ Sơn với hình ảnh những đoàn thuyền đánh cá căng buồm ra khơi giữa sóng nước mênh mông, làn gió biển ùa về mang hơi ấm, vị mặn mòi của biển và cả hơi thở cuộc sống khiến cho bức tranh trên đảo Dấu thêm phần sinh động.

Được bao bao bọc ở giữa, ngọn hải đăng kiến trúc thời Pháp có bề ngoài đơn giản và không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, bên trong lại ẩn chứa rất nhiều điều đặc biệt mà những ngọn hải đăng khác không có. Đó chính là căn phòng truyền thống với rất nhiều cây đèn biển; hệ thống hầm ngầm phục vụ cho những ngày kháng chiến chống Mỹ và vết tích đường ray hạ thủy của những con tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược năm xưa.

Lịch sử còn lưu, năm 1964, đất nước vẫn trong thời kỳ chiến tranh, hải quân và không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, các cán bộ công nhân Ty Bảo đảm hàng hải (nay là Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc) đã gấp rút xây dựng hệ thống hầm ngầm trên đảo, giúp bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền chở hàng vào cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai. Nhờ công lao hy sinh thầm lặng của các cán bộ, công nhân của công ty, những đoàn tàu không số đã lên đường tiếp viện cho đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, góp phần giải phóng đất nước. Đến nay, tại đảo Dấu vẫn giữ nguyên dấu tích của hầm ngầm, dấu tích đường ray hạ thủy những con tàu không số.

Trong chiến tranh phá hoại, Hòn Dấu - Đồ Sơn cũng là mục tiêu ném bom ác liệt của máy bay Mỹ. Trải qua hơn 100 trận oanh tạc, hải đăng Hòn Dấu chưa lúc nào ngừng sáng. Năm 1967, cây đèn bị bom Mỹ đánh đổ. Tiếp tục, một cây đèn khác được xây dựng. Đêm đêm, hải đăng Hòn Dấu – “mắt ngọc” của Tổ quốc - vẫn nháy sáng soi đường, chỉ lối cho tàu bè qua lại. Năm 1986 đèn được xây dựng lại trên nền móng cũ và năm 1995 được sửa chữa, khôi phục theo hình dáng ban đầu.

Tất cả những dấu tích còn lưu lại tại đảo Dấu đều là minh chứng cho một thời oanh liệt của các công nhân giữ đèn, thắp đèn nơi đây. Họ đã góp một phần công sức “bảo đảm an toàn cho tàu của các nước XHCN chở hàng vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai viện trợ cho Việt Nam, phục vụ đoàn tàu không số tiếp vận cho đồng bào miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, tấm bia cắm ở cửa hầm, ngay bên đường dẫn lên cột hải đăng đã ghi rất rõ nội dung này.

Dù hơn 100 tuổi nhưng hải đăng Hòn Dấu luôn khoác “tấm áo” mới. Ảnh: Nguyễn Dịu
  • Dù hơn 100 tuổi nhưng hải đăng Hòn Dấu luôn khoác “tấm áo” mới. Ảnh: Nguyễn Dịu

Nét cổ kính, linh thiêng

Sự linh thiêng của đảo Hòn Dấu còn phát xuất từ đền thờ Nam Hải Thần Vương - một vị võ tướng đời nhà Trần. Theo truyền thuyết, sau cuộc chiến đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân nhìn thấy một tử thi cụt đầu trôi dạt vào đảo. Với trang phục của ngài, người dân biết được đó là tướng nhà Trần tử trận. Nhân dân liền đắp mộ lập đền thờ ngay trên đảo. Tương truyền rằng thần Nam Hải Đại Vương rất linh thiêng, người xưa ghé qua đây đều hạ buồm, vào đền dâng hương tế lễ.

Ngày nay, cứ vào ngày 10/2 âm lịch, ngư dân khắp các vùng duyên hải Bắc Bộ thường kéo về đảo Hòn Dấu để tế lễ, cầu xin Nam Hải Thần Vương phù trợ một năm yên lành, đánh bắt được nhiều tôm cá. Ngày 8/2 âm lịch hằng năm cũng là dịp các ngư dân mở lễ tạ và ngủ một đêm trên đảo để hưởng lộc của thần.

Hiện nay, nhiều du khách thập phương biết đến đảo Dấu, hàng nghìn người dân khắp mọi miền Tổ quốc về với đảo Dấu để chiêm bái ngôi đền nhỏ, chạm khắc cầu kỳ thờ Nam Hải Thần Vương và ngắm vẻ đẹp vững chãi của ngọn Hải Đăng và tận hưởng không khí trong lành của rừng nguyên sinh. Người Đồ Sơn yêu hòn đảo này và cũng xem trọng nơi đây như một cõi thiêng nên rất ý thức trong việc gìn giữ vào bảo tồn nét đẹp nguyên sơ, cổ kính nơi đây.

Hiện nay, hải đăng Hòn Dấu vẫn đêm đêm là nhiệm vụ “mắt thần” trên biển chỉ đường ra vào các cảng biển khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh và các phương tiện hàng hải trên các tuyến luồng khu vực vịnh Bắc Bộ. Và ở đó ta không quên nhắc đến những nhân viên của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc ngày đêm làm nhiệm vụ giữ đèn, thắp đèn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...