Giới trẻ với sách: Những tín hiệu đáng mừng!

GD&TĐ - Sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, gồm cả mặt tiêu cực và tích cực. Có ý kiến cho rằng, một trong những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất chính là xuất hiện tình trạng sa sút trong văn hóa đọc của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Cần khắc phục những tồn tại để kéo người trẻ trở lại với niềm đam mê đọc sách (Ảnh minh họa)
Cần khắc phục những tồn tại để kéo người trẻ trở lại với niềm đam mê đọc sách (Ảnh minh họa)

Những tín hiệu tích cực

Một lượng lớn người có mặt trong Hội sách ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) nhân Ngày sách Việt Nam vừa qua là học sinh, sinh viên, có thể coi là một tín hiệu đáng mừng về sự quay trở lại với đam mê đọc sách của một bộ phận người trẻ.

Ngoài việc sắm những cuốn sách phù hợp độ tuổi, có rất nhiều bạn trẻ chọn trở thành chủ sở hữu những cuốn sách quý như “Bố già”, “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”....

"Không quan trọng chúng ta đọc gì, mà quan trọng là sau khi đọc, chúng ta đọng lại được những gì". Sách - ngoài việc cung cấp kiến thức còn một chức năng khác, đó là giải trí.

Bởi vậy, những người trẻ lựa chọn sách hợp với lứa tuổi là điều dễ hiểu và không thể vì thế mà đánh giá rằng văn hóa đọc của họ đang trở nên “xuống cấp”.

Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ thờ ơ với sách, một phần bởi sự thiếu định hướng nhu cầu nắm bắt kiến thức của chính họ. Cùng với đó là vấn đề kiểm duyệt in ấn sách còn chưa hoàn toàn chặt chẽ, nhiều kẽ hở, chạy theo thị trường... khiến chất lượng nội dung khó thuyết phục người trẻ tìm đọc.

Đa dạng môi trường cho văn hóa đọc phát huy

Để khắc phục thực trạng trên, trước tiên cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục văn hóa đọc trong nhà trường. Chính những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa vốn đã có những điểm khác so với suy nghĩ của người trẻ, cần được chú trọng từ phương pháp giảng dạy để bài giảng trở nên lôi cuốn hơn, không còn máy móc khô khan dẫn đến tình trạng học đối phó, học chỉ để thi của học sinh.

Bên cạnh đó, việc rèn thói quen đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Người lớn cần khuyến khích và định hướng con trẻ ngay từ nhỏ để tạo cho con niềm đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc.

Mỗi người cần phải ý thức tự hình thành thói quen đọc, lấy phương tiện nghe nhìn để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, khơi dậy đam mê đọc sách, từ đó hiểu hơn về lợi ích của việc đọc sách.

Trong quá trình giao lưu và tiếp thu văn hoá, cần phải ngăn lại sự xâm nhập ồ ạt của những hiện tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, siết chặt kiểm duyệt bằng những chế tài xử phạt nghiêm khắc để “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Với mỗi cá nhân, văn hóa đọc chính là tập hợp các kĩ năng đọc sách của họ. Để nâng cao kĩ năng đó, mỗi người cần lựa chọn đề tài sách phù hợp với bản thân, định hướng tài liệu cần tham khảo, từ đó vận dụng được những kiến thức từ sách vào thực tế cuộc sống. 

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…