Giới trẻ thử sức với nhạc kịch

GD&TĐ - Mặc dù được ảnh hưởng từ trào lưu thế giới, xong những gì mà các nghệ sĩ trẻ thể hiện trong thời gian mới đây đã cho thấy nhạc kịch không còn xa lạ với công chúng. 

Giới trẻ thử sức với nhạc kịch

Với những nỗ lực không ngừng, các nghệ sĩ đã mang đến cho thể loại này những dấu ấn mới mẻ rất Việt Nam. Sự xuất hiện của các dự án nhạc kịch cũng là minh chứng cho những tìm tòi sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ.

Vẫn còn mới mẻ

Nền nhạc kịch của thế giới được biết đến với bề dày hàng trăm năm tuổi, đặc biệt thể loại này được phát triển tại các nước châu Âu. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc với ngôn ngữ hội thoại trong kịch. Tại Việt Nam, nhạc kịch xuất hiện muộn và ít được khán giả biết đến. Vài năm trở lại đây nhờ sự tâm huyết của các nghệ sĩ trẻ mà một số tác phẩm và dự án nhạc kịch có chất lượng đã được ra mắt trong sự chào đón nồng nhiệt của khán giả.

Bên cạnh những vở nhạc kịch nổi tiếng trên thế giới như Kẹp hạt dẻ, Hồ thiên nga, thì một số nghệ sĩ Việt Nam đã thử sức dàn dựng những vở nhạc kịch mang đậm phong vị Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là điều không mấy dễ dàng. Bởi nhạc kịch không phải là một loại hình âm nhạc dễ tiếp nhận và có thể thực hiện một cách dễ dãi, theo thị hiếu. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ sự tìm tòi, say mê, đơn độc và cả sự hy sinh.

Sự xuất hiện của nhạc kịch, vũ kịch và những thể loại âm nhạc đẳng cấp, hàn lâm được đại chúng hóa là một dấu hiệu tốt đẹp, nó làm phong phú hơn thị trường âm nhạc Việt, và cũng cho thấy gu âm nhạc của khán giả Việt đang dần chuyển biến về hướng tích cực, đi cùng xu thế của quốc tế. Nhờ sự nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ mà nhiều công chúng được biết đến và hiểu rõ hơn về thể loại này. Và như vậy đời sống văn hóa của công chúng cũng phong phú hơn.

Hiệu ứng ngoài sự mong chờ

Bên cạnh các vở nhạc kịch Cây sáo thần, Carmen, Tấm Cám, Tình ca phố… thì dự án nhạc kịch trong tháng 10 mới đây có cái tên thuần Việt Chuyện tình nàng Giáng Hương đã thu hút sự quan tâm đông đảo của khán giả.

Cũng trong cùng thời điểm cuối năm 2016 và đầu 2017, tại Việt Nam lại có một dự án nhạc kịch gồm 3 vở Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng và Mộng ước không xa vời được diễn liên tục trên sân khấu L’Espace trong tổng cộng 35 đêm. Bất ngờ hơn khi nó không được nhào nặn bởi bàn tay của bất kỳ đạo diễn gạo cội nào, càng không có sự góp mặt của những ngôi sao diễn viên, dự án nhạc kịch mang tên Hope này do đạo diễn trẻ sinh năm 1991 Nguyễn Phi Phi Anh dàn dựng cùng dàn diễn viên nghiệp dư. 2.000 vé đã được bán hết ngay sau đêm đầu tiên trình diễn đã ghi nhận giá trị nghệ thuật cũng như sức nóng của vở diễn.

Vở diễn mang tên Mộng ước không xa vời sắp tới sẽ có 22 đêm diễn bắt đầu từ tháng 1/2017 tại sân khấu Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật thì, sân khấu Việt Nam rất khó thay đổi, cũng rất khó để khán giả bỏ tiền đến xem nhạc kịch hay các môn nghệ thuật truyền thống, cổ điển. Các sân khấu nhạc kịch tại Hà Nội bây giờ cũng rất khó làm 1 chuỗi chương trình dài hơi đến 35 đêm diễn như Phi Phi Anh. Tuy nhiên Phi Phi Anh đã làm được điều kỳ diệu này.

Cách đây 4 năm, Nguyễn Phi Phi Anh cũng từng làm bùng nổ sân khấu nhạc kịch nước nhà với vở diễn Góc phố danh vọng. Khi ấy, Phi Phi Anh chỉ mới 21 tuổi, còn đang là sinh viên đại học năm nhất. Vở diễn Góc phố danh vọng là câu chuyện tình tay ba của con tuần lộc hóa thành người Rudolph với cô ca sĩ thiếu tài thừa tham vọng Roxanne cùng chàng hoàng tử Flint được đạo diễn Phi Anh thay đổi một số tình tiết, lời thoại.

Đêm hè sau cuối lại lấy cảm hứng từ những cuốn tiểu thuyết của Agatha Christie và bộ truyện tranh Thám tử lừng danh Conan. Đây là vở nhạc kịch trinh thám với nội dung xoay quanh những cái chết bí ẩn trong ngôi nhà của bà Thìn. Vở kịch đã biến mỗi khán giả thành một thám tử Conan, cùng hồi hộp theo dõi những tình tiết để tìm ra hung thủ, khám phá ra sự thật đầy bi kịch nhưng cũng chứa đựng nhiều triết lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ