Gần 10.000 hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

GD&TĐ - Bảo tàng Văn học Việt Nam được xây dựng năm 2011 với diện tích gần 4.000m2 ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bảo tàng hiện đã sưu tầm được gần 50.000 hiện vật, và đã trưng bày được gần 10.000 hiện vật. Di sản của nền văn học Việt Nam tuy chưa đầy đủ nhưng được trân trọng gìn giữ trong căn nhà bề thế hiện đại, kiến trúc đẹp gồm 7 tầng tọa lạc bên bờ Hồ Tây.

Gần 10.000 hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Về văn học truyền miệng: tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, tiếu lâm, giai thoại… đã được sưu tầm, in ấn khá đầy đủ, đó là công trình của các nhà sưu tầm nghiên cứu chủ yếu từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay như Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diện… đều có mặt tại Bảo tàng. Về cách trình bày, các nhà chuyên môn đã khéo kết hợp kỹ thuật mang tính folklore để nêu bật đặc trưng Văn học dân gian là phản ánh thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh của nhân dân lao động mang nội dung dân chủ và tính nhân văn sâu sắc.

Về văn học viết, mở đầu là văn học thời Lý - Trần, đặc biệt là thời Trần khá phong phú: văn chính luận như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Thất trảm sớ” của Chu An, “Sớ” của Lê Tích, Trương Đỗ, “Vạn ngôn thư” của Lê Cảnh Tuân. Văn khảo cứu về binh học như “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Trần Quốc Tuấn, về Nho học như “Tứ thư” của Chu An, “Minh đạo” của Hồ Quý Ly, về Phật học như “Khóa hư lục” và “Thiền tông chi nam” của Trần Thái Tông. Về thần tích và truyện cổ như: “Việt điện u linh”, “Lĩnh nam chích quái”…

Hiện vật, hình ảnh và mô hình được trình bày xen kẽ khá sinh động, hấp dẫn người xem. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với bức tượng vua Trần Nhân Tông được mô phỏng theo bức tượng cổ ở Bắc Ninh. Sau đại thắng Nguyên Mông, ông đã nhường ngôi cho con rồi lên núi Yên Tử tu hành lúc còn trẻ mới 35 tuổi, ở bức tượng này, ông vận thiền phục mầu nâu sồng, đi guốc mộc. Ông có nhiều tác phẩm văn học giá trị như “Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, “Tăng giả toái sự”, “Thạch thất mỵ ngữ”, “Đại hương hải ẩn thi tập”, “Trần Nhân Tông thi tập”, “Trung hưng thực lục”…

Nhìn chung, mở đầu cho văn học viết thời này, người xem đã thấy khá tương xứng với sự lớn mạnh của dân tộc, nội dung phong phú, lời văn có nhiều hình tượng. Với những đề dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, người xem có thể tự hào về nền văn học viết cách nay mười thế kỷ giờ chiêm ngưỡng, đọc lại thấy tràn đầy cảm xúc và rung động tâm can.

Góc trưng bày tác phẩm, kỷ vật của nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao

Góc trưng bày tác phẩm, kỷ vật của nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao

Văn học thời Lê sơ, thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được tôn vinh ở vị trí đặc biệt với tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” và nhiều áng thơ văn trác tuyệt: “Ức Trai tập”, “Gia huấn ca”. Người xem còn gặp ở đây hình ảnh và tác phẩm của các bậc tài danh: Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Lương Thế Vinh với thi văn và toán pháp vận dụng vào thực tiễn đời sống; Nguyễn Bảo Khuê, Nguyễn Đức Huấn, Phạm Trí Khiêm với với những tâm tư sâu lắng về thời cuộc…

Sang thế kỷ 15, 16 Văn học chữ Nôm đã phát triển và khá phổ biến tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với những tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm và cùng nhiều thể loại phong phú nhất là di ngôn và sấm ký trong đó nhiều câu sấm còn được dân gian vận vào nhiều sự kiện ngày hôm nay khá chính xác.

Thời này cũng xuất hiện nhiều áng văn chương khuyết danh: “Trạng Quỳnh”, “Lưu Bình Dương Lễ”… với nội dung hướng tới cái thiện, chống cái ác. Không ít truyện dài viết bằng thể thơ dân tộc có bố cục tương đối khúc chiết, vần điệu chặt chẽ, uyển chuyển dễ phổ biến trong nhân dân.

Thế kỷ 17, 18 văn học chữ Nôm phát triển cực thịnh với tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Người xem dừng lại chiêm ngưỡng câu thơ trích trong “Truyện Kiều” được đúc chữ nổi gắn trang trọng ở sảnh giữa bằng chữ Nôm và Quốc ngữ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” như một phương châm sống và viết của các thế hệ văn nhân Việt Nam. Tôi đã để ý thấy nhiều người xem dừng lại bồi hồi xúc động ngắm nhìn chiếc bàn viết của Nguyễn Du được sưu tầm từ căn nhà hồi ông sống ở Thái Bình.

Các tác giả Nguyễn Huy Tự, Đoàn Thị Điểm với những tác phẩm chép tay, in mộc bản bằng giấy dó từ hàng trăm năm trước khiến người xem rưng rưng xúc động. Đặc biệt khu vực của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với những tác phẩm tiêu biểu được trình bày, minh họa hợp với nội dung trào lộng khiến một góc bảo tàng rộn rã hẳn lên với những nụ cười thầm và cười ra tiếng.

Tương tự, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú uyên thâm, Nguyễn Đình Chiểu căm thù giặc, đau đời; Nguyễn Khuyến, Tú Xương hào sảng và lãng tử cũng được thể hiện khá sâu sắc, tự nhiên, tươi tắn.

Cảnh lớp học thời xưa, cảnh sĩ tử lều chõng đi thi… cũng được các nhà điêu khắc, họa sĩ tái hiện bằng mô hình rất sống động.

Bảo tàng cũng thể hiện rõ sự sang trang mới của văn học Việt nam ở đầu thế kỷ 20: thoát khỏi ảnh hưởng hàng nghìn năm của văn học Trung Hoa chuyển sang ảnh hưởng văn học Châu Âu; chữ Hán Nôm được thay bằng chữ Quốc ngữ.

Các nhà văn Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới đã mở đầu những trang văn thơ mới mẻ tinh khôi, cất lên tiếng nói khát vọng tự do, đổi thay xã hội. Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Hải Triều, Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam… với những tác phẩm lừng lẫy một thời. Người xem cũng gặp ở đây những số tạp chí Phong Hóa được sưu tầm khá đầy đủ.

Phong trào Thơ Mới rầm rộ và bừng sáng một thời với những nhà thơ tài năng: Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ…, những tác phẩm xuất bản thời ấy được lưu giữ trang trọng trong tủ kính khá ấn tượng. Đặc biệt, nhà thơ Hàn Mặc Tử cuộc đời ngắn ngủi bi thương vậy mà ông có không ít những nàng thơ thoảng qua cuộc đời ông và cũng được bảo tàng lưu hình ảnh rất trân trọng: Hoàng Thị Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương.

Văn học cách mạng, hiện thực và kháng chiến chống Pháp là một đỉnh cao mới được Bảo tàng trình bày nổi bật với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Kim Lân cùng với phần lớn các nhà văn nhà thơ từng nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám mà phần trên đã nhắc tới.

Xuất hiện đông đảo, hùng hậu, đa sắc diện là lớp nhà văn kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm của họ được trình bày kèm theo nhiều hiện vật máu lửa trên khắp các chiến trường Nam - Bắc: Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Bảo Định Giang, Đoàn Giỏi, Phùng Quán, Giang Nam, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Hồ Phương… Tôi rất ấn tượng phần trình bày về nhà thơ Nguyễn Duy với hai cây nạng, máy ảnh là phương tiện tác nghiệp nghề văn nghề báo của ông cả trong lúc lâm bệnh.

 Một bảo tàng văn học non trẻ nhưng lưu giữ nhiều thế kỷ văn học truyền miệng, trên mười thế kỷ văn học viết là một công trình văn hóa đặc biệt có ý nghĩa. Tôi biết các anh chị bảo tàng vẫn còn cần thời gian và công sức để hoàn thiện. Tất nhiên, việc bổ sung hoàn thiện không bao giờ dừng lại theo sự phát triển của đời sống văn học nước nhà.

Trong Bảo tàng có mặt hai thế hệ cha con: nhà văn Hải Triều - Nguyễn Khoa Điềm; nhà văn Học Phi - Chu Lai; anh và em có nhà thơ Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa; cặp vợ chồng có nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ.

Phần lớn các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà Nước đã được giới thiệu tại Bảo tàng.

Tôi hay gặp các nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, Nguyễn Thị Hoàng, Từ Kế Tường, Mường Mán và Đoàn Thạch Biền ở TPHCM, bước vào khu vực Văn học Miền Nam trước 1975 của Bảo tàng lại gặp các anh chị được giới thiệu trang trọng ở đây cùng với các nhà văn: Trần Ngọc Hưởng, Phong Tâm, Cao Thoại Châu, Võ Công Liêm, Phan Thị Ngọc Chấn, Nguyễn Bá Chung, Hoàng Khởi Phong, Thái Kim Lan… với một số tác phẩm của các anh chị xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Hiện đã sưu tầm được trên 300 đầu sách. Một số trong đó được đặt trong các tủ kính cùng những ghi chú rất nhiệt tình, chu đáo.

Bảo tàng còn dành riêng một khu khá rộng gọi là “Không gian khám phá” trình bày những sinh hoạt nông thôn trước khi đổi mới. Nhà tranh vách đất, những cối xay thóc, cối giã gạo, vó, giậm, giỏ bắt cua, cá, cái đơm, cái đó, liềm hái, nồi đất, ông đầu rau… mà bây giờ nhiều thứ đã trở thành dĩ vãng. Tôi hiểu ý các anh chị ở Bảo tàng muốn gợi lại những kỷ niệm mà các thế hệ văn nhân Việt Nam đã từng gắn bó, là những chất liệu góp phần hình thành những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Phó Giám đốc thường trực Bảo tàng, nhà thơ Lê Quang Sinh dẫn tôi đến một phòng khá rộng, anh nói, phòng này dành riêng trưng bày toàn bộ các tác giả, tác phẩm của Tự lực văn đoàn, sẽ ra mắt trong thời gian gần đây. Hiện thời các cán bộ Bảo tàng đang tích cực đi khắp nơi sưu tầm hiện vật, hình ảnh mong sao dấu ấn của Tự lực văn đoàn có vị trí xứng đáng trong Bảo tàng như đã từng có trong đời sống và trong văn học sử.

Phía ngoài sân vườn tươi xanh nhiều cây cảnh, cỏ hoa, trong đó rất ấn tượng là cây hoa đại được phân nhánh từ vườn nhà Thi hào Nguyễn Du, khóm trúc ở vườn nhà thơ Hữu Loan, hai cây sưa của nhà thơ Hữu Thỉnh và Lê Quang Sinh trồng tặng và cây quý của một số nhà văn khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…