Độc đáo gốm Chăm Bàu Trúc

GD&TĐ - Làng Chăm ở Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) có khoảng 400 hộ gia đình, trong đó có 85% số hộ vẫn gắn bó, chung thủy với nghề làm gốm thủ công truyền thống.

Một nữ nghệ nhân đang tạo dáng một chiếc bình gốm
Một nữ nghệ nhân đang tạo dáng một chiếc bình gốm

Làng Chăm này là một trong hai làng gốm được đánh giá có niên đại cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á. Nghệ thuật làm gốm truyền thống nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần bảo tồn, phát huy.

Đất sét "trời ban"

Theo những người cao tuổi, ngôi làng có tên Chăm là palei Ha mu Trok, thời Minh Mạng (1832) là địa danh thuộc làng Vĩnh Thuận. Sau trận lụt năm Giáp Thìn (1964), làng đã di dời về nơi cao ráo, có nhiều cây trúc mọc quanh ao, hồ, từ đó dân làng gọi là làng Bàu Trúc.

Người Chăm làng Bàu Trúc truyền tụng, hơn ngàn năm trước ông Poklong Chanh đã từ chối làm quan trong triều về làng dạy những người phụ nữ làm gốm, vì thế ông được coi là ông tổ của nghề gốm Bàu Trúc. Dân làng nơi đây đã lập đền thờ ông, cúng tế ông trong dịp lễ hội Katê hàng năm vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch.

Như bao làng gốm khác ở nước ta, gốm Chăm Bàu Trúc cũng được làm từ đất sét, nhưng phải là thứ đất sét vùng sông Quao. Đây là thứ đất sét được trời ban cho, có độ mịn, dẻo rất tuyệt vời, đem trộn với cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti, dùng làm nguyên liệu sản xuất gốm từ bao đời nay của người dân làng gốm Bàu Trúc.

Một nữ nghệ nhân cho biết, khai thác đất sét là công việc của đàn ông trong làng và chỉ khai thác một lần trong năm, mỗi lần khai thác trong vòng nửa tháng dùng cho cả năm. Đất sét lấy được nhiều hay ít đều tùy vào khả năng và sức khỏe của người khai thác.

Đối với nghề làm gốm, khâu lựa chọn và chuẩn bị đất rất quan trọng và công phu vì đó là khâu có tính quyết định về chất lượng sản phẩm gốm. Đất sét sau khi được khai thác đem về, những người đàn ông trong làng đập thành những cục nhỏ rồi phơi khô, tỉ mẩn loại bỏ những tạp chất, sau đó đem ngâm nước trong một hố đất đã được đào sẵn. Đối với loại cát để pha trộn với đất sét cũng được sàng lọc thật kỹ và tùy theo hình dạng, kích thước của từng loại sản phẩm gốm định làm mà người nghệ nhân sẽ có bí quyết pha với đất sét.

Những sản phẩm gốm trưng bày tại cơ sở sản xuất
Những sản phẩm gốm trưng bày tại cơ sở sản xuất

Bàn tay phụ nữ làng Chăm

Điều đặc biệt ở làng gốm Chăm Bàu Trúc từ xưa tới nay, khâu làm gốm đều do phụ nữ đảm trách và họ được truyền nghề qua nhiều thế hệ. Sau khi đất sét và cát đã được pha trộn, những người nghệ nhân sẽ dùng chân để nhồi đất, tiếp đó sẽ cuộn thành từng lọn hình trụ rồi phủ kín bằng một tấm vải để ủ đất qua đêm. Công đoạn này còn tiếp tục được nhồi, lăn đi lăn lại rất nhiều lần bằng tay rất công phu, rồi vo tròn thành từng cục đem đặt lên hòn kê để tạo dáng cho từng loại sản phẩm gốm đã được định hình sẵn theo yêu cầu.

Những người phụ nữ của làng gốm Chăm Bàu Trúc vẫn giữ nguyên cách làm gốm thủ công truyền đời từ xưa tới nay, đó là không hề có bàn xoay như những nơi khác. Khi thao tác họ cứ đi lại quanh trụ đất để tạo dáng cho sản phẩm bằng tất cả sự điêu luyện của đôi bàn tay và sự đam mê của mình.

Công đoạn trang trí hoa văn chủ yếu dùng que cây, vỏ sò, hoa thiên nhiên để tạo ra những hoa văn như răng cưa, vạch, sóng nước... Hình những bông hoa với những họa tiết đơn giản không cầu kỳ, nhưng lại rất sinh động, tinh tế mang một vẻ đẹp rất riêng, đầy ấn tượng giàu bản sắc văn hóa Chăm. Đây cũng chính là một trong những bí quyết về cách làm gốm hết sức đặc biệt và độc đáo của làng gốm Chăm Bàu Trúc.

Kỹ thuật nung gốm, so với những vùng làng nghề gốm khác ở nước ta cũng rất khác biệt. Nếu ở hầu hết các vùng, miền làm gốm khác đều nung gốm trong lò, thì riêng ở Bàu Trúc quá trình nung gốm lại hoàn toàn lộ thiên (không cần lò nung).

Các sản phẩm gốm Bàu Trúc được phơi khô trước một ngày, sau đó đem nung ở ngoài trời với một lớp củi được xếp thành hình chữ nhật 4m x 3m và độ dày khoảng từ 0,2m - 0,3m, phía trên được xếp úp khoảng từ 2 - 3 lớp gốm, bên trên nữa là những sản phẩm gốm lớn hơn, sau đó toàn bộ được phủ kín một lớp rạ dày khoảng 0,2m và một lớp trấu mỏng.

Một nghệ nhân cho biết, tất cả những người thợ đốt lửa đều theo kinh nghiệm truyền thống, chỉ đốt vào buổi chiều ít gió và đốt theo chiều ngược gió. Gốm Bàu Trúc được nung trong vòng 6 tiếng và ở nhiệt độ khoảng 6.0000C, sau đó ngưng để nguội và lấy ra phun thêm lên một lớp màu (một loại màu chủ yếu được chiết xuất từ trái dông, trái thị trong tự nhiên), rồi tiếp tục nung thêm 2 giờ nữa là xong quy trình nung gốm.

Nhờ vào kinh nghiệm và bí quyết kỹ thuật nung truyền thống mà gốm Bàu Trúc có màu rất đặc trưng như đỏ hồng, vàng đỏ, vệt nâu, đen xám tạo nên những sản phẩm gốm vừa đặc sắc độc đáo, vừa mang một vẻ đẹp lung linh huyền ảo đầy bí ẩn của nền văn hóa Chămpa.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc phong phú và đa dạng về mẫu mã, tuy có rất nhiều dòng, nhiều loại, nhiều kích cỡ nhưng tính độc bản rất cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, từ các bình hoa, ấm nước, nồi, niêu, chum, vại… cho tới những tháp, tượng, phù điêu về các vị thần Siva, thần Ganesa, vũ nữ Apsara…

Những năm gần đây, sản phẩm gốm Bàu Trúc ngày càng được các nghệ nhân sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đẹp, ấn tượng, giàu bản sắc nghệ thuật truyền thống Chăm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới như Mỹ, Pháp Nhật, Malaysia…

Nhờ bảo tồn, phát triển nghề gốm mà diện mạo làng Chăm Bàu Trúc ngày càng đổi thay, chất lượng đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Đường làng được trải bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ. Những ngôi nhà được ngói hóa, xây dựng khang trang đồng thời cũng là những cơ sở sản xuất gốm uy tín. Ở trung tâm làng là một khu nhà trưng bày đủ các loại mẫu mã, dáng hình sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc và luôn là điểm nhấn đầy hấp dẫn quyến rũ du khách tham quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ