Địa danh “Đồi thông hai mộ” thực sự ở đâu?

GD&TĐ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình vừa phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đồi thông hai mộ - từ di cảo đến di sản”. 

Vùng rừng núi Kim Bôi (Hòa Bình) với câu chuyện tình của đôi trai gái người Mường.
Vùng rừng núi Kim Bôi (Hòa Bình) với câu chuyện tình của đôi trai gái người Mường.

Tại Hội thảo, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học đã cùng bàn thảo làm rõ giá trị tác phẩm văn học “Đồi thông hai mộ” của cố văn sỹ Tùng Giang – Vũ Đình Trung (1905 -   1985).

Theo nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, một ngày cuối thu 2018, Hội Văn học nghệ thuật được đón một vị khách lạ. Người khách ấy đưa ra một cuốn sách nhuốm màu thời gian, đó chính là Truyện thơ "Đồi thông hai mộ".

Và vị khách ấy là Vũ Đình Thảo - cháu nội của văn sỹ Tùng Giang - Vũ Đình Trung (1905 – 1985), tác giả Truyện thơ "Đồi thông hai mộ".

Ông Thảo cho biết, anh được sống với ông nội từ nhỏ cho tới khi tốt nghiệp cấp 3, thường được ông đọc thuộc lòng và kể cho nghe nhiều chuyện khi viết về thiên tình sử Đồi thông hai mộ.

Năm 2018 nghỉ hưu, ông đã dành thời gian tìm lại văn bản "Đồi thông hai mộ", và theo dấu chân ông nội (tác giả) tới vùng đất phát tích địa danh này… đó vùng rừng núi Kim Bôi (Hòa Bình) với câu chuyện tình của đôi trai gái người Mường.

"Nghe câu chuyện, anh em văn nghệ sỹ tỉnh Hòa Bình không khỏi ngỡ ngàng bởi hai nhân vật chính trong thiên tình sử, người trai Đinh Lăng, người gái Quách Mỵ Dung hẳn xuất thân từ hai họ Đinh và Quách của người Mường.

Lại nữa, những hình ảnh minh họa trong tập truyện thơ 100% là của người Mường, xứ Mường… làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi từ trước tới nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình không có tài liệu nào biết về có tập truyện thơ này.

Đâu đó có ai nhắc đến cái tên “Đồi thông hai mộ” thì đều nghĩ rằng địa danh này ở Đà Lạt mộng mơ hay ở xứ sở nào đó! Thế mà, giờ này chúng tôi được cầm tận tay, được đọc chính mắt mình, mới hay truyện thơ "Đồi thông hai mộ" được phát tích ở vùng đất Mường, khi văn sỹ Tùng Giang – Vũ Đình Trung cùng gia đình từ Hà Nội tản cư vào vùng rừng núi Hòa Bình giai đoạn 1947-1948, gặp tích chuyện rồi viết nên tác phẩm nổi tiếng này" – ông Lê Vy đặc biệt nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, nhiều nhân chứng sống đã ghi nhận giá trị của tác phẩm này. Vào những năm 1950, có anh học trò ở Hòa Bình được một bạn từ Hà Nội lên cho đọc trộm truyện thơ “Đồi thông hai mộ”. Người này đã được gặp văn sỹ Tùng Giang – Vũ Đình Trung.

Chàng thanh niên đó từng là một nhà giáo, nhà thơ... năm nay đã 83 tuổi và có mặt tại hội thảo. Những năm 60 của thế kỷ XX, trong một giờ dạy văn, thấy học sinh đọc cuốn “Đồi thông hai mộ”, nhà giáo ấy đã lưu giữ và mang tập sách đó tới hội thảo.

Một cụ ông người Mường ở xã Cao Răm năm nay 82 tuổi, cho biết từ những năm 60, thời trai trẻ, cụ đã chép tay “Đồi thông hai mộ”. Hôm nay cụ cũng có mặt tại hội thỏa cùng với cuốn truyện chép tay.

Lại có cụ bà năm nay trên 80 tuổi, khi thấy phu quân của mình nhắc đến Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung, cụ đã đọc liền mạch hàng trăm câu thơ trong “Đồi thông hai mộ”, khiến phu quân của mình vô cùng ngạc nhiên. Và cụ bà cũng đã đem sự ngạc nhiên đến hội thảo.  

“Đồi thông hai mộ - từ di cảo đến di sản” đã được các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra hướng tiếp cận mới đối với tác giả Tùng Giang - Vũ Đình Trung và tác phẩm.

Hội thảo cũng đã đề cao ý nghĩa giá trị tác phẩm để giữ gìn và khai thác có hiệu quả trong thời đại mới, đặc biệt ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn hoá và du lịch, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá của huyện Kim Bôi, huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ