Đi tìm câu Xoan miền đất Tổ…!

GD&TĐ - Từ xa xưa, đất Kim Đức và Phượng Lâu (Việt Trì) được xem là những nơi có truyền thống hát Xoan... Qua biết bao thăng trầm, biết bao biến cố lịch sử, đất Kim Đức ngày nay vẫn cón đó những dấu tích gắn liền với nguồn gốc và truyền thống hát Xoan như đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Kim Đái...

Đi tìm câu Xoan  miền đất Tổ…!

 Ngày nay, hát Xoan - hình thức nghi lễ hát thờ Vua không chỉ là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân đất Tổ mà đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giờ đây, đâu chỉ mỗi dịp hội hè, đình đám mà trong cuộc sống thường ngày đâu đó trong các thôn Kim Đơi, Thét, Trung, Hội (xã Kim Đức) và thôn An Thái (Phượng Lâu- thành phố Việt Trì) vẫn văng vẳng những câu Xoan da diết, ngọt ngào, đằm thắm…

Nguồn gốc câu Xoan…

Khi được hỏi về nguồn gốc của hát Xoan, các nghệ nhân ở phường Xoan Thét, xã Kim Đức kể với chúng tôi rằng: Thuở Vua Hùng khai thiên lập địa, trong quá trình đi tìm đất mở mang kinh đô, ba anh em vua Hùng dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng thuộc thôn Phù Đức và An Thái. Ba anh em Vua Hùng nhìn ra bãi cỏ ven rừng, thấy có lũ mục đồng đang vừa hát vừa chơi những khúc ca nghe rất lạ. Thấy lũ trẻ đáng yêu lại hát hay, người anh cả nhà họ Hùng liền bảo hai em gọi lũ trẻ lại và dạy chúng hát một số làn điệu mới....

Đó cũng chính là lý do mà về sau, người anh Cả được nhân dân suy tôn là đức Thánh Cả và cứ đến ngày 13 tháng Chạp là dân làng lại làm bánh nẳng và thịt bò để cúng, nhằm tưởng nhớ công ơn truyền dạy ca hát của ba anh em Vua Hùng… Hơn nửa tháng sau, ngày mùng 2 và mùng 3 tháng Giêng, dân làng lại mở hội để cầu Đức Thánh Cả phù hộ mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Và, đường nhiên, trong lễ hội này không thể thiếu các cảnh hát xướng để nhớ lại sự tích các vua Hùng dạy đám trẻ của làng múa hát thuở khai thiên lập địa...

Vùng Lâm Thao (làng Xoan Cao Mại) lại có vài truyền thuyết khác. Trong đó, phổ biến nhất là truyền thuyết liên quan đến nàng Quế Hoa thành Phong Châu: Vợ Hùng Vương đã tới ngày sinh mà không thể "khai hoa nở nhụy" được. bụng thì đau dữ dội. Lúc đó, có thị tì bẩm rằng, nên đón nàng Quế Hoa hát hay, múa khéo về múa hát thì có thể làm đỡ đau và trở dạ được. Vợ Vua Hùng cho là phải, vội sai người đi nàng Quế Hoa...

Lúc này, vợ Vua Hùng đang lên cơn đau đẻ dữ dội, Quế Hoa vội vào, đứng múa hát cạnh giường. Tài múa hát của Quế Hoa quả thật siêu phàm, vợ Vua Hùng bị cuốn vào lời ca, điệu múa, không còn thấy đau nữa và dễ dàng sinh hạ được 3 người con trai. Vua Hùng sau khi nghe cận thần bẩm báo tất cả những gì đã diễn ra đã khen ngợi và ban thưởng cho Quế Hoa rồi mời nàng ở lại dạy múa hát cho các Mỵ Nương.

Sau này, lời ca điệu múa ấy được gọi là hát Xoan và được lưu truyền trên đất Tổ Hùng Vương đến tận hôm nay… Lối hát này thường hát vào mùa Xuân nên còn có tên là hát Xuân nhưng sau đó, vì chữ xuân là từ húy (tên của một bà vợ Vua Hùng), nên khi hát phải đọc thành chữ Xoan...

Nói về truyền thuyết hát Xoan, ông Đặng Đình Thuận, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ cho rằng “Qua truyền thuyết, chúng ta thấy rằng, hát Xoan có thể được ra đời từ rất sớm, có thể từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang…

Một số truyền thuyết về hát Xoan hiện còn được bảo lưu ở Phú Thọ là ánh sáng phản xạ về sự hình thành và tồn tại của Hát Xoan trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân đất Tổ Vua Hùng. Mặc dù là truyền thuyết dân gian, nhưng vén đi bức màn huyền thoại, các truyền thuyết ấy cũng đã ít nhiều cung cấp tư liệu mang tính khoa học để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu về hát Xoan Phú Thọ làm căn cứ cho tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan ở Phú Thọ…”.

Bảo tồn “báu vật” của đất Tổ…

Để giữ gìn “báu vật” hát Xoan cho muôn đời sau, nghệ nhân nhiều thế hệ trong các làng Xoan cổ đã và đang nỗ lực hết mình, khắc phục nhiều khó khăn để mở lớp, thành lập câu lạc bộ để truyền dạy cho lớp trẻ của làng.

Nhiều nghệ nhân như cụ Sủng, cụ Đọc thuộc phường Xoan Thét, xã Kim Đức mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cùng các nghệ nhân trẻ tâm huyết mở lớp truyền dạy hát Xoan cho bọn trẻ trong làng. Họ trực tiếp uốn nắn cho các kép nhí từng lời ca, điệu múa. Học hát Xoan không phải dễ, bởi vậy để truyền dạy khá vất vả. Các nghệ nhân dạy chủ yếu theo lối truyền khẩu, phải uốn nắn từng câu hát, điệu múa cụ thể.

Phải mất ít nhất nửa năm người học mới thành thạo tất cả các quả cách... Thật mừng là sau một thời gian kiên trì truyền dạy thì giờ đây ở các phường xoan gốc Kim Đức, Phượng Lâu, đã có những lớp nghệ nhân kế cận tài năng thuộc thế hệ 7x, 8x như Nguyễn Văn Quyết - người được gọi là “ông trùm” trẻ tuổi của phường Xoan Kim Đái…

Các cấp học, bậc học đều có phương pháp riêng để đưa hát Xoan vào trường học một cách tốt nhất. Các em học sinh được tìm hiểu, được học hát và sau đó sẽ tham gia biểu diễn trong các hội thi, hội diễn…

Một điều rất thuận lợi là nhiều em học sinh được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Xoan lâu đời, bởi vậy ngay từ nhỏ, các em đã được thấm đẫm những làn điệu Xoan ngọt ngào từ bà, từ mẹ. Một số trường đã có những nhiều đào, kép Xoan nhí giàu triển vọng như trường THCS Kim Đức, Trường THCS Gia Cẩm, Trường THCS Phượng Lâu, Tiểu học Đinh Tiên Hoàng…

Các em được học hát Xoan từ bé, thuộc rất nhiều điệu Xoan cổ nên khi được học bài bản mỗi tuần hai buổi trong giờ ngoại khóa và sinh hoạt trong câu lạc bộ hát Xoan ở trường đã nắm bắt và tiến bộ rất nhanh. Nhiều kép Xoan nhí thường xuyên được chọn đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Là cái nôi của những làn điệu Xoan tuy nhiên những ngày đầu đưa hát Xoan vào giờ ngoại khóa để dạy, giáo viên âm nhạc của các trường cũng gặp vô vàn khó khăn vì tất cả đều bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, do xác định được nhiệm vụ quan trọng là phải gìn giữ và phát triển “báu vật” của quê hương nên giáo viên đã nỗ lực tìm tòi phương pháp phù hợp bằng cách cho các em xem, nghe các bài đơn giản, dễ nhớ trong băng đĩa trước rồi mới tập hát từng bài cụ thể.

Thỉnh thoảng, nhà trường phải mời các nghệ nhân tới hướng dẫn hoặc tổ chức đưa các em về với các làng Xoan cổ để được đắm mình vào không gian nghệ thuật truyền thống... Từ năm 2015, trong dịp lễ hội Đền Hùng, thành phố Việt Trì đã tổ chức liên hoan hát Xoan thanh thiếu niên với các CLB hát Xoan tới từ các trường trong vùng…

Trải bao đời, với bao thăng trầm, nhưng nhân dân tại các làng Xoan cổ đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc, độc đáo của hát Xoan. Không ai khác, chính họ là những người đã mang Xoan vượt ra khỏi không gian lũy tre làng đất Tổ, vượt ra khỏi biên giới của Tổ quốc để đến với bạn bè năm châu…

Bằng chứng là vào ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, hát Xoan đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ