Đến với bài thơ hay Chợ chim

GD&TĐ - Nhà thơ Hữu Thỉnh là người rất thành công khi viết các trường ca về đề tài chiến tranh dung lượng lớn với bao thân phận con người. Thế nhưng, khi ông viết cho thiếu nhi thì lại trong sáng hồn nhiên và hóm hỉnh vô cùng. 

Đến với bài thơ hay Chợ chim

Hữu Thỉnh

Chợ chim


Bồ quân bên suối chín vàng
Biến thành chợ của họ hàng nhà chim
Đầu têu tu hú bay lên
Sẻ con giục mẹ bỏ quên cả giày
Chào mào chưa nếm đã say
Chim sâu bận  mọn nửa ngày mới sang
Anh vũ mua bán đàng hoàng
Ăn xong múa lộn cả làng cùng xem
Bồ nông ở cữ ăn khem
Cà- siêng có khách vội đem quà về
Con sáo mua bán màu mè
Quạ đen đánh quịt còn khoe đủ điều
Chú vẹt ăn bốc nói leo
Chèo bẻo đanh đá nói điều chanh chua
Chùm chim chùm quả đong đưa
Người bán thì một kẻ mua thì mười
Bồ quân được nết được người
Bán thì bán đấy chẳng đòi công đâu
Chỉ xin cái hạt về sau
Nhân ra ngàn quả làm giàu cho chim

Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú

Ông là người “bắt mạch” được hồn vía giọng điệu dân gian không những trong thơ người lớn mà cả khi viết cho trẻ thơ. Một Hữu Thỉnh nhân hậu, tài hoa có nét tung tẩy, đắm đuối vẫn thể hiện rất rõ sự nhất quán của một tâm thế thơ hướng về phía dân dã cội nguồn.

Đọc “Chợ chim” tôi có cảm giác vừa quen vừa lạ, lạ vì đây là một tứ thơ độc đáo ít thấy trong dòng thơ viết cho thiếu nhi. Ở đó có không gian, thời gian và thân phận. Ở đó có “Thơ cho các em rất cần không khí tưng bừng hội hè” (Ta-go).

Quen bởi điệu thơ lục bát cân xứng, nhịp uyển chuyển như sự nhảy nhót, ríu rít sum vầy của bầy chim. Quen, bởi ngôn ngữ thơ rất gần với tư duy của trẻ thơ có nét tươi tắn, ngộ nghĩnh, kích thích trí tò mò, ham hiểu biết qua trường liên tưởng so sánh để từ nhận biết đến nhận thức của các em.

Tâm điểm hạt nhân của “Chợ chim” là chùm bồ quân chín vàng bên suối. Từ đó tạo ra sức hút hướng tâm của bao loài chim về đây họp chợ. Thật ra, chính xác đó là mồi ăn khá hấp dẫn với một số loài chim khi quả bồ quân chín vàng. Nhưng từ cái ý tưởng ngỡ như thực dụng đó nhà thơ đã nhân hóa lên biến bữa tiệc đặc sản thành một hội chợ khá sinh động và hiếu động như một trò chơi của con trẻ.

Một loạt loài chim với các tính cách riêng của nó qua sự quan sát và phát hiện khá tinh tế của nhà thơ đã hiện ra thật tự nhiên cuốn vào cái vòng sóng yêu thương với những lớp lang như một sân khấu biểu diễn có chút kịch tính tạo ra những tình huống rất cá tính.

Đó là “Đầu têu tu hú”, là “Sẻ con quên giày” với ngả nghiêng của “Chào mào chưa nếm đã say”. Ở đây, có những hình ảnh đọc lên ta không thấy ở loài chim nữa mà cao hơn đó là tư cách phẩm chất đáng quí của con người: Có gì như sự ân cần chu đáo đảm đang của người phụ nữ ở “Chim sâu bận mọn nửa ngày mới sang” hay ở phong cách sống rất đàn ông nghệ sĩ của “Anh vũ mua bán đàng hoàng - Ăn xong múa lộn cả làng cùng xem”.

Nhưng đã là chợ thì phải có bao điều tốt xấu. Đây không còn là chợ chim nữa mà là chợ đời bởi thế mới có: “Con sáo mua bán màu mè - Quạ đen đánh quịt còn khoe đủ điều - Chú vẹt ăn bốc nói leo - Chèo bẻo đánh đá nói điều chanh chua”.

Một “Chợ chim” qua ống kính quay chậm của nhà thơ đã hiện lên những cận cảnh thần kỳ khi ông không những chụp được dáng hình điệu bộ mà còn thu được cả thần thái, tính cách của các loài chim.

Chính sự cuốn hút này đã dẫn các em vào một thế giới thiên nhiên phong phú để liên hệ với một đời sống xã hội mà theo lứa tuổi lớn dần lên các em được khám phá và tiếp cận. Một trong những câu thơ hay nhất của bài: “Chùm chim chùm quả đong đưa - Kẻ bán thì một kẻ mua thì mười” đã tạo ra sự cộng hưởng, quấn quít, cho và nhận thật bao dung tử tế, nhân văn thấm đẫm tình yêu thương đồng loại. Đó cũng chính là nốt nhấn thăng hoa của tứ thơ để ngân lên giai điệu của tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên.

Hữu Thỉnh là nhà thơ mà với ông “Thơ là kinh nghiệm sống”, chính vì thế : “Chỉ xin cái hạt về sau - Nhân ra ngàn quả làm giàu cho chim” là kinh nghiệm sống của ông cũng chính là niềm tin, ước vọng cao cả ông muốn gửi gắm vào thế hệ tương lai của trẻ thơ với sự hóa thân chia sẻ qua ngày hội của “Chợ chim”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ