Đêm hội văn hóa các dân tộc Việt Nam 2018

GD&TĐ - Tối 19/4 tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội). diễn ra Đêm hội văn hóa dân tộc Việt Nam năm 2018, với chủ đề “Âm vang đất Việt”.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)
Chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)

Chương trình do Bộ VH-TTDL phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức; là một trong những sự kiện khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 2018.

Đến dự có Phó Chủ Tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư Điểu K’Ré; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo nghệ nhân, già làng, trưởng bản đại diện cho 30 dân tộc trên khắp các vùng, miền đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc Đêm hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc Đêm hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa, vị trí ngày càng quan trọng. Đảng ta đã định hướng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực để phát triển, duy trì các giá trị văn hóa dân tộc.

Trong đó việc Chính phủ lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” và đầu tư dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam càng có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, dành cho đồng bào dân tộc, đáp ứng lòng mong mỏi, khích lệ động viên đồng bào 54 dân tộc anh em...

Phó Chủ tịch nước đánh giá, ngày hội năm nay càng có ý nghĩa hơn đó là kỷ niệm tròn 10 năm và được diễn ra cùng với thời điểm chuẩn bị Ngày Quốc giỗ Hùng Vương. Trong 10 năm qua, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc cả trong và ngoài nước. Qua đó cũng góp phần tác động thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước đến các vùng dân tộc và miền núi.

Thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và trước sự tác động biến đổi mạnh mẽ của các xu hướng văn hóa hội nhập mới, Phó Chủ tịch nước đề nghị các địa phương, các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Bên cạnh đó, cần kịp thời khen thưởng động viên làm lan tỏa những việc làm tốt, những tấm gương tốt trong phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá giúp dân tộc trên các vùng miền của Tổ quốc hiểu hơn về nhau…

Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương Bộ VH-TTDL, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các tập thể, cá nhân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, đồng bào các dân tộc đã có nhiều đóng góp để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phát triển, đồng thời tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa có ý nghĩa để “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” thực sự hiệu quả, là Ngày hội lớn đặc biệt đối với đồng bào dân tộc.

Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật Đêm hội Văn hóa dân tộc. Chương trình bao gồm sáu phần nội dung: Phách nhịp vùng cao, Khúc Nhị Hà, Câu hò, điệu ví; Âm vang đại ngàn, vọng miền sông nước và Tinh hoa Đất Việt, giới thiệu bản sắc văn hóa và nghệ thuật diễn xướng độc đáo, đặc trưng của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở ba miền đất nước…

Dưới đây là một số tiết mục văn nghệ chào mừng khai mạc Đêm hội

Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018 được tổ chức từ ngày 19 - 22/4, với nhiều hoạt động như: Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây; Tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái; Trình diễn ẩm thực dân tộc vùng Tây Bắc...

Các hoạt động góp phần tạo nên một không gian văn hoá đa sắc màu, đầy sức sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” - Làng văn hoá, du lịch các dân tộc Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và Quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...