Đánh thức, lan tỏa văn hóa đọc

GD&TĐ - Năm nay, Ngày sách Việt Nam lần thứ VI được “đánh thức” và lan tỏa trong toàn quốc nhờ cơ chế chính sách mới góp phần chấn hưng văn hóa đọc. Khái niệm ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách đang ngày càng được phổ cập rộng rãi.

Các bạn trẻ tìm hiểu về tác giả - tác phẩm tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội).
Các bạn trẻ tìm hiểu về tác giả - tác phẩm tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội).

Kết nối, vào cuộc mạnh mẽ

Với chủ đề “Sách - Kết nối tri thức và phát triển”, Ngày sách Việt Nam 2019 được các tỉnh, thành phố hưởng ứng bài bản và qui mô với nhiều hoạt động sôi động, tăng tính hiệu quả, chất lượng.

Không chỉ tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội mà những đơn vị, cá nhân tham gia qui trình sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đã được biểu dương, tôn vinh.

Tại 3 trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm gian hàng thuộc các NXB, doanh nghiệp phát hành sách, các công ty văn hóa, truyền thông trong nước cùng nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản…

Sở TT&TT các tỉnh, thành phố phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, các thư viện, trung tâm văn hóa thực hiện hàng loạt chương trình khuyến đọc với nhiều nội dung sâu rộng cổ súy và thúc đẩy văn hóa đọc trong quảng đại quần chúng.

Ngày sách Việt Nam năm nay đánh dấu mốc quan trọng quá trình 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam. Ngành xuất bản đạt được bước tiến trong doanh thu, doanh số, đã xuất bản được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản, tăng 20% về số cuốn và số bản sách. Chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc...

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - Bộ TT&TT Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, qua 5 năm, việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách.

“Chúng ta đã đi từ cái chưa có đến một kết quả tốt đẹp đáng mừng. Từ tính chất nhỏ lẻ là phát triển tủ sách gia đình, quan tâm rèn thói quen đọc sách cho con của các phụ huynh văn hóa đọc đã bén rễ được trong môi trường học đường và lan tỏa ra xã hội với việc xây dựng thư viện trường học và tủ sách cộng đồng.

Nâng tầm văn hóa đọc

Đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh công tác xuất bản, phát hành sách, nhiều chuyên gia trong ngành in ấn, xuất bản cho rằng, giới làm sách phải thay đổi để có tư duy đúng và phù hợp đón bắt và đáp ứng nhu cầu thực tiễn luôn biến động của người đọc hiện nay.

Lực lượng phát hành và kinh doanh sách là lực lượng nắm vững, thấu hiểu thị trường đang cần gì và không cần gì. Không có lý do nào làm mai một và mất đi thói quen đọc sách của mỗi người dân nhưng muốn duy trì phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc thì cần có sự kết nối, dung hợp giữa đặc trưng các loại hình.

Các NXB trong thời đại bùng nổ truyền thông số cần linh hoạt trong tiếp thị và phát triển song song chu trình xuất bản, phát hành giữa sách in với sách điện tử.

Đưa ra số liệu khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ so sánh và khẳng định: Trong khi chương trình đọc sách của học sinh, sinh viên ở các nước phát triển là bắt buộc thì kỹ năng đọc sách, cách đọc sách, chọn sách của người dân và các bạn trẻ ở ta còn rất yếu.

Thời gian hàng tuần dành cho đọc sách của người dân các nước cao hơn chúng ta rất nhiều. Cao nhất là Ấn Độ với gần 11 giờ, Nhật Bản là 4 giờ, xếp thứ 28, Hàn Quốc là 3 giờ, xếp thứ 29. Trong khi Việt Nam là khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa.

Như vậy, một người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần hai cuốn sách và thuộc nhóm thấp trên thế giới.

Cũng theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, trong nhiều năm qua, để thúc đẩy hoạt động khuyến đọc, nhiều NXB đã mở rộng hoạt động xã hội hóa, tôn vinh những cuốn sách hay, đẩy mạnh sự tương tác giữa tác giả, dịch giả gắn với ra mắt tác phẩm mới để “nuôi dưỡng”, thu hút người đọc.

Từ thực tiễn hoạt động của tiết đọc sách tại một số trường học, thực trạng hoạt động của thư viện trường học, thư viện cộng đồng, anh Nguyễn Quang Thạch - Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam cho biết: Hiện nay, ở nông thôn, phần lớn các gia đình hầu như không có sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh. Trẻ nhỏ không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen và kỹ năng sử dụng sách.

Đúc rút kinh nghiệm và với lòng nhiệt huyết, anh Quang Thạch đã đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT xây dựng bộ tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Bộ tiêu chuẩn này nên bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học; nhiệm vụ xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà thuộc về tất cả hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh. Chỉ tiêu số đầu sách tối thiểu trẻ em nghe và đọc hàng năm cũng cần được đặt ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...