Đặc sắc trò kéo co ngồi

GD&TĐ - Vốn là một trò chơi dân gian được trình diễn vào dịp lễ hội của làng, mới đây nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ thuộc phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đã vinh dự được UNESCO ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dốc sức giành chiến thắng
Dốc sức giành chiến thắng

Lễ hội đền Trấn Vũ (thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên - Hà Nội) được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, nhằm thể hiện sự tôn kính với thần linh, phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người mong muốn có cuộc sống an bình. Sáng 7/4 (tức ngày 3/3 âm lịch), chính quyền và nhân dân phường Thạch Bàn đã tổ chức lễ đón nhận bằng ghi danh của UNESCO.

Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ là một nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc. Để tham gia lễ hội, từ tháng trước người dân làng Ngọc Trì đã chuẩn bị tuyển lựa các “vận động viên” kéo co.

Tiêu chuẩn đầu tiên là gia đình có từ năm đời sinh sống trong làng và gia đình nền nếp, gia giáo. Ngọc Trì có ba mạn là Đường, Đìa, Chợ, mỗi mạn được cử một đội đại diện thi đấu.

Trước khi thực hành kéo co, các mạn chuẩn bị lễ vật, nhiều ít tùy tâm, nhưng không thể thiếu thủ lợn phủ mỡ chài đặt trên mâm xôi nếp, hoa quả và tập trung trước sân đền Trấn Vũ lễ Thánh. Tiếp đó, các mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm 3 đội trưởng, tiến hành nghi lễ nâng bó song mây được sử dụng để làm dây kéo co lên ba lần rồi cùng các thành viên của đội mình bám vào dây song, rước dây ra sân đấu.

Theo quy định của BGK, tùy từng năm mà mỗi đội kéo co có quân số từ 15, 17 hoặc 19 người và có một Tổng cờ. Trai tráng kéo co cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn.

Cây cột trụ kích thước to như cột đình thường được làm từ gỗ lim sẽ được chôn sâu dưới đất để làm điểm tựa. Trò kéo co chia làm hai mạn. Những người ngồi đầu mỗi đội chơi thường dùng chân đạp vào cột để gồng giữ hoặc tăng sức kéo.

Trên thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn dây song làm mốc phân định hai mạn. Điều đặc biệt của trò biểu diễn kéo co ngồi là phải thực hiện trên ruộng hoặc nền đất. Các trai làng trong mạn ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi lấy gót chân làm điểm tựa để kéo nên được gọi là kéo co ngồi.

Hàng trăm người dân đứng reo hò cổ vũ nhiệt tình cho những chàng trai vạm vỡ đại diện đội nhà, nhưng điều khác biệt chỉ có ở lễ hội này mới có là người dân ở mạn nào cũng đều mong đội mạn Đường thắng cuộc. Bởi theo quan niệm truyền tụng thì mạn Đường thắng nghĩa là năm đó dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh, sung túc.

Tương truyền, xưa kia làng Ngọc Trì có cả thảy 12 giếng nước, một năm hạn hán, cả làng chỉ còn duy nhất giếng nước thuộc mạn Địa còn nước.

Trai tráng mạn Đường, mạn Chợ xuống mạn Địa lấy nước bị trai mạn Địa ngăn cản để giữ nước cho dân thôn mình. Dụng cụ lấy nước phải dùng đòn gánh quang dây song đựng thùng nước. Do khi giằng co sợ nước đổ nên người đi lấy nước phải ngồi xuống đất ôm giữ thùng nước lấy được.

Khi hạn hán qua đi, nhớ lại tích gian nan ấy, các bô lão trong làng sáng tạo ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ