Cồng chiêng Tây Nguyên không còn “chảy máu”

GD&TĐ - Ngồi trầm ngâm bên bộ chiêng quý trị giá hơn 300 triệu đồng, già làng Siu Rên (làng O, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho hay, đối với người Jrai vùng này, cồng chiêng là tài sản vô cùng giá trị.

Già Rah Lan Nam (bên phải) “chữa bệnh” cho chiêng mỗi khi bị lạc nhịp.
Già Rah Lan Nam (bên phải) “chữa bệnh” cho chiêng mỗi khi bị lạc nhịp.

Đã có rất nhiều giải pháp bảo tồn tài sản vô giá này được những người như già làng Siu Rên thực hiện.

“Chữa bệnh” cho chiêng

Theo già Siu Rên, sự giàu có của mỗi gia đình quyết định ở bộ cồng chiêng. Những gia đình nào có nhiều bộ cồng chiêng với tuổi đời cao, chứng tỏ nhà đó giàu có. Sự giàu có không chỉ ở vật chất, mà còn thể hiện trong nét văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, mỗi người Jrai đều cố gắng để sở hữu ít nhất một bộ cồng chiêng.

“Trong những ngày hội lớn của làng, xã… những bộ chiêng sẽ được sử dụng đến. Khi đó, mỗi gia đình sẽ có một bộ riêng để hòa chung không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội. Những khi chiêng lạc nhịp, dân làng có thể hỗ trợ, giúp nhau chỉnh chiêng. Qua đó giúp khăng khít tình cảm trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đưa tiếng chiêng vang xa hơn”, già Siu Rên chia sẻ.

Đưa đôi tay nhăn nheo nâng niu chiếc chiêng như một báu vật vô giá, già Rah Lan Nam (làng Hăng Rinh, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Bộ chiêng này quý lắm, nó được hơn 100 năm tuổi rồi, còn hơn cả tuổi mình. Đối với dân làng mình, bộ chiêng này vô cùng giá trị...”.

Già Nam cho hay, ngày xưa người làng Hăng Rinh có quan niệm, con trai phải biết đánh chiêng, con gái phải biết múa xoang mới được tham gia vui chơi, uống rượu trong các ngày lễ hội của làng. Thế nên, từ khi lên 10 tuổi trai gái của làng bắt đầu tìm đến những người biết đánh chiêng, múa xoang giỏi để học tập.

Là những người thuần thục các bài chiêng truyền thống, già Nam trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Những khi tập luyện, già Nam tập trung lắng nghe giai điệu cồng chiêng để giúp đội chiêng hoàn thiện hơn. Mỗi khi chiêng lạc nhịp, già Nam “chữa bệnh” cho chiêng.

Biết đánh chiêng từ ngày theo chân bố đến chung vui trong các dịp lễ làng, đến nay Đinh Keo (người Bahnar, làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) đã trở thành một nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Đinh Keo kể, những ngày còn nhỏ, ngoài thời gian học trên lớp già hay theo bố mẹ tham dự các lễ hội trong làng. Khi đó, tiếng cồng chiêng khiến Đinh Keo say đắm nên cậu đã theo chân các già làng để học. Với thân hình nhỏ thó, ngày đầu Đinh Keo cầm chiêng còn chưa chắc, tiếng chiêng đánh ra chưa có nhịp điệu.

Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các già làng, qua thời gian Đinh Keo đã đánh được tất cả những bài chiêng truyền thống. Lớn lên, khi thấy người dân lặn lội đến những nơi xa để chỉnh chiêng bị lạc âm, ông lại khăn gói đi học để giúp dân làng bớt vất vả hơn.

Sau nhiều tháng ngày chăm chỉ, ông đã trở thành “bậc thầy” trong việc đánh và chỉnh chiêng ở vùng Đông Trường Sơn. Bên cạnh đó, khi thấy cồng chiêng dần bị mai một già Đinh Keo đã mở lớp dạy cho thế hệ trẻ. Tính đến nay, già Đinh Keo có khoảng hơn 300 học trò thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa như đan lát, cồng chiêng…

Đội chiêng của xã Glar trình diễn.
Đội chiêng của xã Glar trình diễn.

Không còn là việc riêng của đàn ông

Không chỉ đàn ông mới biết đánh chiêng, ở nhiều làng phụ nữ còn lập ra đội chiêng để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc.

Chị Đinh Thị Khop, đội trưởng đội chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) hào hứng khoe: “Trước đây trong làng chỉ có các đội chiêng nam. Còn chị em phụ nữ chỉ múa xoang. Khi thấy đàn ông đánh chiêng, nhiều chị em vô cùng thích thú nên bàn nhau thành lập đội chiêng nữ. Đến năm 2015, làng đã thành lập đội chiêng nữ để chị em có thêm cơ hội được học tập và biểu diễn cồng chiêng. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, chị em lại quây quần dưới mái nhà rông để tập đánh chiêng...

Để giúp vùng đồng bào DTTS lưu giữ được tiếng cồng chiêng, các cấp chính quyền, ngành văn hóa của tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp. Trong đó, tổ chức các hoạt động văn hóa để đồng bào tôn tạo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Ngoài ra, các cấp, ngành văn hóa, chính quyền cũng mua cồng chiêng để tặng các làng. Qua đó, giúp người dân duy trì, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, tránh “chảy máu cồng chiêng”.

Qua thời gian, từng đội chiêng lớn nhỏ, từ già đến trẻ kể cả đội chiêng nữ được ra đời. Các đội chiêng thường xuyên được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như đội chiêng làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro), đội chiêng làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang), đội chiêng làng Quen (xã Ia Me, huyện Chư Prông), đội chiêng buôn Broăi (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa)…

Hiện nay, trong 1.192 làng đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng. Trong đó dân tộc Jrai có 3.373 bộ, dân tộc Bahnar có 2.282 bộ và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm.

Số lượng làng có cồng chiêng trong tổng số làng đồng bào DTTS toàn tỉnh là 948/1.192 làng chiếm 79,5%. Trong đó, huyện Ia Grai còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất với 1.116 bộ, trong đó có 353 bộ cồng chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có khoảng 900 nghệ nhân giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông Tin TP Pleiku cho biết, bên cạnh việc tổ chức các lễ hội giao lưu văn hóa, hàng năm đơn vị còn mua các bộ chiêng để tặng dân làng. Qua đó, giúp người dân duy trì, phát triển nét văn hóa dân tộc và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Còn theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh Gia Lai trong 15 năm qua, kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” địa phương đã thực hiện nghiêm túc các cam kết.

Qua đó, duy trì tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn, vinh danh nghệ nhân cồng chiêng. Ngoài ra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học nhằm tiếp tục duy trì không gian văn hóa cồng chiêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ