Chuyện về 3 người phụ nữ nổi tiếng dạy bậc đế vương

Sử Việt từng xuất hiện những người mẹ tài đức vẹn toàn. Dù sống cảnh "lầu son gác tía", họ vẫn không quên bổn phận của mình, nuôi dạy con thành bậc đế vương tài giỏi.

Nguyên phi Ỷ Lan - người mẹ giúp vua Lý Nhân Tông trị nước. Ảnh: VOV.
Nguyên phi Ỷ Lan - người mẹ giúp vua Lý Nhân Tông trị nước. Ảnh: VOV.

Trong số những người mẹ nổi tiếng của các bậc đế vương thời phong kiến, Nguyên phi Ỷ Lan - mẹ vua Lý Nhân Tông, Vũ phi - mẹ của Chiêu Văn Vương Trần Nhận Duật và Hoàng thái hậu Từ Dũ - mẹ vua Tự Đức triều Nguyễn là những người nổi tiếng bậc nhất.

Người mẹ dạy Lý Nhân Tông làm vua tốt

Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của nhà Lý, trị vì đất nước tới 56 năm (1072-1128). Dù lên ngôi khi mới chỉ 6 tuổi, ông đã xây dựng được triều đại hưng thịnh, thái bình.

Thành công của vua Lý Nhân Tông nổi lên vai trò to lớn của mẹ ông, tức Nguyên phi Ỷ Lan. Bà đã buông rèm nhiếp chính suốt 10 năm đầu thời gian ông trị vì. Chính Nguyên phi Ỷ Lan dạy cho Lý Nhân Tông những bài học đầu tiên về đạo trị nước.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trước khi được Lý Thánh Tông đưa vào cung, Nguyên phi Ỷ Lan (?-1117) xuất thân từ cô gái nông dân. Sau khi vào cung, bà mới học các lễ nghĩa chốn cung đình và đạo trị nước.

Chẳng bao lâu sau, bà trở thành vương phi hiểu biết, tài năng. Dưới thời trị vì của Lý Thánh Tông, bà có tới 2 lần buông rèm thay vua trị nước.

Sau khi vua Lý Thánh Tông qua đời, để bảo vệ bình yên cho xã tắc, quyền lực họ Lý, Nguyên phi Ỷ Lan lại tiếp tục buông rèm nhiếp chính, cùng con trị nước, khi Lý Nhân Tông còn quá nhỏ.

Trong 10 năm nhiếp chính của bà, nhiều quyết định lịch sử được đưa ra, như cho mở khoa thi Nho học đầu tiên vào năm 1075, dựng trường Quốc Tử Giám năm 1077…, cùng nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đưa lại cuộc sống thái bình, thịnh vượng.

Trần Nhật Duật và người mẹ huyền thoại

Trần Nhật Duật là một trong những vị vương nổi tiếng nhất của nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) và lần ba (1287-1288), ông lập rất nhiều chiến công.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép Trần Nhật Duật là người độ lượng, nhã nhặn, thông hiểu kinh điển, giỏi âm luật. Ông đặc biệt giỏi ngoại ngữ. Vua Trần từng nói "ông là hiện thân của các bộ tộc man di". Nhờ giỏi ngoại ngữ, Trần Nhật Duật từng tay không thu phục được đạo quân nổi loạn của Trịnh Giác Mật ở Đà Giang.

Trong bước đường thành công của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, sử sách ghi chép về vai trò của người mẹ đã trực tiếp nuôi dạy ông thành tài.

Theo sách Kể chuyện chốn hậu cung, mẹ Trần Nhật Duật là Vũ Thị Vượng. Trong một lần vua Trần Thái Tông đi tuần du qua đạo Sơn Nam, phủ Thiên Trường, xa giá dừng lại nghỉ ở làng Miễu, vua đã gặp Vũ Thị Vượng - cô gái nhan sắc, giỏi nghề canh cửi, chăm việc đồng ruộng.

Vua đã rước vào cung, lập làm cung phi thứ năm, ban hiệu là Vũ phi. Năm Ất Mão (1255), bà sinh hạ con trai, dung mạo khác thường. Vua Trấn Thái Tông đặt tên con là Nhật Duật, phong làm Chiêu Văn Vương.

Trần Nhật Duật sớm bộc lộ trí tuệ hơn người. Biết con mình có tố chất, Vũ phi dồn sức để nuôi dạy thành tài.

Nhờ sự quan tâm, dạy dỗ của mẹ, Trần Nhật Duật nổi tiếng là "hoàng tử hiếu học, tham thích hiểu biết", lớn lên trở thành người thông minh, nhã nhặn, đa tài, đủ cầm kỳ thi họa, cùng triều đình nhà Trần lập nên những chiến công lừng lẫy.

Hoàng thái hậu Từ Dũ dạy vua Tự Đức

Hoàng thái hậu Từ Dũ (Tự Dụ) tên thật Phạm Thị Hằng (1810-1902), sinh tại làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định.

Bà nổi tiếng là người đoan chính, nhã nhặn, đức độ, vừa là mẹ, vừa là người nuôi nấng, dạy bảo vua Tự Đức trong suốt cuộc đời.

Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, tuy chủ trương không xen vào việc triều chính, bà Từ Dũ luôn ở bên con để bảo ban, khuyên nhủ đạo lý làm vua.

Bà thường nhắc nhở vua Tự Đức phải cân nhắc, soi xét thật kỹ càng, khi bổ dụng các quan lại "phải dùng những ông quan thanh liêm, có lòng nhân nghĩa để lương dân bớt khổ".

Trong cuộc sống hàng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa, thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa phương.

Đáp lại ân tình của mẹ, Tự Đức cũng là vị vua nổi tiếng có hiếu. Trong suốt thời gian trị vì, ông nghị triều bàn bạc việc nước với quần thần vào ngày lẻ, ngày chẵn vào chầu thái hậu.

Chính vì những đức tính tốt cũng như sự giáo dưỡng nghiêm khắc dành cho vua Tự Đức, bà rất được vua rất coi trọng. Những lời mẹ dạy đều được nhà vua ghi vào sách Từ huấn lục.

Nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ, Tự Đức trở thành ông vua rất siêng năng của triều Nguyễn. Cả đời ông không rơi vào thói ăn chơi xa xỉ như nhiều hoàng đế khác.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...