Cháu nội nhà văn Kim Lân viết sách

GD&TĐ - Hít thở bầu không khí nghệ thuật từ tấm bé với nhiều trang sách của ông nội – nhà văn Kim Lân, những vở diễn cải lương của ông ngoại – nhà văn Hoàng Công Khanh, toan vẽ bút lông của bố mẹ và các bác là những họa sĩ tài danh, nhưng dường như những dấu mốc về công việc, về đam mê của cô không có chuyện viết lách. Rồi bỗng một ngày, thấy một thông báo: Nguyễn Hiền Trang tham gia viết sách! 

Nguyễn Hiền Trang
Nguyễn Hiền Trang

Hỏi chuyện Trang, cô chia sẻ: Thực ra tôi viết cho người khác nhiều rồi, nhưng viết về mình thì là lần đầu tiên, càng viết lại càng thấy hứng thú!

Tò mò “bóc” chuyện những chú mèo 87 tưng tửng, mải chơi

Được biết bạn góp mặt trong “1987” – cuốn sách sẽ ra mắt vào 11/11/2017, được giới thiệu kể hơn 30 câu chuyện xảy ra trong 30 năm qua, dưới góc nhìn của "thế hệ giao thời". Bạn có thể cho biết rõ hơn giao thời ở đây là như thế nào không? Và vì sao bạn nhận lời góp mặt trong cuốn sách này?

Thú thật là tôi bị đòn không ít lần vì trốn đi chơi Internet, nhưng vẫn không chừa. Tôi còn viết hẳn một bức thư để phân tích cho mẹ mình những cái lợi mà Internet mang lại. Sự kiện “giao thời” ấy thực sự đã thay đổi thế giới quan của chúng tôi, những đứa trẻ 1987 mãi mãi.
Nguyễn Hiền Trang

Năm 1987 có thể coi là một thời điểm giao thời. Chúng ta đều biết, ở Việt Nam, thời bao cấp kết thúc vào cuối năm 1986, nhưng đó là trên giấy tờ. Thực tế là những thay đổi “giao thời” này bắt đầu diễn ra và rõ nét từ năm 1987.

Bên cạnh đó, những đứa trẻ 87 cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi một khoảnh khắc “giao thời” đáng nhớ khác: Năm 2000, khi Internet công cộng bắt đầu xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Tôi biết, không chỉ riêng thế hệ 1987 mà tất cả chúng ta đều trải qua giai đoạn đó.

Nhưng ở thời điểm 2000 ấy, chúng tôi đón nhận những đổi thay với tâm thế của một đứa trẻ lớp bảy. Thử nghĩ mà xem, khi bạn bắt đầu bước chân vào và tìm hiểu về thế giới, thì cùng lúc, thế giới lại mở ra, rộng lớn nhường ấy, với biết bao nhiều điều thú vị, chỉ từ một chiếc màn hình.

Cũng phải thừa nhận, lúc đó  chúng tôi cũng rất…rảnh nữa (cười), có rất nhiều thời gian để khám phá những gì mà Internet đang mở ra trước mắt, ít nhất là nhiều hơn những anh chị 7X lúc đó đã phải đi làm và bươn chải với cuộc đời rồi.

Tôi còn nhớ như in những năm 2000, tôi đã hào hứng đến thế nào khi mở máy tính ra và đăng nhập vào những phòng chat, gặp gỡ những con người thật với những cái nick ảo sáng đèn, hay tải lời những bài hát mình yêu thích về để chép lại, ngâm nga theo.

Nói về chuyện góp mặt trong cuốn sách này, tôi cho đó là một cái duyên. Khi Nguyên Minh Ngọc, chủ biên của cuốn sách đăng tải một đoạn mà anh ấy viết trong sách trên Facebook, một người bạn chung của cả hai đã vào bình luận vui rằng, nên rủ cả tôi, vì tôi “nhớ lâu” (nhưng không thù dai nhé, cười). Ngọc đọc bình luận đó và quyết định rủ tôi tham gia.

Lúc đầu khi nghe Ngọc chia sẻ, tôi tính từ chối. Một phần vì tôi cho rằng, cuộc đời mình cũng… nhạt, cũng có thời điểm khác biệt một chút nhưng những chủ đề tương tự lại có bạn khác chọn viết rồi. Phần khác, tôi hoài nghi về việc những “mảnh ghép” khác biệt có thể lắp chung vào thành một “bức tranh toàn cảnh” của cả thế hệ.

Nhưng phải công nhận, Ngọc là người rất biết truyền cảm hứng. Anh ấy chỉ nói đơn giản: “Ai chẳng có chuyện để kể!”. Cũng đúng, ai cũng có câu chuyện của riêng mình. Lâu nay, tôi luôn nghĩ quá nhiều, nên có lúc đã bỏ lỡ cơ hội. Lần này, tôi đã nghĩ: “Thôi cứ làm hồn nhiên như một đứa trẻ, gạt những hoài nghi sang một bên!”

Cô gái viết sách tự sự: Tôi cảm nhận rõ nét một điểm chung của những đứa trẻ 1987, ấy là những “con mèo” có phần mơ mộng!
Cô gái viết sách tự sự: Tôi cảm nhận rõ nét một điểm chung của những đứa trẻ 1987, ấy là những “con mèo” có phần mơ mộng!

- Đúng như bạn nói, để kể về mình, có lẽ ai cũng có thể kể được một câu chuyện nào đó. Nhưng để ghép các mảnh cuộc đời, ghép các câu chuyện để dựng nên một thế hệ 1987 mà không lẫn với thế hệ 1986 hay 1988 thì có lẽ không hề đơn giản. Bạn nghĩ sao về điều này?

Đúng là ai cũng có thể kể được một câu chuyện nào đó về cuộc đời mình, nhưng để ghép vào và dựng nên một thế hệ 87 không trộn lẫn rất khó.

Đánh giá một cách khách quan, tôi thấy ở một số chương, “1987” làm được điều này, số khác thì không. Nhưng đó cũng là một cái hay. Ở “1987”, tôi vẫn thấy có những dấu ấn đặc trưng của một thế hệ. Tôi cảm nhận rõ nét một điểm chung của những đứa trẻ 1987, ấy là những “con mèo” có phần mơ mộng.

Anh Chánh Văn Đoàn Công Lê Huy có viết lời tựa về những trang sách của chúng tôi, rằng chúng tôi “cương quyết không nói chuyện chính trị”, cá nhân tôi thấy đúng. Đó là một cái chất rất tửng tưng, hồn nhiên của những “con mèo” 87. Bạn sẽ thấy chúng khá rõ trong cuốn sách này.

Nhưng ở “1987”, bạn cũng sẽ thấy những mảng màu ký ức chung, những sự kiện mà cả thế hệ 86, 88 cũng từng trải nghiệm - sự hòa trộn của thế hệ 198x nói chung. Và tôi tin đó là lý do vì sao “1987” sẽ tìm được sự đồng cảm của nhiều thế hệ. Các bạn sẽ thấy những năm tháng cuộc đời đã qua, từ lăng kính của chúng tôi, nhưng các bạn cũng sẽ không thấy xa vời, lạc lõng giữa những trang sách ấy. Tôi tin thế.

"1987" tổ chức buổi ra mắt sách tại Hà Nội vào ngày 11/11, tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18/11.
"1987" tổ chức buổi ra mắt sách tại Hà Nội vào ngày 11/11, tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18/11.

1987 – Sách hấp dẫn, “câu khách” mà vẫn nhân văn!

- Nếu nghĩ việc ra mắt sách 1987 như là một kỷ niệm ghi dấu cho tuổi 30 thì nó dường như lại mâu thuẫn với việc ra mắt sách có những chuyện thâm cung bí sử, hấp dẫn giật gân để bán, mang mục đích thương mại, kéo theo đó sẽ ít nhiều tác động đến những câu chuyện kể trong đó. Cá nhân bạn nghĩ sao về điều này?

Ý tưởng ban đầu của “1987” đã là góp nhặt những câu chuyện gắn liền với các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người, và vì vậy, không thể tránh khỏi những câu chuyện mà bạn gọi là “thâm cung bí sử” được rồi. Tôi nghĩ những câu chuyện mà bạn gọi là hấp dẫn, mang mục đích thương mại được đưa vào trong sách một cách khá tự nhiên, gần gũi. Bạn sẽ bật cười vì nhớ lại chính hình ảnh của mình thời xưa khi đọc sách, rằng hóa ra hồi xưa cuộc đời mình cũng… “giật gân” đấy chứ!

Tôi hy vọng độc giả cũng sẽ thấy như vậy. Đôi khi chúng ta đang “đánh đồng” hấp dẫn với “rẻ tiền”. Sẽ rất tệ nếu một cuốn sách chỉ hấp dẫn, câu khách mà không có chút giá trị nghệ thuật, nhân văn, không khơi gợi được một tí cảm xúc nào. Nhưng nếu những trang sách ấy lôi cuốn bạn, mang tới cho bạn những câu chuyện thực sự thu hút, và không khiến bạn vừa đọc vừa ngáp, thậm chí bạn “soi” thấy chính mình trong đó thì sao?

Tôi tin rằng, bạn và các độc giả khác sẽ cho chúng tôi câu trả lời chính xác nhất sau khi đọc hết cuốn sách.

Nguyễn Hiền Trang hạnh phúc bên gia đình với bố, mẹ, chồng và con trai Hạ Vũ
Nguyễn Hiền Trang hạnh phúc bên gia đình với bố, mẹ, chồng và con trai Hạ Vũ

- Tò mò không biết bạn đã kể gì về mình trong cuốn sách? Với bạn, việc lựa chọn gì để kể cho độc giả có gì khó khăn không? Điều bạn muốn gửi gắm trong câu chuyện này là gì?

Thú thật là khi gặp bạn Ngọc, chủ biên, tôi đã nghĩ mình kể những câu chuyện khác nữa, về những thời điểm thú vị hơn của cuộc đời nữa kia. Nhưng khi ấy, nhiều chủ đề hay ho đã được các bạn khác chọn rồi (cười)!

Sau khi nghĩ thật kỹ, tôi quyết định kể về hai dấu mốc khác trong cuộc đời mình, một thời điểm rơi vào năm cấp 2, và một mốc khác khá gần với hiện tại. Tôi cũng không ngờ khi đặt bút viết, tôi lại thấy hứng thú như thế, dù đó không phải chủ đề tôi tâm đắc nhất. Tuy nhiên, cuốn sách này được soạn dưới dạng “nặc danh”. Tức là dưới mỗi chương không ký tên tác giả. Vì vậy, các bạn hãy thử đọc, và đoán xem câu chuyện nào là của tôi nhé!

Chỉ bật mí là trong số đó, có một câu chuyện tôi dành riêng như một món quà để tặng con trai mình, Hạ Vũ, để sau này lớn lên bé có thể đọc được và biết được năm 30 tuổi mẹ mình đã như thế đấy! Qua hai câu chuyện mình kể, tôi cũng muốn thấy mình đang “sống”, “sống” thực sự chứ không chỉ là hít thở không khí hàng ngày.

- Sinh năm 1987, năm nay các bạn tròn 30 tuổi. Nếu được nói về thành công của mình, bạn sẽ nói về điều gì? Có điều nào khiến bạn hối tiếc nhất, muốn làm lại không?

Tôi không muốn tự nói quá nhiều về thành công của mình, nhất là khi những thành công của bản thân cũng chưa thể so sánh được với nhiều người khác. 30 tuổi là thời điểm người ta thường nghĩ nhiều, và hoài niệm nữa. Có thời điểm, tôi đã khá “khủng hoảng”, và thấy mình không giống với hình ảnh mà mình mong muốn nhiều năm về trước, nhưng hối tiếc thì không.

30 tuổi, ta nghĩ mình… già, nhưng khi 40, chắc ta sẽ chỉ còn nhớ lại dấu mốc ấy như một bước chuyển mà thôi. Vậy nên tôi cố gắng nhìn lại mọi thứ với tâm thế an nhiên, nhớ về những gì tốt đẹp. Thi thoảng hoài niệm thì cũng hơi buồn man mác, rồi lại thôi. Hối tiếc làm gì, ta còn một cuộc đời phía trước để làm tiếp những gì mình chưa làm được mà.

Nguyễn Hiền Trang bên các tác phẩm của ông nội tại Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân tại khu Văn Chỉ, làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh)
Nguyễn Hiền Trang bên các tác phẩm của ông nội tại Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân tại khu Văn Chỉ, làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh)

Tôi từng sợ người ta khen vì tôi là cháu của các ông tôi

- Được biết bạn là cháu nội nhà văn Kim Lân, cháu ngoại nhà văn Hoàng Công Khanh. Khi cầm bút viết nên một góc trang đời của mình, bạn có nghĩ đến hai người ông nổi tiếng tài hoa của mình?

Hồi xưa, tôi rất hay ngại khi nhắc đến gia đình mình, vì đó là những “cái bóng” quá lớn, không dễ vượt qua. Năm cấp 3, học lớp chuyên Văn, tôi thường hoài nghi khi ai đó khen bài mình viết, vì sợ nghe thấy câu nói “đính kèm” với những lời khen ngợi: “Con nhà nòi”. Tôi sợ người ta khen tôi không phải vì chính tôi, mà vì tôi là cháu của các ông tôi, nên cứ dè dặt mãi.

Sau này, tôi cũng học cách để quen với việc đó. Tôi biết mình ở đâu, và không còn để ý nhiều đến những gì người ta nói, người ta chê hay cả khen nữa. Tôi tự hào vì những người ông của mình và phải cảm ơn cuộc đời đã cho mình sinh ra trong một gia đình như vậy. Tôi nhớ những lần trò chuyện với các ông tôi về một câu thơ, hay một đoạn phim hay, đó là những kỷ niệm vô giá. Tôi nghĩ có lẽ nó cũng phần nào làm nên con người tôi hiện tại, một người vẫn đang cố gắng gắn bó với con chữ, dù là theo một cách khác với các cụ ngày xưa.

"Cá nhân tôi cho rằng, Google chưa chắc đã là thước đo khả năng của mỗi người" - Nguyễn Hiền Trang
"Cá nhân tôi cho rằng, Google chưa chắc đã là thước đo khả năng của mỗi người" - Nguyễn Hiền Trang

- Có nhiều nhân vật thành danh góp mặt trong cuốn sách 1987, gõ tên họ tìm trên google thì sẽ tìm ngay được nhiều thông tin. Còn với cái tên Nguyễn Hiền Trang thì không có gì. Có nhiều cái tên ít người biết đến nhiều như bạn xuất hiện trong sách không? Xin hỏi thật là bạn có bao giờ cảm thấy yếm thế so với những bạn đồng trang lứa khác?

* “1987” quy tụ nhiều cái tên nổi tiếng như Lê Cát Trọng Lý, Elly Trần, hoa hậu Ngô Phương Lan… Không thể phủ nhận, sự góp mặt của họ khiến tác phẩm được chú ý hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác giả là những người không mấy tên tuổi như tôi. Họ là nhân viên marketing, art director, kỹ sư, người kinh doanh mỹ phẩm… Tôi nghĩ có như vậy thì mới làm nên được một diện mạo tương đối toàn diện về một thế hệ được.

Không chỉ 1987, thế hệ nào cũng thế thôi, có những cá nhân xuất sắc, nổi bật về một khía cạnh nào đó, cũng có những người bình thường, những người cố gắng để sống tử tế mỗi ngày, vì làm được như thế cũng đã là khó lắm rồi, không nên tự đặt cho mình quá nhiều áp lực. Cá nhân tôi cho rằng, Google chưa chắc đã là thước đo khả năng của mỗi người.

- Sau lần góp mặt trong cuốn sách nhiều tác giả này, bạn có muốn theo nghiệp viết không?

Nhược điểm của tôi là đam mê quá nhiều thứ, đôi khi nó làm tôi xao lãng và không tập trung được vào một con đường duy nhất. Sau “1987”, tôi cũng suy nghĩ nhiều đến việc theo đuổi nghiệp viết, còn việc thành công hay không thì chỉ có tương lai mới trả lời được thôi. 

- Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Hiền Trang

* Sinh năm 1987

* Thủ khoa “đầu vào” khoa tiếng Italia trường ĐH Hà Nội năm 2005

* Thủ khoa “đầu ra” khoa Giảng dạy Ngôn ngữ và Văn hóa ĐH Perugia (Italia) năm 2009

* Từng trải qua các vị trí:

Giảng viên tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Italy Dante Alighieri Hà Nội, biên tập viên Tạp chí thiếu nhi Cầu Vồng, biên tập viên Du lịch của trang tin điện tử xzone.vn, biên tập viên Thời trang của trang tin điện tử 24h.com.vn

* Hiện là Copywriter tại Bộ phận Content Marketing, Admicro, VCcorp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ