Charles Baudelaire: Cha đẻ của nền thơ ca hiện đại

GD&TĐ - Tháng 7/1857 ở Paris, nhà thơ Charles Baudelaire, tác giả tập thơ “Những bông hoa ác” bị xét xử vì “vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội”.

Nhà thơ Charles Baudelaire.
Nhà thơ Charles Baudelaire.

Hiện, giới văn học ai cũng biết “Những bông hoa ác” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất lịch sử thơ ca Pháp, có ảnh hưởng quan trọng đến nền thơ ca thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Baudelaire (1821 - 2021), xin trân trọng giới thiệu một vài nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.

Tác gia thế giới

Charles Baudelaire được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa “mô-đéc” trong thơ ca, giống như các họa sĩ trường phái ấn tượng trong hội họa.

Nếu không có ảnh hưởng của Baudelaire, thật khó hình dung Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Stéphane Mallarmé - những nhà thơ được mệnh danh là “bị nguyền rủa” của nước Pháp. Thật khó tưởng tượng chủ nghĩa tượng trưng của Nga và châu Âu mà không có Beudelaire.

Và thậm chí rất khó phát hiện ra Maxim Gorky thời kỳ đầu với “Bài ca chim ưng” và “Chim báo bão” nếu không có bài thơ mang tính cương lĩnh “L’Albatros” (Chim hải âu) nổi tiếng nhất của Baudelaire.

Sinh thời, Baudelaire chỉ được biết đến trong giới văn chương hẹp. Hiện, có rất nhiều công trình nghiên cứu về Baudelaire. Ông là đề tài của nhiều luận án tiến sĩ. Mỗi sự kiện trong cuộc đời ngắn ngủi của ông đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, mỗi bài thơ đều được soi xét từng chữ.

Ở Mỹ có một viện nghiên cứu riêng chuyên sưu tầm thư mục về Baudelaire. Năm 2002 tại Pháp, cuốn tự điển về Baudelaire (“Dictionnaire Baudelaire”) của Claude Pichois được xuất bản.

Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ Baudelaire có tầm cỡ lớn khiến ông trở thành một tên tuổi của văn học thế giới. Baudelaire là một nhà phê bình nghệ thuật, một dịch giả, nhưng trước tiên ông là một nhà thơ.

Con riêng của vị tướng

Trong khi đó, tiểu sử của Beaudelaire không quá phong phú, và di sản văn học của ông cũng không lớn lắm. Ông sinh ở Paris năm 1821. Khi bố của ông là François Baudelaire qua đời, Charles mới 6 tuổi. Nhưng trong thời gian này, Charles đã được bố truyền cho tình yêu đối với nghệ thuật.

Một năm sau, mẹ ông tái hôn với tiểu đoàn trưởng Jacques Aupick và gửi ông vào trường nội trú. Nhà thơ tương lai không bao giờ tha thứ cho mẹ vì cuộc hôn nhân ấy. Ông trách bà đã làm tan biến những kỷ niệm của người cha khuất bóng.

Lòng căm ghét người bố dượng ngày càng tăng thêm. Qua người bố dượng, Baudelaire căm ghét cái lý tưởng của giới tư sản. Thêm nữa ông Aupick là một trở ngại cho những gì Baudelaire yêu thích: Người mẹ, thi ca và mơ mộng.

Năm 1836, Baudelaire vào học Trường Louis-le Grand ở Paris, nhưng năm 1839 bị đuổi khỏi trường vì không chịu tố cáo sai phạm của một người bạn. Cùng năm đó ông thi đỗ tú tài ở một trường khác.

Baudelaire ương ngạnh không chịu học luật và bắt đầu xung khắc với bố dượng. Ông lui tới với một nhóm thanh niên say mê văn chương. Ông có những thái độ đầy khiêu khích, đi lại chơi bời với các cô gái “bán hoa” và mắc bệnh giang mai.

Năm 1841, Charles Baudelaire đến tuổi trưởng thành và được quyền thừa kế tài sản do chính bố đẻ để lại. Số tiền kha khá cho phép ông sống phong lưu - tuy nhiên, chẳng được bao lâu.

Năm 1844, không hài lòng với lối sống của Charles và người bạn gái (nữ diễn viên ballet người Haiti có dòng máu lai đen Jeanne Duval), ông bị bố dượng và mẹ thiết lập quyền giám hộ. Kể từ đó, tất cả số tiền đều do mẹ ông quản lý, bà chỉ cho Charles một khoản nhỏ “để tiêu vặt”.

Rơi vào cảnh túng thiếu và nợ nần, Baudelaire sốt sắng kiếm tiền từ những giao dịch tài chính cực kỳ táo bạo (và luôn luôn kết thúc bằng thất bại). Ông viết được chăng hay chớ. Năm 1848, ông tham gia phong trào cách mạng, nhưng nhanh chóng mất hứng thú chính trị. Người ta nói rằng mục đích của Charles là thuyết phục các chiến hữu xử bắn tướng Aupick - bố dượng của mình.

Thời gian này, ông chủ yếu bận rộn với việc chạy trốn vô số chủ nợ. Mặc dù khá nổi tiếng với tư cách một nhà phê bình nhờ các tuyển tập “Salon de 1845” (Phòng triển lãm năm 1845) và “Salon de 1846” (Phòng triển lãm năm 1846), văn học không mang lại hy vọng làm giàu. Những bài thơ ông viết trong giai đoạn 1840 - 1850 về sau được in thành tuyển tập và đã mang lại cho ông cả danh tiếng lẫn tai tiếng về tài chính.

Jeanne Duval - người tình mang dòng máu lai của Charles Baudelaire.

Jeanne Duval - người tình mang dòng máu lai của Charles Baudelaire.

“Những bông hoa ác”

Tác phẩm của Baudelaire gồm nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình, dịch thuật. Nhưng quan trọng nhất và nổi tiếng nhất là thi phẩm “Những bông hoa ác” - (Les Fleurs du Mal). Theo nhận xét của nhà nghiên cứu người Mỹ Barbara Johnson, danh từ mal trong tiếng Pháp còn có nghĩa là “khổ đau”, “buồn nôn” và “u sầu”.

Nhan đề tập thơ là một khám phá rất thú vị, đặc biệt thích hợp với tác phẩm và tác giả, nó giúp người ta liên tưởng đến triết lý sâu xa. “Fleurs du Mal” là bông hoa của tội ác, sự va chạm của hai từ “bông hoa” và “tội ác” làm bật ra một phản đề. Ý nghĩa của nó là cái đẹp được chiết ra từ tội ác. Và tội ác cũng có nghĩa là đau khổ.

Mặc dù trên bình diện triết học, hai từ này được liên kết với nhau, nhưng sự mập mờ của chúng dẫn đến hai loại hình tượng: Những bông hoa được hái trên cánh đồng của đau khổ, hay sự hài lòng đối với tội ác vì nó có một khả năng thẩm mỹ phong phú.

Tháng 5/1857, “Những bông hoa ác” được xuất bản với số lượng 500 cuốn. Ngày 7/7/1857, tác giả và nhà xuất bản Auguste Poulet - Malassis bị truy tố vì tội “xúc phạm đến đạo đức tu hành” và “thuần phong mỹ tục”.

Đến ngày 20/8, cả hai đều bị phạt tiền, và sáu bài thơ “tục tĩu” nhất của ông bị cắt bỏ khỏi cuốn sách.  Lúc bấy giờ Baudelaire phải nhờ đến hoa hậu Eugenie (người nổi tiếng là nhà bảo trợ nghệ thuật), để giảm mức tiền phạt từ 300 franc xuống còn 50 franc.

Ngay lập tức Baudelaire trở nên nổi tiếng, nhưng vẫn nghèo như trước, mặc dù chỉ một số ít người may mắn kịp mua tập thơ của ông mới có thể đọc được những bài thơ bị cấm.

Sau khi bị tòa án xử, bệnh tình của nhà thơ ngày càng trầm trọng, ông bắt đầu nghiện rượu và thuốc. Năm 1866, sau một cơn đột quỵ nặng, ông bị liệt và mất khả năng nói, trí tuệ dần suy giảm. Hai năm cuối đời, Baudelaire sống trong bệnh viện tâm thần và qua đời vào ngày 31/8/1867 ở tuổi 46.

Nhà thơ được mai tháng tại nghĩa trang Montparnasse trong cùng ngôi mộ với bố dượng Jacques Aupick và mẹ mình. Điều lạ là tên ông không được khắc trên bia mộ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ