Câu chuyện bản quyền: Bao giờ hết nóng?

GD&TĐ - Câu chuyện vi phạm bản quyền nhiều năm trở lại đây đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc với những tác giả, chủ sở hữu. Dù các cơ quan quản lý đã ban hành các quy định và các chế tài xử phạt nhưng dường như “cuộc chiến” với những vi phạm bản quyền đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.  

Câu chuyện bản quyền: Bao giờ hết nóng?

Tràn lan vi phạm

Hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong tất cả lĩnh vực như truyền hình, điện ảnh, âm nhạc... diễn ra một cách công khai và trắng trợn ở mức báo động. Điển hình như hàng loạt tác phẩm điện ảnh như: Em chưa 18, Siêu nhân X, Lửa Phật, Ma dai… đang chiếu rạp lại bị khán giả quay lén và phát trực tiếp trên Facebook một lần nữa làm nóng dư luận về việc phát tán phim trên mạng.

Mặc dù hiện tại, nhiều nhà sản xuất đã yêu cầu các đơn vị phát hành tăng cường lực lượng nhân viên giám sát khách tại các rạp, tránh chuyện quay lén, tuy nhiên với các thủ đoạn ngày càng ranh mãnh cộng với các thiết bị ghi hình hiện đại, xem ra chuyện nhà sản xuất và đơn vị phát hành “tự cứu mình” trong vấn nạn xâm hại bản quyền đang vô cùng cực khổ và khó khăn.

Không chỉ có phim chiếu rạp bị quay lén mà thực tế còn diễn ra tình trạng đạo nhạc, phát hành sách lậu tràn lan. Thói quen nghe, tải nhạc, phim miễn phí đang là những vấn đề nhức nhối cho thấy văn hóa nghe, nhìn thưởng thức của một bộ phận người dân đang bị xuống cấp.

Nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà đã từng phải lên tiếng gay gắt vì ca sĩ Phạm Hồng Phước sử dụng phần thơ của chị cho bài hát Khi chúng ta già nhưng không xin phép, thậm chí không đề tên tác giả thơ. Mọi chuyện phải đến khi chị lên tiếng trên trang cá nhân thì Hồng Phước mới thừa nhận và xin lỗi.

Thời đại của Internet phát triển, mọi thứ đều dễ dàng chia sẻ, copy… câu chuyện tác quyền lại càng trở nên bức thiết. Trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo hộ quyền tác giả nhằm bảo vệ những thành quả lao động từ sự sáng tạo của các cá nhân và đơn vị. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau như người dùng vẫn còn tâm lý sử dụng miễn phí chứ không có thói quen phải trả tiền khi sử dụng thành quả lao động sáng tạo của người khác cho nên kết quả thực thi luật vẫn chưa được như mong muốn. Ngoài ra, nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu các quy định về quyền tác giả nên việc xâm phạm vẫn cứ diễn ra.

Quan trọng là ý thức

Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức trong khi nhà sản xuất chương trình bị thiệt hại hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng khi bị “xài chùa”. Hành vi xâm phạm quyền tác giả đang ngày càng lộng hành một cách trắng trợn, gây thiệt hại nặng nề không chỉ về giá trị kinh tế mà còn là tinh thần của người sáng tạo ra tác phẩm.

Trong những năm gần đây, hầu như năm nào cũng có một hội thảo nói về vấn đề bản quyền tác giả. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là những bức xúc đặt lên bàn giấy với những lời tha thiết mong đợi cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, sẽ có chế tài xử phạt xứng đáng… nhưng khi cơ sở pháp lý còn đang buông lỏng những quyền thuộc về quyền sáng tạo, quyền nhân thân, quyền sở hữu và các quyền liên quan, thì sự vi phạm thật khó để có thể kiểm soát, phân định hay xử lý triệt để.

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, ngoài quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quan trọng nhất là chúng ta phải tạo được nhận thức trong xã hội. Nếu chỉ có ý chí từ cơ quan quản lý Nhà nước mà công chúng không có cùng nhận thức thì khó tạo được tư duy mới trong bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Do đó, cần có chiến dịch tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, Sở VH-TT&DL, Sở VH&TT các địa phương, chủ sở hữu bản quyền để ngăn chặn những hành vi xâm phạm bản quyền, kiên quyết xử lý, làm trong sạch môi trường trực tuyến, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và chủ sở hữu bản quyền…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ