Cảm xúc tháng 10

GD&TĐ - Đã 65 năm trôi qua nhưng âm vang Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) vẫn còn vọng mãi. Đó là bản hòa ca, hùng ca của những đoàn quân tiến về năm cửa ô như năm cánh sao vàng giữa những rừng hoa, rừng cờ với bao gương mặt hân hoan, bao vòng tay thân thiết.  

Đoàn quân Bộ đội cụ Hồ tiến về Hà Nội
Đoàn quân Bộ đội cụ Hồ tiến về Hà Nội

Hà Nội - Nơi lắng hồn thiêng sông núi

Từ mùa thu năm 1010, nhà vua Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “Rồng cuộn, Hổ ngồi” từ bờ con sông Hồng làm kinh đô của nước Đại Việt. Và nhà vua đặt tên gọi Thăng Long thêm điềm lành rồng vàng bay lên.

Đây không phải là vùng đất mới lạ mà chính là sự “trở về” với cội nguồn, về vùng đất in đậm chiến công từ Thánh Gióng đánh giặc Ân, đến Ngô Quyền người anh hùng đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc đống đô tại Cổ Loa mở ra thiên niên kỷ mới.

Hà Nội là nơi lắng hồn thiêng sông núi ngàn năm được Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn làm Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang vọng lại lời dặn dò thân thiết của Bác Hồ với đồng bào Hà Nội: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa, nhưng lòng Chính phủ vẫn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình được thắng lợi. Chính phủ ta lại trở về với Thủ đô với đồng bào, muôn dặm một nhà vui mừng khôn xiết”.

Âm vang khải hoàn ca

Chúng ta vẫn còn nghe âm vang những giây phút tháng ngày cảm động ấy. Nhà thơ Tố Hữu đã trào lên cảm xúc: “Giữa Thủ đô – Cụ Hồ về - Bộ đội – Tiến vào năm cửa ô – Về đến đây rồi Hà Nội ơi – Người đi kháng chiến tám năm trời – Hôm nay về lại đây Hà Nội – Ràn rụa vui lên nước mắt cười”.

Với “Cảm xúc tháng 10” nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên đã diễn tả trào dâng mênh mông lan tỏa lại thắm thiết cận cảnh những hình ảnh xúc động ngàn năm có một với bao đợi chờ thương nhớ. Phút giây 36 phố phường trẻ lại, những ngả đường trẻ lại hồi sinh, phồn sinh với sức gió của dân tộc và thời đại. Nhà thơ viết: “Không thể nói trời không trong hơn - Và mắt em xanh khác ngày thường – Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy – Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Và đây, thân thiết, xúc động biết bao, tự hào biết bao hòa trong “Cảm xúc tháng 10” với hình ảnh: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt – Xốn xang mẹ thầm gọi các con - Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ - Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn…”.

Cùng hòa chung trong bài ca âm vang khải hoàn ấy, chúng ta lại nhớ đến bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao viết từ năm 1949. Với sự nhạy cảm trực giác của một nghệ sĩ, lúc đó ông cũng là chiến sĩ của Hội Văn hóa cứu quốc, Văn Cao đã tiên đoán cảnh tượng 5 năm sau với một khí thế: “Trùng trùng quân đi như sóng – Lớp lớp đoàn quân tiến về - Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng – Cờ ngày nào tung bay trên phố”.

Để có một ngày đại quân chiến thắng trở về Hà Nội, những người lính Thủ đô đã từng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong mùa đông năm 1946. Vẫn còn in dấu hình ảnh người chiến sĩ áo trấn thủ, mũ ca lô tay lăm lăm bom ba càng đã giành giật với từng góc nhà, ngõ phố. Sau 2 tháng cầm chân quân giặc trước khi lên chiến khu vẫn giữ niềm tin sắt son ngày trở lại Thủ đô mà nhà thơ Tạ Hữu Yên đã viết: “Đêm, cái đêm rút qua gần cầu – Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại – Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi – Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”.

Cũng trong những ngày máu lửa ấy, những người lính của Trung đoàn Thủ đô ra đi vẫn mang canh cánh trong lòng nỗi nhớ một Hà Nội yêu dấu. Nhà thơ Hoài Anh, người chiến sĩ của đoàn quân ấy đã từng da diết: “Ta mang 36 phố phường đi kháng chiến – Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô” (Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến).

Trở về Hà Nội trong ngày vui chiến thắng, lòng người lính không yên khi nhớ về những đồng đội thân yêu đã nằm lại chiến trường. Và chiến thắng hôm nay có bao xương máu hy sinh của những người vắng mặt trong thơ Nguyễn Đình Thi: “Nằm lại những chân rừng đầu núi – Hôm nay bao đồng đội đâu rồi”. Ôi, có chiến thắng nào mà không trải qua bao mất mát.

Trong bước chân rầm rập của bước quân hành hôm nay có cả bước chân những người đã mất: Bước chân qua những cánh rừng sốt rét qua ngổn ngang chiến hào Điện Biên Phủ mà các anh: “Lấy thân mình đo từng thước đất”; Qua những chiến dịch những đêm đốt đuốc đường rừng của những đoàn dân công hỏa tuyến. Cả nước chung sức đánh giặc.

Cả nước hướng về Hà Nội để có một ngày: “Nước Việt Nam từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Cũng chính người thi sĩ này hơn chín năm về trước đã sáng tác bài hát bất hủ “Người Hà Nội” với bao khí phách mang cả sức mạnh lịch sử ngàn năm khẳng định một thế đứng Hà Nội: “Đây Hồ Gươm – Hồng Hà - Hồ Tây – Đây lắng hồn núi sông ngàn năm – Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội..”. Ôi, “Người Hà Nội” – Con người mà: “Chẳng thanh cũng thể hoa Nhài – Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An”.

Hào khí Thăng Long

Thủ đô chính là nơi đại diện cho nền văn hóa của một quốc gia, là nơi hội tụ tinh hoa của một dân tộc, một đất nước. Thì đây ngày 10/10/1954 chính là một dấu mốc son chói lọi trong lịch sử huy hoàng của Thủ đô. Ngày này cũng trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô, đánh dấu một bước ngoặt to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang của lịch sử Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi đế quốc thực dân.

Từ đây hào khí Thăng Long lại mở ra những trang mới không chỉ xây dựng mà còn bảo vệ Thủ đô qua 12 ngày đêm với một “Điện Biên Phủ trên không”. Những con rồng lửa cất cánh bay lên từ bệ phóng của Thủ đô văn hiến, Thủ đô của hòa bình bắn cháy pháo đài bay B52 của giặc Mỹ…

Hà Nội ơi! 65 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô, khuôn mặt phố phường đã có bao đổi thay, 65 năm gần bằng tuổi cả một đời người. Nhưng âm vang những ngày giải phóng thủ đô vẫn còn mới mẻ rạo rực, hân hoan, hào hứng không chỉ trong những bản nhạc thước phim mà còn trông cả bao ký ức con người.

Những ký ức mà bao giờ cũng được khơi dậy từ âm điệu da diết của tâm hồn, của âm hưởng cuộc sống mới, hòa chung sắc thanh của thiên nhiên mùa thu Hà Nội. Tất cả cùng ngân vang vọng xa như câu hát thiết tha mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói hộ chúng ta: “Dù có đi bốn phương trời – Lòng vẫn nhớ về Hà Nội – Hà Nội của ta Thủ đô yêu dấu – Một thời đạn bom – Một thời hòa bình...” .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ