Bút Tháp cổ tự và chuyện kể về 4 bảo vật quốc gia - Kỳ 2: Tác giả tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay

GD&TĐ - Đạt được sự hoàn mỹ trác tuyệt, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp từng được vinh danh với giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.

Tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay.
Tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay.

Vì sao giữa ban ngày

Cùng với tượng Phật A Di Đà thời Lý được thờ tại chùa Phật Tích, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay là bức tượng thứ 2 tại Bắc Ninh được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng được thờ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ (Thuận Thành).

Theo sách “Địa chí Hà Bắc” thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278). Đến thế kỷ thứ 17, dưới sự trụ trì của hòa thượng Chuyết Chuyết, chùa ngày càng nổi tiếng. Chùa Bút Tháp là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc sơ khai, là địa chỉ hành hương mà Phật tử khắp nơi tìm về.

Không chỉ mang trong mình sứ mệnh lịch sử, chùa Bút Tháp còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc Phật giáo tiêu biểu. Trong số đó phải kể đến tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, được coi là kiệt tác độc nhất vô nhị, làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng ngôn ngữ tạo hình.

Tượng được đặt trên tòa sen Rồng đội với dáng hành đạo thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ. Đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung.

Tượng Quan Âm hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định. Các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người, được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm ngay sau gáy Phật.

Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay lại hiện một con mắt mi dài và đen, nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Nhìn tổng thể tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm.

Đến nay, trong dân gian vẫn truyền miệng câu chuyện: Ngày thiền sư Minh Hành cử hành nghi lễ hô thần nhập tượng, trời thu trong xanh, xuất hiện những vì sao lấp lánh ban ngày, hương thơm ngạt ngào, trong thinh không nghe như tiếng nhạc du dương. Từ đó, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay trở thành tuyệt phẩm, được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 10/2012.

Vẻ đẹp chùa Bút Tháp.
Vẻ đẹp chùa Bút Tháp.

Tác giả pho tượng

Sau một thời gian dài nghiên cứu, họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Đình Quỳ, nhận định: “Pho tượng nổi tiếng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp chứa đựng nhiều “ẩn ngữ” cùng một triết lý sâu xa”.

Pho tượng còn cho hậu thế biết nhiều nét về quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Việt thời Hậu Lê. Đặc biệt, khi phát hiện ra dòng chữ Hán khắc trên thành bên trái bệ tượng với nội dung: “Nam Đông Văn Thọ Nam - Trương tiên sinh - phụng khắc”.

Qua dòng chữ này, các nhà Hán Nôm tạm dịch: Nam Đông là địa chỉ, Văn Thọ là tên hiệu, Trương là họ, tiên sinh là bậc trí giả, phụng khắc là phụng mệnh trời đất dựng tượng để thờ.

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, thì chữ “phụng khắc” được dịch là khắc theo ý chỉ của nhà vua. Nhưng thông thường thời xưa, nếu phụng mệnh vua mà khắc thì tượng phải để ở kinh đô, trong khi đó pho tượng này lại được thờ ở một ngôi chùa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghi, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khảo sát khoảng 24 văn bia tại chùa Bút Tháp cũng như dụng công khảo cứu gia phả họ Trương lưu giữ tại Viện Hán Nôm nhưng không thu được kết quả.

Khi tìm về làng nghề chạm khắc truyền thống ở Hải Dương cũng không thấy có dòng họ này trong làng. Vậy, phải giải mã dòng chữ này ra sao?

Ông Nghi đặt câu hỏi: Nam Đông có phải là địa danh hành chính thời Lê? Và nếu đúng thì nay thuộc địa phương nào? Điêu khắc gia họ Trương phải chăng làm đến tước Nam (Công, hầu, bá, tử, nam)? Lấy hiệu là Văn thọ?

Cho đến nay, các nhà khoa học chưa biết được Nam Đông là địa danh ở đâu nên chưa có lời giải thỏa đáng. Vì thế, đa số chuyên gia mới chỉ tạm bằng lòng với đáp án: Điêu khắc gia họ Trương, hiệu Văn Thọ, làm đến tước Nam là tác giả của pho tượng Bồ Tát Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp.

Con mắt trong lòng tay Phật có nghĩa thiên hà và nhìn thấu.
Con mắt trong lòng tay Phật có nghĩa thiên hà và nhìn thấu.

Tượng có từ bao giờ?

Còn một hàng chữ Hán nữa khắc trên chính diện thành bệ tượng, nội dung: “Tuế thứ Bính Thân niên thu nguyệt cốc nhật doanh tạo” cho biết pho tượng được hoàn thành vào ngày lành, tháng mùa thu năm Bính Thân. Vậy, năm Bính Thân cụ thể là năm nào?

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Năm 1647, Trương tiên sinh được mời làm tượng Phật ở chùa Bút Tháp. Kiến trúc chùa Bút Tháp cơ bản hoàn thành. Năm 1656, Trương tiên sinh hoàn thành tác phẩm tượng Quan Âm”.

Tiến sĩ lịch sử Bùi Tiến cho biết: “Dựa vào những nét nghệ thuật tương đồng với các bộ phận khác trong chùa, rõ nét hơn cả là rồng và cá giống hình tượng trên tháp Báo Nghiêm nên đa số các nhà nghiên cứu đều đồng ý niên đại của pho tượng là năm 1656”.

Để có thêm cơ sở khẳng định niên đại pho tượng cổ, các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào niên đại bức hoành phi “Sắc kiến – Ninh Phúc thiền tự” năm Dương Hòa thứ 8 đời vua Lê Thần Tông (1642). Được biết, đây là bằng chứng chùa Ninh Phúc được ban sắc lệnh xây dựng, tôn tạo từ năm này.

Hắc Long tượng trưng cho cái ác.
Hắc Long tượng trưng cho cái ác.

“Thậm chí, chùa được trùng tu xong vào năm 1642 – 1643, tức hai năm trước khi Chuyết Công (trụ trì đời thứ hai chùa Ninh Phúc – PV) viên tịch. Như vậy, những năm Bính Thân phải là trước năm 1647”, ông Nghi nêu giả thiết.

PGS.TS Đàm Chí Từ từng cho rằng, Ninh Phúc tự từng được trùng tu khoảng năm 1634 – 1635 và có thể, Thượng điện – Tam bảo được hoàn thành trước để Chuyết Công trụ trì hoằng pháp.

Lập luận này được nhiều chuyên gia tán thành vì niên đại ghi trên bức hoành phi “Ngự chế - đại phùng bảo điện” năm 1642. Sau khi Chuyết Công viên tịch thì sư Minh Hành được truyền y bát, bà Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được trao chức Đạo trường mẫu.

“Như vậy, những năm Bính Thân chỉ có thể là sau năm 1646 và khoảng thời gian từ ban “Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự - 1642” đến “Phụng lệnh chỉ - 1646” chỉ là công việc chuẩn bị thiết kế, xây dựng chùa. Vậy, năm Bính Thân 1656 là đáp án cho niên đại hoàn thành pho tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay mà nhà điêu khắc họ Trương đã cung cấp qua hàng chữ Hán”, ông Nghi khẳng định.

Kiệt tác chứa đựng ý nghĩa sâu sắc

Nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Đình Quỳ nhận định: Rất hiếm người nào đó hiểu toàn vẹn ý nghĩa sâu xa và đẹp đẽ của tác phẩm tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Bởi vì ẩn trong đó không chỉ là giá trị hội họa mà còn những nghĩa lý Phật giáo sâu sắc, kỳ ẩn.

Ông Quỳ cho hay, pho tượng được làm theo thế tam tài giả, tức là mối quan hệ tổng hòa thiên - địa - nhân. Vòng tròn phía sau được gắn gần một nghìn bàn tay, trong mỗi bàn tay được khắc một con mắt, đó là biểu tượng của Trời.

Trời theo quan niệm ở đây là vũ trụ thu nhỏ. Trong vũ trụ, cái thiện được biểu tượng ở thế “tam quang giả”, là 3 cái sáng, gồm: Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao. Ở pho tượng này, tác giả cũng đặt mặt Quan Âm vào trung tâm của pho tượng.

Mặt trời là mặt Phật Quan Âm nổi bật, sáng ngời, đầy vẻ từ bi hỉ xả. Mặt trời ở đây được thể hiện là bình minh, những tia sáng chiếu tỏa lên trên chứ không tỏa ngang, ý nói: Cái thiện là thế đang đi lên, có sức mạnh chiến thắng.

Hàng chữ Hán trên thành bệ cho biết niên đại và tác giả tạc pho tượng.
Hàng chữ Hán trên thành bệ cho biết niên đại và tác giả tạc pho tượng.

Mặt trời sáng ngời còn biểu tượng cho trí tuệ đức Phật Quan Âm đi khắp muôn phương xua tan bóng tối. Những kẻ có hành vi ám muội cũng không thể che nổi mắt Phật. Để diễn tả thâm ý, tác giả đã khắc con mắt trong lòng bàn tay biểu tượng cho hàng nghìn vì sao trong thiên hà.

Tất cả con số trên pho tượng đều là số lẻ, hơn 900 bàn tay và hơn 900 con mắt. Tác giả cho rằng số 1.000 là số chẵn, âm, tĩnh, không phát triển. Số lẻ, dương, động và phát triển không ngừng. Điều đó có nghĩa là trong vũ trụ có vô vàn vì sao đang quan sát trần gian.

Con rồng đen dưới tòa sen là Hắc Long dưới Biển Đông, tượng trưng cho cái ác. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ngồi trên tòa sen, cả tòa sen lại đặt trên đầu con rồng đen, tượng trưng cho cái thiện bao giờ cũng ngự trị cái ác, chiến thắng cái đen tối. 

“Tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay có thể xem là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất” - Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.