Bản quyền âm nhạc: Cuộc chiến chưa hồi kết

GD&TĐ - Vụ việc kéo dài 2 năm giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Công ty CP Sky Music đang trở thành tâm điểm khi VCPMC tuyên bố sẽ khởi kiện vì Sky Music “có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản cá nhân”.

Bản quyền âm nhạc là chủ đề nóng bỏng trong thời đại công nghệ số
Bản quyền âm nhạc là chủ đề nóng bỏng trong thời đại công nghệ số

Xâm phạm bản quyền đồng loạt

Từ năm 2016, Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bắt đầu tuyên bố Sky Music có hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là sử dụng số lượng lớn các tác phẩm âm nhạc của những tác giả được VCPMC bảo hộ vào mục đích kinh doanh.

Trong các năm 2017, 2018, VCPMC tổ chức thu thập tài liệu, chứng cứ, đối soát tác phẩm thành viên, làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở kinh doanh, tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được bảo hộ. Tiếp đó, họ cũng làm việc với Sky Music vào tháng 5/2018.

Tháng 10/2018, VCPMC gửi cảnh báo tới Sky Music, sau đó chính thức báo cáo cơ quan chủ quản (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và các cơ quan quản lý Nhà nước về vụ việc và thông báo tới các đối tác. Cho đến thời điểm này, đã có gần 100 nhạc sĩ và 10 tổ chức tập thể quyền tác giả quốc tế đã gửi đơn kiến nghị VCPMC giải quyết vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty Cổ phần Sky Music.

Sau khi được Sky Music cung cấp dữ liệu, qua đối soát, VCPMC phát hiện đơn vị này xâm phạm quyền tác giả của gần 700 nhạc sĩ trong và ngoài nước với khoảng 2.000 tác phẩm.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC khẳng định: “Hành vi của Sky Music là cố ý, rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả. 90% sáng tác của các tác giả trong kho dữ liệu của Sky Music thuộc thẩm quyền bảo vệ của VCPMC”.

Để làm dịu phản ứng của dư luận, đại diện Sky Music đã lên tiếng giải thích, đơn vị này cung cấp bản ghi cho các điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, siêu thị… bằng ứng dụng công nghệ. Các bản phát nhạc đều qua thiết bị phần mềm đo đếm nên số liệu các bài hát được sử dụng bao nhiêu lần đều được lưu giữ.

Cách làm này sẽ giúp chi trả đúng và đủ tiền tác quyền cho các tác giả chứ không bất hợp lý như cách tính khoán như VCPCM yêu cầu áp dụng (trong đó có việc khoán dựa vào diện tích mặt bằng). Sky Music chi trả trực tiếp tiền tác quyền cho nhạc sĩ nào ký trực tiếp với mình hoặc trả thông qua VCPMC nếu như họ ủy quyền cho VCPMC.

Trong các hợp đồng thỏa thuận mua bán các tác phẩm âm nhạc giữa Sky Music với đối tác, Sky Music chỉ ghi chung chung là bản quyền và các quyền liên quan, không nói cụ thể bản quyền tác phẩm gồm những gì và bỏ qua vai trò của VCPMC.

Cần sự minh bạch, văn minh

Tháng 8/2018, sau khi đối soát tất cả các tác phẩm mà Sky Music xâm phạm quyền tác giả, VCPMC đã gửi đếnSky Musicđề nghị thanh toán tiền thù lao cho các nhạc sĩ là khoảng 3,3 tỷ đồng. Trước đó, VCPMC đã yêu cầu đơn vị này xin lỗi công khai đến các tác giả và chấm dứt ngay hành động xâm phạm.

Ách tắc giữa Sky Music và VCPMC là không thống nhất cách tính tiền tác quyền. Sky Music không chấp nhận thanh toán 3,3 tỷ đồng với lý do không đồng ý với cách tính khoán mà VCPMC muốn áp dụng.

“Tố” VCPMC không hợp tác trong việc chi trả tiền tác quyền cho các tác giả, Sky Music cũng “kiện ngược” VCPMC, gửi khiếu nại đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Không thể giải quyết bằng Luật Dân sự, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và nhạc sĩ Phó Đức Phương (nguyên Giám đốc VCPMC) đều khẳng định, VCPMC đã có đủ căn cứ và chứng lý xác định Sky Music xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 20 và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ để khởi kiện hình sự Sky Music. Đây không còn là những sự thương lượng để thỏa thuận về số tiền Sky Music phải trả khi vi phạm bản quyền nữa mà dựa theo các điều luật thì Sky Music có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản cá nhân.

Dư luận càng nóng lên khi mới đây tỷ phú Hoàng Kiều - người Việt tại Mỹ, cháu ruột nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã tuyên bố sẽ kiện Sky Music để đòi quyền tác giả với các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Ông Hoàng Kiều là cháu ruột, đồng thời là chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và đại diện ký hợp đồng uỷ quyền cho VCPMC thay mặt chủ sở hữu thực hiện tất cả các vấn đề liên quan đến Quyền tác giả. Theo văn bản đề nghị của ông Hoàng Kiều, công ty nào sử dụng nhạc Hoàng Thi Thơ mà không xin phép phải trả mức đền bù 150.000 USD mỗi bài.

Không chỉ yêu cầu Sky Music chấm dứt ngay hành vi ăn cắp tài sản của người khác để kinh doanh, tỷ phú Hoàng Kiều đang lựa chọn luật sư đại diện cho ông tiến hành khởi kiện Công ty Sky Music Việt Nam ra toà.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cho rằng: “Vi phạm bản quyền tác giả nếu không có sự thấu hiểu và chung sức, đồng lòng của các cơ quan chức năng trong việc tuân thủ luật pháp và những cam kết quốc tế, thì sẽ đẩy lùi quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.

Để thực thi một cách nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ, cần một chế tài đủ mạnh. Là đại diện tập thể duy nhất tại Việt Nam và là thành viên của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC), chúng tôi kiên quyết bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong mọi tình huống và sẽ làm đến cùng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ