 |
Hình minh họa tấm gương thiêng Yata no Kagami. Ảnh: BBC/Daviessurya. |
Trong dân gian Nhật Bản, gương được cho là có sức mạnh thần thánh và có thể hé lộ sự thật. Trong các nghi lễ hoàng gia, Yata no Kagami, hay chiếc gương tám cạnh, đại diện cho sự thông thái của Nhật hoàng.
Theo các ghi chép cổ xưa về truyền thuyết Nhật Bản, Yata no Kagami được vị thần Ishikoridome tạo ra.
Sau khi nữ thần mặt trời Amaterasu chiến đấu với em trai Susanoo, vị thần biển và bão tố, bà rút lui vào hang động, mang theo ánh sáng của thế giới vào đó cùng với bà.
Susanoo sắp đặt một bữa tiệc để dụ bà ra ngoài, và Amaterasu bị lóa mắt bởi hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương. Họ đã làm hòa, đem ánh sáng trở lại với thế giới.
Tấm gương đó và các báu vật khác sau này được truyền lại cho cháu trai của Amaterasu, Ninigi.
Theo truyền thuyết, nữ thần nói với Ninigi “hãy phục vụ tấm gương này như linh hồn của ta, giống như cháu đã phục vụ ta, với tâm trí và cơ thể thuần khiết”.
Ninigi được cho là ông cố của Jimmu, mà theo truyền thuyết là Nhật hoàng đầu tiên vào năm 660 TCN.
Thanh kiếm thiêng Kusanagi no Tsurugi
Nơi cất giữ Kusanagi no Tsuguri (thanh kiếm cắt cỏ) hiện chưa rõ, nhưng có thể là đền Atsuta ở Nagoya, miền Trung Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, thanh kiếm này mọc ra bên trong đuôi của một con rắn tám đầu đang ăn thịt những người con gái của một gia đình giàu có.
Người cha cầu xin Susanoo giúp đỡ, hứa gả con gái cuối cùng còn sống của mình cho ông nếu ông có thể đánh đuổi con rắn. Susanoo lừa con rắn uống rượu say, rồi cắt bỏ đuôi của nó, tìm thấy thanh kiếm.
 |
Hình minh họa thanh kiếm thiêng - Kusanagi no Tsurugi. Ảnh: BBC/Daviessurya. |
Nhưng ông cũng không giữ được thanh kiếm lâu, vì phải dùng nó khi chiến đấu với chị gái Amaterasu.
Thanh kiếm tượng trưng cho sự dũng cảm của Nhật hoàng. Vì có rất ít thông tin về thanh kiếm và nơi cất giữ, nhiều ý kiến hoài nghi nó có tồn tại hay không.
Thông tin về thanh kiếm này vào loại tối mật. Một thầy tu nói đã thấy nó trong thời Edo (giữa thế kỳ 17 và 19) đã bị tước chức vị.
Có tin đồn thanh kiếm đã bị mất trên biển trong một trận chiến vào thế kỷ 12, nhưng ông Takenaka nói có thể đó là bản sao, và một bản sao khác, đang nằm trong cung điện hoàng gia, được dùng trong các lễ lên ngôi.
Khi Nhật hoàng Akihito đăng quang năm 1989, ông được trao thanh kiếm, được cho là Kusanagi no Tsurugi. Nhưng ông vẫn chưa hề mở hộp đựng món quà này.
Viên đá quý thiêng - Yasakani no Magatama
Một chiếc “magatama” là hạt cườm hình vòng cung bắt đầu được tạo ra ở Nhật vào khoảng 1.000 năm TCN. Ban đầu chỉ để trang trí, magatama dần mang tính biểu tượng.
 |
Hình minh họa viên đá quý thiêng - Yasakani no Magatama. Ảnh: BBC/Daviessurya. |
Theo truyền thuyết, Yasakani no Magatama là một phần của vòng đeo cổ do Ame-no-Uzume, nữ thần hoan lạc, người có vai trò chủ chốt trong kế hoạch dụ Amaterasu ra khỏi hang.
Bà biểu diễn điệu múa cầu kỳ, đeo chiếc vòng cổ, tạo sự tò mò cho nữ thần mặt trời.
Dù nguồn gốc như thế nào, Yasakani no Magatama, làm từ đá quý màu xanh lá cây, có thể là báu vật duy nhất mà bản gốc còn sống sót. Bản gốc của nó được cất giữ trong cung điện hoàng gia ở Tokyo và được dùng trong lễ lên ngôi, tượng trưng cho sự tử tế của Nhật hoàng.
Người Nhật có tin vào các báu vật trên?
Dù các Nhật hoàng cho rằng họ là hậu duệ của Amaterasu, họ không còn coi mình là thần thánh. Nhật hoàng Hirohito đã bị Mỹbuộc phải từ bỏ việc coi mình là vị thần sau khi Nhật đầu hàng trong Thế chiến II.
Giáo sư Kawanishi, từ Đại học Nagoya, nói nhiều người ở Nhật vẫn nghĩ về các vật này là có ý nghĩa thần thánh, nhưng nhiều người khác “nghĩ về chúng là các đồ trang trí, như vương miện trong các hoàng gia nước khác”.
Chúng quan trọng vì chúng “thể hiện sự bí ẩn của hoàng gia”, ông nói, và điều đó đã diễn ra từ lâu.
 |
Hình vẽ minh họa lễ đăng quang của Nhật hoàng Taisho năm 1912 ở cố đô Kyoto, Nhật Bản. Ảnh:Getty Images. |
Trong khi đó, ông Takenaka, từ viện Đạo đức học, cho biết còn có luồng ý kiến trong số các học giả nói ba báu vật tượng trưng cho việc các nhóm thổ dân của Nhật Bản và các nhóm nhập cư từ ngoài cùng đoàn kết chung sống. Như vậy, ba báu vật thể hiện việc Nhật hoàng phải đoàn kết mọi nhóm người dân và không phân biệt đối xử.
Nhưng ông cũng nói thêm, trong thế kỷ 20, từ “ba báu vật” còn có ý nghĩa thực tiễn hơn, được dùng để nói đến ba đồ vật mà người Nhật không thể sống thiếu: TV, tủ lạnh và máy giặt.