Âm nhạc làm mới nhân vật văn chương

GD&TĐ - Không còn là những nhân vật của riêng địa hạt văn chương, nhờ sức sáng tạo không ngừng của các loại hình nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và âm nhạc, những nhân vật ấy đã bước vào đời sống đương đại với rất nhiều cung bậc cảm xúc và sắc diện mới.

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt MV “Để Mị nói cho mà nghe”
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt MV “Để Mị nói cho mà nghe”

Hơi thở mới, cảm xúc mới

Sau thành công của MV “Bánh trôi nước” dựa theo tác phẩm và cuộc đời bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Hoàng Thùy Linh lại vừa trình làng MV “Để Mị nói cho mà nghe”. Ca khúc mới của Hoàng Thùy Linh đã tạo ra một sự cuốn hút đặc biệt với giới trẻ và nhanh chóng bắt nhịp vào đời sống âm nhạc.

Với “Để Mị nói cho mà nghe”, Hoàng Thùy Linh đã xây dựng một cốt truyện hấp dẫn khi biến nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài thành nguồn kết nối nhiều nhân vật văn học nổi tiếng khác. Mị - cô con dâu gạt nợ sống cuộc đời câm lặng, âu sầu, tuyệt vọng, mất hết ý niệm về thời gian, không gian, chỉ đến khi giải cứu cho A Phủ mới giải thoát cuộc đời mình khỏi xiềng xích nhà thống lý Pá Tra tìm thấy ánh sáng cuộc đời… đã được thơ, ca, điện ảnh khai thác rất nhiều.

Nhưng với MV mới của Hoàng Thùy Linh, Mị hiện lên với một diện mạo hoàn toàn mới, căng tràn sức sống. Tự mình dứt khỏi ngục tù kìm hãm, mặc lên mình chiếc váy đẹp nhất, tung tăng nhảy múa, chơi đu trong tiếng khèn, giữa đất trời Tây Bắc rực rỡ hoa ban. Trong chuyến du xuân ấy, Mị truyền cảm hứng tự do cho những cuộc đời, những thân phận văn học khác. Mị xuất hiện kịp lúc lão Hạc sắp ăn lá ngón, đưa “cậu Vàng” trở về với chủ. Mị cứu chị Dậu khỏi tên quan dê xồm, cuốn theo anh Tràng (Vợ nhặt), kéo theo Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc đỏ thoát khỏi kiếp đời luẩn quẩn, tối tăm bước vào hành trình tương lai tươi sáng rộn ràng…

“Vợ chồng A Phủ” cũng từng được một nghệ sĩ rất hot trong giới trẻ có nghệ danh Đen đưa vào bài hát cùng tên, thể loại Rap với ngôn từ hiện đại, đã chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ. Trong game show truyền hình thực tế về sáng tác và hát nhạc “Sing My Song”, cũng đã xuất hiện nhiều bài hát khai thác các nhân vật văn học thành nguồn chất liệu âm nhạc. Đó là ca khúc “Thủy thần” do Đức Anh sáng tác, lấy cảm hứng từ Sơn Tinh, Thủy Tinh, với ngôn từ vừa day dứt vừa mạnh mẽ, đầy sáng tạo khiến giới trẻ thích thú. Nhạc sĩ Sa Huỳnh đã viết ca khúc “Hoạn Thư” với cảm quan đầy cảm thông, thương xót một Hoạn Thư đảm đang, tài giỏi nhưng không được hưởng cuộc hôn nhân trọn vẹn, hạnh phúc…

Ca sĩ Bá Hưng cũng đã thể nghiệm làm mới nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trong ca khúc “Kiều” của mình. Bùi Công Nam “rút ruột” tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, khoác cho “Chí Phèo” một đời sống tinh thần mới. Nhạc sĩ Giáng Son, Lưu Sơn Minh, Đức Trí đã rất tán thưởng và đánh giá cao sự mạnh dạn tìm tòi và giá trị của “Chí Phèo” mà Bùi Công Nam thể hiện. Ca sĩ Chi Pu cũng cho ra mắt MV “Anh ơi ở lại” lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám” để lý giải những hành động sai trái của Cám vì tình yêu đơn phương mù quáng dành cho nhà vua. Đó là xuất phát từ tình yêu Cám dành cho nhà vua. Câu chuyện kẻ thứ ba với kết cục phải trả giá, nhận về nhiều đớn đau là câu chuyện không bao giờ cũ khi được chuyển hóa thành sắc thái mới mẻ hơn.

“Thủy thần” và “Chí Phèo” đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng, trở thành bài hát phổ biến trong giới trẻ, tạo động lực cho trào lưu sáng tác mới trong nhạc trẻ. Cách làm sáng tạo, hiện đại của các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đã tạo được luồng gió mới, gây hiệu ứng bất ngờ với khán giả, được giới chuyên môn đánh giá là sự tiếp nối dũng cảm hướng tìm tòi, khai thác tương đối khó khăn so với lối sáng tác cảm xúc ngôn tình.

Hướng mở về dòng đề tài thú vị

Tỏ ra rất thích thú với “Để Mị nói cho mà nghe”, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Không phải tôi, Phó Đức Phương hay một số các nhạc sĩ khác “khơi mào” cho xu hướng khai thác đề tài danh nhân lịch sử văn hóa hay các nhân vật văn chương. Các nhạc sĩ tiền bối đã khơi nguồn dòng chảy đề tài về các danh nhân Việt Nam từ lâu rồi. Khi chúng tôi sáng tác về Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học (Về khóc Tố Như, Bến Âu Lâu, Giấc mơ Cẩm Giàng…) hay Trọng Thủy - Mỵ Châu, Trương Chi, Thị Màu… mới thấy nguồn đề tài này vô cùng phong phú và rất hay”.

Các nhạc sĩ trẻ rất nên từ bỏ lối viết “sầu anh chết em”, tình vờ để dũng cảm dấn thân. Viết về tình yêu là dễ nhất vì cái đó đang có sẵn trong các bạn. Nhưng các tác giả lớn họ đã thể hiện rất xuất sắc, việc trèo qua những “quả núi” trấn giữ ấy là một thách thức mạo hiểm. “Tôi thấy những nỗ lực của những nghệ sĩ trẻ rất đáng được cổ vũ và đón nhận. Họ đã không dễ dãi khi thể hiện nhân sinh quan và chọn con đường đến với nghệ thuật. Một tác phẩm âm nhạc hay là vừa đáp ứng thị hiếu của khán giả trẻ, vừa khơi gợi cho người nghe niềm hứng khởi, yêu thích mong muốn trở lại tìm hiểu kỹ hơn về văn chương, lịch sử là điều rất đáng quý”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, sáng tác âm nhạc từ tác phẩm văn học gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi ở người sáng tác không chỉ có tài năng âm nhạc mà cả vốn sống trải nghiệm, bề dày kiến thức, cùng với sự khéo léo dâng hiến hiểu biết của mình, là cách biểu đạt tâm hồn mình đầy sáng tạo.

Trước hiện tượng các nhân vật văn học kinh điển được “lột xác” trong âm nhạc, nhà thơ - nhà báo Đỗ Huy Chí chia sẻ: “Tôi thấy đây là sự sáng tạo đầy tiềm năng. Với góc nhìn táo bạo, các nghệ sĩ trẻ đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời các nhân vật kinh điển so với nguyên bản văn chương để kể câu chuyện thời đại của mình. Một sự mới mẻ khi thể hiện những góc nhìn đa diện về thời đại, về khả năng tư duy của các bạn trẻ. Dùng góc nhìn, quan điểm của mình soi chiếu vào nhận vật văn học, các sự vật, hiện tượng trong đời sống sẽ giúp các tác phẩm văn học tăng thêm sức sống, khiến các bạn trẻ dễ nhớ, hiểu cặn kẽ, hơn tác phẩm văn học nhờ những “dị bản” âm nhạc gây hiệu ứng bất ngờ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ