6 lời đồn tranh cãi về viên kim cương vô giá Koh-i-Noor

Có lẽ Koh-i-Noor (Núi ánh sáng theo ngôn ngữ người Ba Tư) là một trong những viên kim cương "ô nhục và lắm chuyện" nhất thế giới. Nó gây ra các mưu đồ tranh bá trong hàng thế kỷ và những tin đồn chưa rõ thực hư.

6 lời đồn tranh cãi về viên kim cương vô giá Koh-i-Noor

Có lẽ Koh-i-Noor (Núi ánh sáng) là một trong những viên kim cương “lắm chuyện” nhất thế giới. Nó là cớ sự gây ra các cuộc chinh phục và mưu đồ tranh bá trong hàng thế kỷ, khi qua tay Kakatiyas, Rajputs, Mughal, Afsharid, các đế chế Durrani, Sikh... Nó đã từng thuộc vào tay của hoàng đế rất nổi tiếng đó là Shah Jahan (1592 - 1666), người đã cho xây dựng ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal.

Cuối cùng, viên đá hơn 105 carat lọt vào tay người Anh giữa thế kỷ 19, trở thành một phần trang sức gắn trên Vương miện Hoàng gia, nay được trưng bày ở Tòa tháp London. Quyền sở hữu Koh-i-Noor luôn là vấn đề tranh chấp nhạy cảm đối với nhiều người Ấn Độ, khi họ tin rằng người Anh đã đánh cắp viên ngọc khỏi nước Ấn.

Cặp đôi tác giả William Dalrymple và Anita Anand đã viết một cuốn sách về Koh-i-Noor với nhan đề Câu chuyện về viên kim cương ô nhục nhất thế giới và được nhà Juggernaut xuất bản. Sau đây là những lời đồn chính về viên kim cương đã được đề cập trong tác phẩm.

Koh-i-Noor là viên kim cương số 1 của Ấn Độ

Thực tế: Chưa hẳn là thế, vì khi viên kim cương Koh-i-Noor nặng 190,3 carat lúc chưa cắt gọt chỉnh sửa đến nước Anh, còn có ít nhất 2 viên ngọc chị em nữa đi cùng là Darya-i-Noor (Biển ánh sáng) ước chừng từ 175 đến 195 carat nay đang ở Tehran và viên Great Mughal Diamond được các nhà kim hoàn hiện đại tin chính là viên ngọc Orlov nặng 189,9 carat nổi tiếng.

Tất cả ba viên ngọc quý trên được mang ra khỏi Ấn Độ như chiến lợi phẩm trong cuộc xâm lăng của vua Ba Tư Nader Shah vào đất nước này năm 1739. Chỉ đến đầu thế kỷ 19 khi Koh-i-Noor đến Punjab, nó mới bắt đầu đạt đến tiếng tăm ưu việt vượt các viên ngọc còn lại.

Lời đồn 2: Koh-i-Noor là viên ngọc không tì vết

Thực tế: Không đúng 100%! Koh-i-Noor nguyên thủy khi chưa được cắt gọt bị lỗi khá lớn ngay ở giữa lõi viên ngọc, ngăn cản khả năng khúc xạ ánh sáng. Chính vì để ý đến tỳ vết này mà Thái tử Albert chồng của Nữ hoàng Victoria nước Anh phải cho người cắt lại.

Cũng do chỉnh sửa khiến kích cỡ co lại mà viên ngọc chỉ được xếp hạng lớn thứ 90 trên thế giới. Du khách khi tham quan Koh-i-Noor được trưng bày ở Tòa tháp London bên cạnh hai viên kim cương Cullinan bề thế hơn nhiều, họ mới ngỡ ngàng về kích cỡ khiêm tốn của nó trái ngược hẳn với tiếng tăm nó có.

Lời đồn 3: Koh-i-Noor xuất xứ từ mỏ Kollur ở Ấn Độ vào thế kỷ 13

Thực tế: Người ta không thể biết viên kim cương này được phát hiện khi nào và ở đâu. Sự mơ hồ này khiến nó trở thành viên đá bí hiểm nhất.

Thậm chí, một số người còn tin nó là viên ngọc Syamantak trong truyền thuyết từ truyện kể Bhagavad Purana về Krishna, một trong các vị thần nổi tiếng nhất trong đền thờ Hindu, tức phải hiểu Koh-i-Noor là viên đá của thần.

Chỉ có một điều các chuyên gia nay đã biết chắc, là viên kim cương này không phải sản phẩm khai thác từ mỏ, mà được phát hiện ở trầm tích phù sa của một lòng sông khô, có lẽ phía nam Ấn Độ, một đặc điểm chung về xuất xứ của các viên kim cương nước này.

Lời đồn 4: Koh-i-Noor là kho tàng quý báu nhất của đế chế Mughal

Thực tế: Trong khi người Hindu và Sikh đánh giá kim cương cao hơn các loại ngọc khác thì dân Mughal và Ba Tư lại thích những loại quý thạch kích cỡ lớn, màu sáng và không cắt gọt. Thế nên, thực tế trong kho tàng của Mughal, viên Koh-i-Noor xem ra chỉ là một trong những viên đá đặc biệt giữa kho đá quý có kích cỡ lớn.

Những loại đá quý báu nhất trong bộ sưu tập của các bộ tộc này không phải là kim cương, mà là đá spinel đỏ đến từ Badakhshan rất được yêu thích và hồng ngọc xuất xứ Miến Điện. Sự thực, Humayun, hoàng đế Mughal khi bị lưu vong còn đem cả viên kim cương Babur, nhiều người tin đó chính là viên Koh-i-Noor, tặng cho vua Tahmasp của Ba Tư.

Viên ngọc làm quà này cuối cùng lại quay trở về Deccan, nhưng chẳng ai rõ sau đó nó hồi cố hương nhà Mughal lúc nào và bằng cách gì.

Lời đồn 5: Hoàng đế Mughal Muhammad Shah Rangila đã bị đánh cắp viên Koh-i-Noor qua nghi thức trao đổi khăn xếp

Thực tế: Câu chuyện người ta thường được nghe kể có hai truyền thuyết. Một là viên ngọc mà Hoàng đế Mughal giấu trong khăn xếp bị văng ra nên vua Ba Tư Nader lấy được. Hai là Nader dùng chiêu nghi thức trao đổi khăn xếp để tước đoạt Koh-i-Noor vốn được Hoàng đế Mughal lén nhét trong khăn đội của mình.

Tuy nhiên, theo các nhà sử học Ba Tư, nhà vua Mughal không thể giấu viên ngọc trong người, bởi lúc ấy Koh-i-Noor đã được đính vào đầu chim công thiết kế trên chiếc ngai vàng Peacock Throne, một gia bảo thực sự của người Mughal sau này bị Ba Tư chiếm đoạt.

Lời đồn 6: Koh-i-Noor được một nghệ nhân Venetian cắt gọt và đánh bóng khá vụng về nên kích cỡ bị giảm đi đáng kể

Thực tế: Theo một số nhân chứng lịch sử từng được nhìn tận mắt bộ sưu tập trang sức của một trong các Hoàng đế Mughal, quả thực có chuyện nghệ nhân Ý, Hortensio Borgio, đã cắt gọt quá thô bạo khiến một viên kim cương trong bộ sưu tập bị hao hụt nhiều về kích cỡ.

Tuy nhiên, số phận ấy không xảy ra với Koh-i-Noor mà là với viên Great Mughal Diamond (Orlov) hiện đang ở điện Kremlin thuộc về triều đại Catherine của Nga. Do người ta đã quên nhiều chuyện về các viên kim cương lớn khác của đế chế Mughal, nên cứ có huyền sử nào về ngọc này, nó liền được gán ngay cho viên kim cương Koh-i-Noor, vốn đã có sẵn tiếng tăm.

Theo Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ