“Ý điên” mê điêu khắc

“Ý điên” mê điêu khắc

Nghệ sĩ Nguyễn Như Ý khá nổi tiếng trong giới hội họa nước ta. Có lẽ vì thế ở xã Đức Hòa (Sóc Sơn – Hà Nội), đến một đứa trẻ vừa bập bẹ nói cũng biết chỉ đường cho khách đến nhà ông “Ý điên”.

Nghệ sĩ tôm tép

Cụt một chân bên trái, nhưng phải may mắn lắm khách đến thăm mới gặp được chủ nhân ở nhà. Ngoài thì giờ sáng tác, ông “Ý điên” lang thang ở ngoài cánh đồng mò mẫm con cua cái tép.

Không phải ông thèm thuồng những thức ăn ấy, mà muốn được đắm mình vào bùn đất quê hương, để hít hà cảm nhận mùi vị chốn quê mùa. Bởi yêu bùn đất, ông từ bỏ chốn thị thành, bỏ cả lời mời làm việc, tương lai nhàn hạ; hoặc nói rộng hơn là ông từ bỏ tất cả mọi cơ hội để được sống giữa quê nhà.

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1995, từ đó đến nay ông có nhiều triển lãm cá nhân và tập thể với những tác phẩm hội họa, điêu khắc độc - dị - lạ khá nổi tiếng, thu hút lượng lớn người yêu nghệ thuật đến thưởng lãm.

Tại nhà ông cũng tràn ngập bức tượng, bức tranh kỳ lạ đến rợn người - kỳ dị như chính bản thân của người nghệ sĩ. Những người bạn có nghề đến nhà ông Ý cũng không khỏi băn khoăn về ý tưởng điên rồ hiển hiện trên tác phẩm.

“Tôi chỉ là một nghệ sĩ tôm tép quê mùa, sống nơi thôn quê thì cảm hứng sáng tạo mới mạnh mẽ được. Thực ra, một nghệ sĩ để có thực tế nên sát sườn với mọi thứ. Tôi đi bắt cua bắt tép nhiều nên thuộc luôn hình dáng chúng, có khi nhắm mắt cũng vẽ, tạc được hình thù của chúng”, ông Ý nói.

Với hai lần đò

“Ý điên” mê điêu khắc ảnh 1
Một tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Như Ý. Ảnh: T.G

Ở Sóc Sơn, nhắc đến ông “Ý điên”, người ta xót xa cho một số phận, tiếc nuối cho một tài năng. Nhưng ở một góc nhìn khác, điều đáng thương nhất ở người nghệ sĩ ấy không phải là sự nghiệt ngã của số phận, nỗi mất mát của một phần cơ thể mà là tình yêu.  

Ông Ý từng có hai người phụ nữ về chung sống. Nhưng đều lần lượt rời bỏ ông với chung một lý do “không đủ điều kiện để chu cấp cuộc sống của họ”. Nói về các “cô vợ” chưa một lần đăng ký kết hôn của mình, ông như trút hết ruột gan, khát khao về một mái ấm đích thực.

Người mà ông Ý nặng lòng nhất là cô gái bị nhiễm chất độc da cam bé nhỏ chỉ với 25kg. Quen biết từ khi mới tốt nghiệp trường mỹ thuật, cả hai nhanh chóng quyết định gắn kết cuộc đời bên nhau. 12 năm chung sống, có quá nửa thời gian vợ ốm đau phải nằm trong bệnh viện.

Thời gian đó, ông làm đủ nghề từ đục tượng, vẽ tranh thuê, bắt cá, đạp xích lô… để lấy tiền nuôi vợ bệnh. “Vợ không biết chữ, tôi dạy cho biết đọc, biết viết… Nuôi bao nhiêu năm cô ấy cũng lớn thêm một ít, tăng được 5kg, từ 25 lên 30kg”, ánh mắt ông rạng ngời nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc.

Và cuối cùng ông cũng được hưởng niềm hạnh phúc làm bố như bao người đàn ông khác. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bé trai đầu tiên ra đời được đặt tên là Tượng như nghề của bố. “Đứa bé sinh non chào đời với cân nặng chỉ 800g, với người bình thường có thể nuôi được. Nhưng vợ thì yếu, nhà lại khó khăn nên cháu không thể qua khỏi”, ông Ý ngậm ngùi.

Có thể nói đó là cú sốc lớn nhất của đời ông. Bé trai thứ hai cũng mất vì sinh non khi ông chưa kịp nhìn mặt đặt tên. Khi ấy, ông không thể khóc được nữa và cũng không muốn cho ai thấy nỗi đau của mình.

Người đàn bà thứ hai của ông Ý lại ham mê cờ bạc, hai người đến với nhau như một nghĩa vụ, rồi ở lại với nhau cũng chỉ vì cái nghĩa cái tình, chứ chẳng phải vì yêu. Khi ông gặp tai nạn, không mong chờ gì được ở bản thân, ông giải thoát cho cô gái bằng một câu chia tay.

“Nhiều người bảo có khi tôi bị điên vì tình. Cũng có khi thế thật. Cuộc sống có quá nhiều khổ đau, mất mát, chắc vì thế mà nhà thơ Nguyễn Du mới viết: Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, ông Ý tâm sự.

Đục đêm, vẽ ngày

Ông Ý được liệt vào danh sách những hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, mấy lần địa phương đưa vào danh sách hộ nghèo nhưng ông ấy không chịu. Là người chịu khó, ngoài thời gian sáng tác, ông Ý còn mò cua bắt cá để bán ngoài chợ. Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa

Đêm đêm, khi không gian trở nên tĩnh lặng là lúc ông Ý thức giấc, bắt đầu cuộc đời của mình bằng những dùi những đục. Thớ gỗ sau một đêm chịu dày vò đau đớn bởi nhát cưa, bào đã thành tác phẩm nghệ thuật.

Người ta thấy ở những hình điêu khắc tinh xảo ấy là khuôn mặt cũng đầy ám ảnh khổ đau như chính chủ nhân vậy. Có tượng người chảy máu mắt, lại có tượng đôi mắt hoắm sâu như nghìn đêm không ngủ; Có tượng với khuôn mặt ủ rũ như đang chờ đợi điều gì đó.

Đến ban ngày, người ta lại thấy ông “Ý điên” ngồi vẽ. Lúc nào ông cũng cởi trần, cho cả màu sơn dính vào nước da ngăm đen. Những mảng màu, khối hình học hiện trên khung vẽ chằng chịt dọc ngang mọi ám ảnh cuộc sống. Nhưng, cũng có bức họa tinh khôi màu nắng, màu hoa và nụ cười.

Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, nửa ngày nhuốm màu hội họa, nửa ngày nhuốm màu bùn đất ở các cánh đồng ở Sóc Sơn. Trung bình mỗi ngày mò cua, bắt cá được 50 nghìn đồng, có ngày số đỏ ông Ý bắt được nhiều lên tới tiền trăm. Số tiền đó được “Ý điên” dùng một phần để mua gỗ, vải, màu… vẽ tranh, tạc tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ